Thứ Tư, 16/02/2022, 10:12 (GMT+7)
.

Chi phí tăng cao, vụ lúa đông xuân kém vui

Thời điểm này, nông dân các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân. Chi phí đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.

Tại huyện Gò Công Đông, vụ lúa đông xuân năm nay, toàn huyện xuống giống khoảng 9.000 ha. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa đã bước vào giai đoạn thu hoạch. Anh Trần Bình Tân (xã Kiểng Phước) cho biết, vụ đông xuân năm nay, gia đình anh gieo sạ 2 ha lúa ST25. Năm nay, dù nguồn nước phục vụ sản xuất dồi dào, nhưng năng suất lúa không bằng vụ đông xuân năm trước do sau khi trổ lúa bị khô cây.

Cũng tại huyện Gò Công Đông, khi chúng tôi đến là lúc ông Tám Hòa (xã Bình Nghị) đang xem thương lái cân lúa. Vụ lúa này, 6 công đất (1.000 m2/công) của gia đình ông gieo sạ giống lúa OM 4900. So với nhiều chủ ruộng xung quanh, vụ này ruộng lúa của gia đình ông Tám Hòa trúng mùa. Ước tính 6 công lúa đông xuân của ông thu hoạch được khoảng 6 tấn, bán với giá 5.800 đồng/kg. Dù vậy, theo ông Tám Hòa, vụ này giá lúa OM 4900 thấp hơn năm rồi khoảng 300 đồng/kg, cộng thêm chi phí đầu vào tăng cao nên không có lời nhiều.

Nông dân các huyện phía Đông bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân.
Nông dân các huyện phía Đông bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, đến thời điểm này, toàn huyện thu hoạch được khoảng 3.800 ha lúa đông xuân. Năm nay, nguồn nước tưới tiêu dồi dào nên các trà lúa không bị ảnh hưởng hạn, mặn.

Đến cuối tháng 2-2022, địa phương sẽ hoàn tất việc thu hoạch lúa đông xuân. Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Quí, nhiều nông dân gặp khó khăn trong việc thu hoạch lúa đông xuân, do nguồn nước trên ruộng còn nhiều. Nhiều hộ phải bơm nước ra mới thu hoạch được. Để tạo điều kiện cho nông dân thu hoạch lúa, Chi nhánh Thủy nông Gò Công đã tiến hành xả cống cục bộ tại một số khu vực.

Cũng như các địa phương trong vùng, thời điểm này, nhiều nông dân tại huyện Gò Công Tây đang khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân. Ông Võ Văn Hiệp (xã Yên Luông) cho biết, thực hiện chủ trương cắt vụ để “né” mặn của ngành Nông nghiệp, năm 2021, gia đình ông không xuống giống vụ lúa thu đông. Thay vào đó, ông tiến hành gieo sạ vụ đông xuân sớm để đảm bảo “né” mặn. Vụ này, 2,5 công đất của gia đình ông gieo sạ giống lúa Đài Thơm 8. So với vụ đông xuân năm trước, năm nay, năng suất và giá bán lúa đều thấp hơn.

“Năm nay, nước trong nội đồng còn nhiều. Từ mùng 4 Tết đến nay, tôi phải bơm nước từ ruộng ra mới thu hoạch được. Vụ đông xuân năm trước, 1 công đất trồng lúa tôi thu hoạch bán được 5 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ khoảng 4 triệu đồng” - ông Hiệp chia sẻ.

Cách đó không xa, dưới cái nắng như đổ lửa, anh Nguyễn Văn Châu đang đợi thương lái đến cân lúa. Theo anh Châu, vụ lúa này, gia đình anh chị gieo sạ giống lúa Nàng Hoa 9. Do thương lái chưa đến mua nên chưa biết giá thế nào, chỉ nghe giá thấp hơn năm trước.

Theo anh Châu, vụ này, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công đều tăng, trong khi giá lúa giảm khiến lợi nhuận không còn bao nhiêu.

Ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây) cho biết, vụ lúa đông xuân năm nay, giá lúa các loại giảm trung bình khoảng 200 đồng/kg so với cùng kỳ. Hiện lúa VD20 có giá khoảng 6.700 đồng/kg, ST24, ST25 7.200 đồng/kg, Nàng Hoa 9 là 6.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 là 5.600 đồng/kg, lúa thường khoảng 5.100 đồng/kg. Nếu trừ đi chi phí, năm nay, mỗi ha nông dân chỉ lời hơn 20 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với vụ đông xuân năm trước. Thời điểm này, dù giá lúa giảm, nhưng tình hình tiêu thụ lúa - gạo vẫn ổn định.

Riêng vụ này, công ty liên kết thực hiện Cánh đồng lớn với khoảng 230 ha, chủ yếu sản xuất các giống như Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, ST25, được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường 100 đồng/kg. Ước tính, công ty sẽ thu mua khoảng 8.000 tấn lúa các loại để phục vụ việc chế biến gạo.

Thực tế cho thấy, so với vụ đông xuân năm 2021, vụ đông xuân năm nay, giá lúa có giảm, nhưng so với nhiều năm trước vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của nông dân chính là chi phí đầu vào tăng cao, trong đó chủ yếu là phân bón. Thời điểm những tháng cuối năm, người dân phải mua phân Urê với giá khoảng 1 triệu đồng/bao, cao khoảng gấp 3 lần so với năm trước. Những khó khăn này đã được giới chuyên gia dự báo ngay từ đầu vụ.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.