Thứ Năm, 17/02/2022, 09:03 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động ứng phó với hạn, mặn

Tình hình hạn, xâm nhập mặn năm 2021 - 2022 được cơ quan chuyên môn dự đón sẽ đến sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Do đó, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và nông dân đã chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó.

HẠN, MẶN ĐẾN SỚM HƠN TBNN

Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Thông, tình hình hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2021 - 2022 ở Tiền Giang trên sông Tiền đến sớm hơn so với TBNN nhưng muộn hơn so với mùa khô 2020 - 2021 và xâm nhập sâu vào nội đồng cao hơn TBNN, tương đương và cao hơn một ít so với mùa khô 2020 - 2021.

Ông Nguyễn Văn Vũ (ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) đã chủ động chuẩn bị nhiều biện pháp để ứng phó  với hạn, mặn bảo vệ vườn sầu riêng đang trổ nhụy.
Ông Nguyễn Văn Vũ (ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) đã chủ động chuẩn bị nhiều biện pháp để ứng phó với hạn, mặn bảo vệ vườn sầu riêng đang trổ nhụy.

Cụ thể, tháng 2-2022 có một đợt xâm nhập mặn cao. Từ ngày 13-2, xâm nhập mặn trên sông Tiền bắt đầu tăng dần, đợt xâm nhập mặn cao từ ngày 15 đến 17-2 trùng với triều cường Rằm tháng Giêng. Biên mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập ở mức từ 35 - 45 km (khu vực xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đến xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho). Biên mặn 1 g/l có khả năng xâm nhập ở mức 45 - 55 km (TP. Mỹ Tho - Bến đò Bình Đức, huyện Châu Thành).

Chủ động bảo vệ nguồn nước ngọt

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Ưng Hồng Nghi, trong năm 2022, trên cơ sở dự báo, Sở đã tham mưu UBND tỉnh sớm có giải pháp ngăn mặn để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong tháng 2 và 3-2022, mặn sẽ xâm nhập sâu vào đến vàm kinh Nguyễn Tấn Thành và có khả năng lên đến xã Kim Sơn.

Chính vì vậy, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành vào ngày 7-2. Mục tiêu là bảo vệ nước sản xuất cho khu vực phía Tây và Dự án Bảo Định với khoảng 100 ngàn ha. Đồng thời, bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 800 ngàn dân tỉnh Tiền Giang và 300 ngàn dân tỉnh Long An.

Trong tháng 3, từ ngày 25-2 đến 31-3, trên sông Tiền có 2 đợt xâm nhập tăng cao, đây là thời kỳ cao điểm của xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2022.

Đợt 1 từ ngày 26-2 đến 5-3 trùng với triều cường đầu tháng 2 âm lịch, biên mặn 1 g/l có khả năng xâm nhập từ 50 - 55 km (Bến đò Bình Đức - Vàm kinh Nguyễn Tấn Thành, huyện Châu Thành). Đợt xâm nhập thứ 2 là đợt xâm nhập cao nhất trong năm từ ngày 14 đến 19-3, biên mặn 1 g/l có khả năng xâm nhập từ 55 - 65 km (Vàm kinh Nguyễn Tấn Thành - Rạch Gầm Xoài Mút, huyện Châu Thành).

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Thời điểm này, cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) vẫn còn lấy nước ngọt khá ổn định để bổ cấp cho vùng Ngọt hóa Gò Công. Do đó, nguồn nước trong vùng nội đồng của khu vực này đang rất dồi dào.

Cũng như năm 2021, năm nay, các địa phương phía Đông đã chủ động cắt vụ lúa thu đông để “né” mặn. Chính điều này đã giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp tránh bị ảnh hưởng hạn, mặn. Hiện hầu hết các trà lúa tại khu vực này đang bước vào giai đoạn chín và thu hoạch nên chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng hạn, mặn.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, đến thời điểm này, nguồn nước trên các kinh, rạch trên địa bàn huyện đang rất dồi dào. Huyện hiện có hơn 900 ha cây ăn trái và hàng trăm ha rau màu, căn cứ vào diễn biến, khả năng hạn, mặn năm nay sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện. Còn tại huyện Tân Phú Đông, thời điểm này, địa phương đã đóng toàn bộ các cống ngăn mặn.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, hiện mực nước trên các kinh, rạch nội đồng của huyện xuống thấp, một số tuyến kinh đã cạn, dự báo đến cuối tháng 3 nguồn nước nội đồng sẽ cạn hết. Để giảm thiểu ảnh hưởng của hạn, mặn, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đề xuất các ngành phân bổ kinh phí để đầu tư trạm bơm chuyền nước ngọt trên địa bàn huyện vào mùa khô để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Mùa mưa khả năng đến sớm

Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Võ Văn Thông, mùa mưa năm 2022 có khả năng đến sớm hơn TBNN, nhưng muộn hơn mùa mưa năm 2021. Thời gian bắt đầu mùa mưa khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Ở các huyện phía Tây, huyện Châu Thành có diện tích rau màu đang canh tác gần 2.000 ha, đang triển khai các giải pháp để chủ động ứng phó với hạn, mặn.

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành Huỳnh Hữu Hòa, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân nạo vét mương nội đồng, trữ nước ngọt để ứng phó với hạn, mặn. Cùng với đó, Phòng cũng phối hợp triển khai kiểm tra hệ thống cống đập ở khu vực Thuộc Nhiêu để phòng, chống xâm nhập mặn vào nội đồng theo hướng kinh Rạch Gầm.

Theo dự báo tình hình hạn, xâm nhập mặn năm nay, các huyện phía Tây như huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè ít bị ảnh hưởng, nhưng nông dân cũng đã chủ động chuẩn bị các biện pháp ứng phó.  Trong đó, xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) hiện có hơn 1.479 ha sầu riêng. Từ kinh nghiệm những năm trước, nông dân trên địa bàn xã đã chuẩn bị từ sớm để không bị động khi có xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Văn Vũ (ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp) cho biết: “Tôi có hơn 3.000 m2 với 110 cây sầu riêng đang giai đoạn trổ nhụy. Hiện tại, tôi đã nạo vét các mương và đắp lại các đập lấy nước để có thể trữ nước ngọt khi cần thiết. Cùng với đó, tôi cũng giữ lại lớp cỏ dưới chân gốc để có thể giữ ẩm cho cây sầu riêng trong giai đoạn nắng nóng hiện nay. Nếu hạn, mặn xảy ra gay gắt, tôi sẽ mua thêm màng nhựa để bịt các đập lấy nước trong vườn không để thất thoát nước ngọt”.

TRỌNG ĐẠT - KIỀU THU

.
.
.