Thứ Bảy, 30/04/2022, 21:26 (GMT+7)
.

Chàng trai Tiền Giang kiếm ngàn đô với EPOXY RESIN

Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đậu Viết Tùng - chàng trai 31 tuổi, quê Tiền Giang, đã chọn cho mình hướng đi riêng với những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt được chế tác kỳ công trên mặt bàn gỗ, bán ra nước ngoài, thu về cả ngàn đô mỗi tháng.

Nghệ nhân trẻ Đậu Viết Tùng bên mặt bàn với hình ảnh đại dương sống động vừa hoàn thành.
Nghệ nhân trẻ Đậu Viết Tùng bên mặt bàn với hình ảnh đại dương sống động vừa hoàn thành.

KHỞI NGHIỆP VỚI ĐAM MÊ

Là con trai của Nhà văn - Nhà báo Đậu Viết Hương, sinh ra trong gia đình có nhiều người nổi tiếng với nghề viết lách (như Nhà văn Tùng Long, Nhà văn Nguyễn Đông Thức…), nên Đậu Viết Tùng có sẵn trong mình “máu nghệ thuật”. Từ nhỏ Tùng đã có khiếu vẽ tranh và cả đam mê viết lách giống cha.

Vào khoảng năm 2017, tình cờ được xem video chế tác epoxy resin do nghệ nhân nước ngoài thực hiện, Tùng mê mẩn, rồi mày mò tìm hiểu và ấp ủ ý định sáng tạo từ chất liệu này.

Epoxy resin là một loại nhựa nhiệt rắn, khi pha 2 (hoặc nhiều) hợp chất lại sẽ chuyển từ thể lỏng sang thể rắn. Với độ trong suốt cao, keo epoxy resin thường được sử dụng để sáng tạo ra các sản phẩm trang trí, nữ trang, vẽ tranh 3D, mặt bàn gương 3D, tranh cá 3D... vô cùng sống động và sắc nét, vừa đẹp vừa bền. Với đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân tạo hình Đậu Viết Tùng ứng dụng keo epoxy resin kết hợp với gỗ tạo ra những sản phẩm nội thất mới lạ.

Tùng chia sẻ: “Những ngày đầu mình gặp rất nhiều khó khăn, như khâu tìm mua nguyên liệu, vì khi đó hầu như ít có  đơn vị cung cấp. Mặt khác, có sẵn kinh nghiệm về gỗ nghệ thuật và công việc sản xuất đồ gỗ décor, nhưng khi bắt tay làm epoxy resin không phải dễ dàng, bởi những kỹ thuật quan trọng, điểm then chốt không được chia sẻ trên mạng…”.

Tùng kể, có lần anh dành rất nhiều thời gian để trang trí một mặt bàn ăn khá lớn. Lúc đổ xong thì vô cùng ưng ý, nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ đi, do anh chưa kiểm soát được độ co rút của keo làm sản phẩm khiến mặt bàn bị cong vênh, không thể sử dụng. Sau rất nhiều lần thất bại, Tùng mới rút tỉa được kỹ thuật làm ra sản phẩm từ vật liệu này.

Tỉ mẩn chăm chút cho từng chi tiết nhỏ, nên các tác phẩm của Đậu Viết Tùng rất sống động và có hồn, từ những mặt bàn chứa cả “đại dương thu nhỏ”, hồ cá dĩa, cho đến đầm lầy cá sấu, xác ướp Ai Cập... đều hết sức độc đáo.

Thành phẩm được anh chia sẻ trên trang cá nhân khiến không ít người trầm trồ, thán phục. Để làm ra được một tác phẩm đẹp, Tùng phải tận tay thực hiện rất nhiều công đoạn, từ lên ý tưởng, phác thảo, lựa chọn phôi gỗ phù hợp; cho đến tái diễn ý tưởng đó sao cho chân thật, đổ keo và cuối cùng là khâu hoàn thiện. Tùy độ phức tạp mà đòi hỏi người làm epoxy resin phải có thêm nhiều kỹ năng, như vẽ, tạo hình đất sét, sơn màu airbrush hay điêu khắc gỗ... Thời gian thực hiện dao động ít nhất 10 ngày, có khi đến vài tháng.

Tùng cho biết, thực hiện chế tác các sản phẩm bằng epoxy resin, tất cả công đoạn đều quan trọng, nhưng quan trọng nhất là khâu đưa ý tưởng phác thảo lên mặt bàn và khâu hoàn thiện, nếu diễn họa tốt nhưng hoàn thiện không tốt thì sẽ không có được sản phẩm ưng ý, và ngược lại cũng vậy.

CHIA SẺ ĐAM MÊ

Đam mê và muốn có thêm nhiều người biết về nghệ thuật tạo hình bằng chất liệu epoxy resin, Đậu Viết Tùng mở xưởng Makin Art Work, vừa là nơi sản xuất, giới thiệu sản phẩm; vừa là điểm hướng dẫn, dạy nghề cho các bạn trẻ có cùng sở thích. Makin Art Work đã tổ chức trên 40 khóa dạy nghề khắp 3 miền; đồng thời, Tùng thường xuyên đăng bài viết, video hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chế tác epoxy resin trên các trang mạng xã hội, với tinh thần “không giấu nghề”.

Các học viên thực hiện tác phẩm tại Makin Art Work.
Các học viên thực hiện tác phẩm tại Makin Art Work.

“Đây là một ngành nghề mới mẻ và đầy tiềm năng, các bạn đến với các khóa hướng dẫn của mình đều là những bạn trẻ có tư duy mới mẻ và đầy nhiệt huyết. Hiện nay đội ngũ Makin Art Work của mình quy tựu được nhiều bạn có kỹ thuật cá nhân tốt, như nặn đất, điêu khắc... Và hầu hết là các bạn cùng quê Tiền Giang”  - Đậu Viết Tùng chia sẻ.

Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, giờ đây khách hàng đã biết đến và đặt hàng nhiều hơn. Với những kiến thức về quản trị kinh doanh đã học được, cùng việc áp dụng những tiến bộ công nghệ của thời đại 4.0 vào khâu bán hàng đã giúp những sản phẩm của Tùng tiếp cận được khá nhiều khách hàng nước ngoài: Mỹ, Canada, Úc, Pháp...

Tùng cho biết: “Các sản phẩm epoxy resin được thị trường định giá cao bởi thể hiện được sự độc đáo, độ lâu bền và tính thẩm mỹ. Không những ở thị trường trong nước, thị trường quốc tế càng đánh giá cao hơn và nhu cầu cũng tăng mạnh những năm gần đây”.

Một vài sản phẩm của anh khi đến trời Tây có giá khoảng 1.500 đô la Mỹ hoặc hơn, nhất là các sản phẩm làm theo đặt hàng của khách thường có giá cao. Là mặt hàng mới, khách hàng của dòng sản phẩm này hiện chưa nhiều, nhưng rất có triển vọng phát triển trong tương lai khi có thêm nhiều người biết đến.

Hiện nay, ngoài cơ sở chính Makin Art Work ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), Tùng vẫn duy trì một xưởng sản xuất tại TP. Mỹ Tho; và mong muốn phát triển ngành nghề này trên chính quê hương của mình, cũng như muốn đưa các sản phẩm của mình đi xa hơn, ra các thị trường châu Âu và Mỹ, giúp mang lại việc làm và nguồn ngoại tệ về cho đất nước. Chàng trai Tiền Giang tài hoa này cũng đang ấp ủ ý tưởng đưa những cảnh sắc của quê hương, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng… vào tác phẩm của mình để giới thiệu vẻ đẹp của quê hương ra thế giới.

LÊ VĂN

.
.
.