Thứ Năm, 28/04/2022, 08:12 (GMT+7)
.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp

Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều HTX có mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, các HTX vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình trên, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia và cơ quan chức năng đưa ra để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp.

Một số HTX nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. 		Ảnh: TRỌNG ĐẠT
Một số HTX nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX nông nghiệp đang cho thấy vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho những sản phẩm nông nghiệp của thành viên và người dân. Dù vậy, trong quá trình hoạt động, các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như HTX Thiên Phúc (huyện Chợ Gạo) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1-2018. HTX đã hướng dẫn thành viên và nông dân trong xã sản xuất 245 ha thanh long đạt chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc ký kết tiêu thụ sản phẩm của HTX đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc HTX Thiên Phúc cho biết: “Hiện HTX gặp khó khăn trong ký kết tiêu thụ với đơn hàng lớn và ổn định do nông dân sản xuất còn manh mún với chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, không có sản phẩm chất lượng cao với số lượng lớn thường xuyên. Mặt khác, HTX khó bao tiêu sản phẩm nông nghiệp với quy mô lớn”.

Theo Thạc sĩ Đặng Thị Mỹ Dung, Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tiền Giang, các HTX nông nghiệp cần nâng cao khả năng đàm phán để có những khoản tín dụng thương mại từ nhà cung cấp cho đầu tư máy móc thiết bị, nguyên vật liệu. Từ đó, HTX có điều kiện phát huy năng lực tác dụng của “đòn bẩy” tài chính trong việc tạo ra lợi nhuận tốt hơn. Ngoài ra, các HTX cũng cần được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Bên cạnh bài toán về đầu ra, việc mở rộng quy mô, thành viên cũng là khó khăn lớn đối với các HTX nông nghiệp hiện nay. Ông Võ Minh Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Phú Quới (huyện Gò Công Tây) cho biết: “HTX có 107 thành viên với tổng diện tích hơn 12 ha sản xuất rau được chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, việc mở rộng thêm hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn do nông dân ngại việc tham gia HTX vì tâm lý không muốn ràng buộc”.

Còn theo ông Trần Tuấn Khải, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phước (huyện Tân Phước), mỗi tháng HTX tiêu thụ từ 200 - 300 tấn khóm, 60 - 70 tấn khoai mỡ, 100 tấn thanh long và các loại nông sản khác. Dù vậy, HTX vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất do chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc. Bên cạnh đó, HTX hiện chưa có trụ sở hoạt động do chưa thuê được đất để làm trụ sở và nhà kho, xưởng sản xuất.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Minh Khánh, gần đây, một số HTX thành lập chưa xuất phát từ nhu cầu thật sự của người dân mà chỉ để đạt tiêu chí về Tổ chức sản xuất đối với xã nông thôn mới. Do đó, sau khi  thành lập, các HTX này không tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ thành viên, mà trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều HTX gặp khó khăn do có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất hạn chế, khả năng cạnh tranh yếu, thiếu đội ngũ nhân viên khoa học - kỹ thuật dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Việc tiếp cận các nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ của các HTX vẫn còn khó khăn, do không có tài sản thế chấp.

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI

Việc liên kết các HTX có quy mô nhỏ được xem là giải pháp hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh của các HTX nông nghiệp hiện nay. Vấn đề liên kết các HTX có quy mô nhỏ và cùng ngành nghề cũng đang là vấn đề của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Duy Cần, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, tính đến năm 2021, ĐBSCL có 2.343 HTX (tăng gần gấp đôi so với năm 2016). Mỗi HTX có cách làm, tiêu chuẩn và quản lý khác nhau, thiếu sự liên kết và thậm chí cạnh tranh lẫn nhau làm suy yếu nhau ngay trên cùng một địa phương. “Hợp nhất các HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn huyện, tỉnh để mở rộng quy mô và tăng cường các nguồn lực là xu hướng tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp kiểu mới” - PGS-TS Nguyễn Duy Cần chia sẻ.

Một số HTX nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: TRỌNG ĐẠT
Một số HTX nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Để thực hiện hiệu quả việc liên kết các HTX, theo PGS-TS Võ Thị Kim Sa, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2, Đồng Giám đốc Dự án Phát triển HTX Việt Nam, điểm mấu chốt hiện nay là cần phải có một vài HTX tiên phong khởi xướng và dẫn dắt sự liên kết cho các HTX khác.

Đến thời điểm thích hợp, các HTX có thể “về chung một nhà” theo con đường hợp nhất hay sáp nhập hoặc trở thành thành viên của nhau. Việc này không phải là vấn đề HTX nào thắng hoặc thua, mà là vì mục tiêu chung mang lại lợi ích cho các thành viên. Cùng với đó, nhà quản lý của các HTX nông nghiệp cũng cần nâng cao khả năng quản lý và phân tích tài chính, khai thác hiệu quả các khoản nợ có thời gian và chi phí sử dụng vốn hợp lý.

Để giúp các HTX nông nghiệp khắc phục các khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, theo đồng chí Lê Minh Khánh, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối liên kết giữa các HTX với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ tìm kiếm đối tác cho các HTX, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh...

CAO THẮNG

.
.
.