Thứ Sáu, 15/04/2022, 13:45 (GMT+7)
.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Giai đoạn 2017 - 2022, Tỉnh đoàn Tiền Giang triển khai thực hiện các hoạt động tạo môi trường cho thanh niên (TN) khởi nghiệp; chăm lo, hỗ trợ và tham mưu chính sách, pháp luật hỗ trợ TN khởi nghiệp, lập nghiệp…

Trao vốn hỗ trợ cho 3 TN khởi nghiệp.
Trao vốn hỗ trợ cho 3 TN khởi nghiệp.

Theo đó, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về khởi nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong TN; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ TN khởi nghiệp.

ĐẨY MẠNH TƯ VẤN

 
Ban Thường vụ Huyện đoàn Cai Lậy hiện đang tiếp tục xem xét hỗ trợ nguồn Quỹ TN khởi nghiệp cho cán bộ Đoàn, đoàn viên, TN có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế và đã hỗ trợ 9 TN với tổng số vốn 100 triệu đồng. Đồng thời, Huyện đoàn phối hợp với các ngành tổ chức hướng dẫn những kỹ năng tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm và làm việc cho TN; tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, TN có nhu cầu; phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng mít, sầu riêng, lúa, chăn nuôi bò... cho đoàn viên, TN
 
PHÓ BÍ THƯ HUYỆN ĐOÀN CAI LẬY MAI HUY MÂN

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Quang Minh cho biết, hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức TN. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cụ thể hóa chương trình hỗ trợ TN khởi nghiệp với nhiều hoạt động đồng hành với đoàn viên, TN trong nghề nghiệp, việc làm. Trong đó, chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, TN như: Tổ chức “Sàn giao dịch việc làm”, “Ngày hội việc làm cho TN”, “Tuần lễ việc làm cho TN”...

Bên cạnh đó, đối tượng học sinh THPT, học sinh lớp 9 cũng được tập trung tư vấn hướng nghiệp thông qua các hoạt động Ngày hội tư vấn, sinh hoạt ngoại khóa; lồng ghép với các tiết chào cờ đầu tuần tại các trường học; tư vấn trực tiếp, trực tuyến; sàn giao dịch việc làm… có trên 327 cuộc được tổ chức với trên 200 ngàn lượt đoàn viên, học sinh tham gia.

Đồng thời, các cấp bộ Đoàn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, TN; khai thác hiệu quả nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nguồn vốn khởi nghiệp của tỉnh, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Trong 5 năm qua, các đơn vị cơ sở Đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho gần 359.538 lượt đoàn viên, TN, học sinh; giới thiệu việc làm cho 45.793 lượt TN, trong đó 19.985 TN có việc làm.

Ngoài ra, Đội hình Trí thức trẻ tỉnh đã phối hợp các đơn vị tổ chức nhiều buổi tư vấn và hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả, các phương thức sản xuất mới và thông tin thị trường cho TN nông thôn, người dân tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đoàn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 253 cuộc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với 9.108 đoàn viên, TN tham gia.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Quang Minh trao vốn hỗ trợ cho 3 TN khởi nghiệp.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Quang Minh trao vốn hỗ trợ cho 3 TN khởi nghiệp.

Nhu cầu TN khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm số lượng khá cao. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai chương trình khởi nghiệp, lập nghiệp đến tất cả các cơ sở Đoàn trực thuộc. Qua đó, có nhiều dự án khởi nghiệp, lập nghiệp của TN đăng ký về huyện, tỉnh để được hỗ trợ vốn thực hiện dự án, phát triển kinh tế.

Bí thư Huyện đoàn Tân Phước Phùng Văn Luân cho biết, trong những năm qua, huyện Tân Phước có nhiều mô hình khởi nghiệp TN, nổi bật như mô hình nuôi chồn hương của đoàn viên Phan Lê Thúy Vi (ấp Hưng Quới, xã Hưng Thạnh), mô hình nuôi lương (xã Tăng Hòa Tây), vườn ươm thanh niên (xã Phước Lập)… “Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc khởi nghiệp, lập nghiệp của TN gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Khi đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tổ chức các đợt đến thăm hỏi, động viên nhằm khích lệ tinh thần cũng như hỗ trợ đoàn viên, TN khắc phục khó khăn trong khởi nghiệp, lập nghiệp”, đồng chí Phùng Văn Luân nói. 

NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

Thông qua các hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các tổ chức Đoàn trực thuộc đã hỗ trợ 368 dự án khởi nghiệp của đoàn viên, TN có tính khả thi cao, với tổng số vốn 6,8 tỷ đồng; hỗ trợ 90 ý tưởng, dự án TN khởi nghiệp trị giá 2 tỷ đồng; thực hiện mô hình “Vườn cây sinh kế”, số tiền 1,8 tỷ đồng; tạo điều kiện cho TN khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, khảo sát nhu cầu và kịp thời hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp cho TN…

Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức nhiều chương trình hội thảo, diễn đàn TN khởi nghiệp, như: Chương trình Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ TN khởi nghiệp; Diễn đàn “TN khởi nghiệp về lĩnh vực du lịch”, Diễn đàn chia sẻ “Ý tưởng khởi nghiệp”, Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TN nông thôn” và tập huấn “Những vấn đề cơ bản khi khởi nghiệp - kinh nghiệm khi xây dựng dự án khởi sự kinh doanh”; Phiên chợ “Quảng bá sản phẩm TN khởi nghiệp”… 

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp cho đoàn viên, TN trên địa bàn tỉnh, các cấp bộ Đoàn phối hợp tổ chức tập huấn trang bị kiến thức khởi nghiệp; diễn đàn TN khởi nghiệp thích ứng an toàn với Covid-19; trao vốn hỗ trợ TN thực hiện ý tưởng khởi nghiệp; tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, TN, học sinh, sinh viên… Từ đầu năm đến nay, các cấp bộ Đoàn phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu cho 1.200 TN có việc làm.

Anh Nguyễn Ngọc Sang (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) cùng một số TN địa phương đã khởi nghiệp với Dự án “Cổng cưới lá dừa, long phụng”.
Anh Nguyễn Ngọc Sang (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) cùng một số TN địa phương đã khởi nghiệp với Dự án “Cổng cưới lá dừa, long phụng”.

Gần 8 năm qua, anh Nguyễn Ngọc Sang (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành) cùng một số TN địa phương đã khởi nghiệp với Dự án “Cổng cưới lá dừa, long phụng” mang lại hiệu quả với mỗi tháng anh nhận làm hơn 10 đám cưới và trang trí tiểu cảnh tại các quán cà phê, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho TN địa phương.

Để hỗ trợ anh Sang mở rộng mô hình, đầu tư thêm vật dụng, trang thiết bị, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ anh vay vốn 20 triệu đồng. Còn anh Lê Trung Hiếu, chủ cơ sở sản xuất nem, chả lụa Ngọc Thành (phường 4, TP. Mỹ Tho), có sản phẩm nem huế đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020. Đầu năm 2022, Tỉnh đoàn hỗ trợ anh vay vốn 50 triệu đồng để làm hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch, bao bì nhãn mác, tiếp thị ra thị trường...

Các chương trình khởi nghiệp TN được triển khai phù hợp tình hình thực tế địa phương và đã có nhiều TN mạnh dạn khởi nghiệp. Các cấp bộ Đoàn đã có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực: các hoạt động đồng hành cùng TN khởi nghiệp, lập nghiệp được triển khai sâu rộng. Dù trải qua không ít khó khăn trong giai đoạn mới khởi nghiệp, nhưng với sự đồng hành của các cấp bộ Đoàn đã tạo động lực cho TN vượt qua thách thức trong khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

LÝ OANH

.
.
.