Thứ Năm, 29/09/2022, 15:52 (GMT+7)
.

ĐBSCL có trên 73.500 héc ta đất lúa chuyển sang cây trồng khác trong năm 2022

Năm 2022, ước tổng diện tích đất sản xuất lúa ở khu vực Nam bộ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là 78.270 héc ta, trong đó, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước đạt 73.530 héc ta.

Đất lúa chuyển sang trồng mít Thái ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh
Đất lúa chuyển sang trồng mít Thái ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh

Số liệu nêu trên được Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong báo cáo “Sở kết sản xuất cây trồng vụ thu đông, mùa năm 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 ở các tỉnh Nam bộ và ĐBSCL”.

Trước áp lực chi phí sản xuất lúa tăng cao trong khi lợi nhuận thu được chưa như kỳ vọng, cho nên, nông dân ở nhiều địa phương khu vực ĐBSCL như: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái trên nền đất lúa. Trong đó, sầu riêng và mít Thái là những loại cây được nông dân chọn trồng khá nhiều.

Ngoài ra, các loại rau, bắp, ớt, dưa hấu…, cũng được nông dân ở khu vực ĐBSCL chọn chuyển đổi sang từ nền đất lúa khá nhiều.

Tuy nhiên, Cục trồng trọt cho biết, việc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, nhất là với cây ăn trái đã xảy ra những vấn đề tồn tại. Chẳng hạn, một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng chưa đạt yêu cầu; nông dân chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác cây ăn trái dẫn đến chất lượng không cao.

Ví dụ, nông dân trồng với mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất, tuy nhiên, việc này sẽ dẫn đến nhu cầu sử dụng phân bón, chất kích thích nhiều, làm sản phẩm dễ bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tuổi thọ cây giảm (đối với cây mít Thái).

Ngoài ra, theo Cục trồng trọt, việc chuyển đổi sang cây ăn trái trên nền đất lúa còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương; việc liên kết tổ chức sản xuất và thu mua chưa có hoặc còn lỏng lẻo nên giá cả không ổn định

Trước tính hình nêu trên, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến và con nông dân về ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi này.

Mặt khác, theo ông Tùng, cần lựa chọn giống cây có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt.

Song song đó, cần tổ chức hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp nông dân học hỏi, ứng dụng.

Theo ông Tùng, cần kết nối, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.