Thứ Bảy, 29/10/2022, 13:14 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Tiếp tục hoàn thiện các mô hình kinh tế tập thể

Thực hiện tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất và Kinh tế nông thôn (tiêu chí 13), thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã quan tâm phát triển các loại hình kinh tế tập thể, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động của các hợp tác xã (HTX) đã thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, từng bước xây dựng ngành Nông nghiệp chất lượng cao.

ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG

HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An (xã Phú An) được thành lập vào tháng 8-2017 và hiện có 55 thành viên hoạt động trong lĩnh vực mua bán trái cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Với sự hỗ trợ của địa phương và ngành chức năng, Ban Giám đốc HTX chủ động đào tạo nghiệp vụ cho bộ máy quản lý, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo lợi nhuận cho thành viên.

Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An.
Cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An.

Đặc biệt, trong năm 2022, HTX đã đưa vào hoạt động cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp. Cửa hàng giới thiệu và mua bán máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trái cây, gạo đặc sản, cây giống... Ông Lê Văn Phước Lạc, Giám đốc HTX cho biết: “HTX luôn tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường để có sự chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Việc đưa vào hoạt động cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp là hình thức đa dạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hoạt động của gian hàng là cầu nối để các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, vật tư nông nghiệp chất lượng đến nông dân. Đồng thời, quảng bá, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương”.

3 năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong đã xây dựng Tổ sầu riêng VietGAP có diện tích 25 ha, với 15 thành viên tham gia. Ban Giám đốc HTX đã chủ động phối hợp tập huấn, trao đổi kỹ thuật canh tác, các biện pháp phòng ngừa sâu bệnh thông qua quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); từng bước xây dựng và mở rộng vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao.

Ông Phan Văn Tặng (ấp Tân An, xã Tân Phong) có 0,8 ha sầu riêng đang cho trái cho biết: “Trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP giúp nông dân sản xuất theo hướng an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Sau 3 năm thực hiện, diện tích vườn cây của gia đình tôi luôn cho năng suất ổn định, trái đạt chất lượng, đẹp về mẫu mã.

Hiện nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong đã liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm sầu riêng VietGap của nông dân. Đây là tín hiệu vui đối với hoạt động của HTX, cũng là điều các thành viên mong đợi bấy lâu nay”.   

TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ

Thực hiện tiêu chí 13, huyện Cai Lậy tập trung đổi mới và phát triển các HTX theo Luật HTX năm 2012. Toàn huyện hiện có 16 HTX với hơn 12.300 thành viên. Hoạt động các HTX đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Ông Phan Văn Tặng với diện tích sầu riêng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP.
Ông Phan Văn Tặng với diện tích sầu riêng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP.

Cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế hợp tác gắn với xây dựng và nâng chất xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Nhiều HTX trên địa bàn huyện đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP để nâng cao giá trị các loại cây trồng chủ lực, xây dựng sản phẩm OCOP.

 Tuy nhiên, hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện Cai Lậy vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đem lại hiệu quả tích cực. Vốn hoạt động, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và liên kết với thị trường là trở ngại lớn đối với hầu hết các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý HTX chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng HTX xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa chưa nhiều. Đa phần các HTX chưa tự tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chủ lực.

Để nâng chất tiêu chí 13 theo Bộ Tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện Cai Lậy sẽ tập trung tuyên truyền về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của HTX. Đặc biệt, huyện chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, quảng bá những mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Đồng thời, hỗ trợ các HTX mở thêm các loại hình dịch vụ, tạo đầu ra ổn định cho nông sản chủ lực của thành viên và người dân địa phương. Trong đó, địa phương sẽ tăng cường hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đặc biệt, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX để phát hiện những vấn đề còn bất cập, có biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời…

TRƯỜNG GIANG

.
.
.