Thứ Hai, 31/10/2022, 15:06 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Nỗ lực ổn định hoạt động kinh doanh xăng, dầu

Nguồn cung hạn chế, mức chiết khấu hoa hồng thấp khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng, dầu gặp khó. Để ổn định hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường hoạt động giám sát các đơn vị kinh doanh xăng, dầu.

Những ngày qua, tình hình cung ứng xăng, dầu ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, một số cửa hàng bán lẻ treo bảng hết xăng, dầu. Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, nằm trong tình hình chung của cả nước, thời gian qua, tình hình biến động xăng, dầu trên địa bàn tỉnh khá phức tạp. Do mức hoa hồng thấp cũng như biến động của thị trường thế giới nên các đơn vị đầu mối, tổng đại lý cung ứng xăng, dấu cho các cửa hàng bán lẻ đôi khi chưa đảm bảo tính kịp thời. Cụ thể, có thời điểm, mức chiết khấu hoa hồng khoảng 200 - 300 đồng/lít, có thời điểm không có hoa hồng. DN phải chấp nhận lỗ chi phí như: Vận chuyển, lao động… Mức hoa hồng chưa đảm bảo chi phí nên các DN gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng QLTT tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu, góp phần ổn định tình hình cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng QLTT tỉnh Tiền Giang tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu, góp phần ổn định tình hình cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.

Nhằm góp phần ổn định hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục QLTT. Theo đó, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu các Đội QLTT trực thuộc tăng cường quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng, dầu để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung. Đồng thời, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT còn duy trì việc tiếp nhận phản ánh dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu qua đường dây nóng; tập trung giám sát chặt chẽ các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn; đặc biệt là các cửa hàng xin tạm ngưng hoặc ngưng hoạt động, nhưng không được Sở Công thương chấp thuận. Ngoài ra, lãnh đạo Cục QLTT tỉnh còn chủ trì Đoàn công tác của đơn vị đến làm việc trực tiếp với các thương nhân đầu mối xăng dầu để trao đổi, nắm tình hình kinh doanh, cung ứng xăng, dầu thuộc hệ thống của DN.

Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, một số DN phản ánh do hoa hồng thấp, kinh doanh không có lãi nên đã gửi đơn đến Sở Công thương để tạm ngừng hoạt động. Tùy vào tình hình cụ thể, Sở Công thương sẽ kiểm tra và xem xét đơn vị nào có lý do chính đáng thì được chấp nhận cho tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, số cửa hàng tạm ngừng hoạt động so với tổng số cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng xăng, dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân.

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã khảo sát gần 8.000 lượt (trong đó giám sát 20 lượt) cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Qua khảo sát, giám sát, Cục QLTT tỉnh chưa phát hiện hành vi găm hàng, cắt giảm thời gian, số lượng bán hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng, dầu. Đồng thời, kiểm tra, phát hiện 14 vụ vi phạm, thu phạt gần 400 triệu đồng.

Chính sự chủ động, nỗ lực, quyết liệt của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang và sự phối hợp tích cực của các ngành chức năng, sự chung tay các DN kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã từng bước góp phần bình ổn thị trường xăng, dầu, bảo đảm nguồn cung cấp cho thị trường đầy đủ, liên tục.

Trên thực tế, theo đánh giá của một số đơn vị kinh doanh, nguồn cung xăng, dầu từ nay đến cuối năm vẫn còn khó khăn. Do đó, để góp phần ổn định hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT duy trì hoạt động khảo sát, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, cắt giảm thời gian, số lượng bán hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng, dầu.

ANH THƯ

.
.
.