Thứ Sáu, 18/11/2022, 13:33 (GMT+7)
.

Dồn lực chuẩn bị cho mùa tết

Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh sản xuất, dự trữ hàng hóa.

Dự báo nhu cầu mua sắm cuối năm nay sẽ tăng cao nhờ những dấu hiệu lạc quan trong phục hồi kinh tế sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.

TẬP TRUNG SẢN XUẤT

Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, thời điểm này, các DN đang đẩy mạnh sản xuất để cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường. Tết Nguyên đán 2023 được dự báo sẽ có nhiều tín hiệu mới hơn sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19. Chính vì vậy, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang tập trung nguồn lực cho một mùa kinh doanh được dự báo sẽ sôi động hơn những năm trước.

Ông Nguyễn Trọng Thế, Giám đốc Hợp tác xã Sơ ri Bình Ân (huyện Gò Công Đông) cho biết, những ngày qua, hợp tác xã thu mua nguyên liệu, tập trung nhân lực để đẩy mạnh sản xuất mứt sơ ri. Hiện đối tác của hợp tác xã đã có đơn đặt hàng tết. Năm nay, dự kiến, hợp tác xã sẽ cung ứng thị trường tết khoảng 7 tấn mứt, tương đương với năm trước.

Công ty TNHH TMDV Trí Sơn chuẩn bị hàng hóa tết.
Công ty TNHH TMDV Trí Sơn chuẩn bị hàng hóa tết.

Còn ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn (TP. Mỹ Tho) cho biết, hiện DN đang chuẩn bị bao bì để đưa sản phẩm yến sào vào các giỏ quà, hộp quà cung ứng cho thị trường tết. Đến thời điểm này, việc sản xuất các sản phẩm từ yến tại công ty đã được đẩy mạnh. Dù nằm trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình kinh tế hiện nay, nhưng do là DN cung cấp sản phẩm tương đối mới nên có mức tăng trưởng ổn định. Do đó, số lượng hàng hóa sản xuất phục vụ tết năm nay sẽ tăng khoảng 20%.

Điểm mới trong sản xuất hàng hóa tết năm nay của DN là có thêm nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP như: Bánh flan yến, sữa chua yến, yến sấy thăng hoa… Những sản phẩm này được công ty đưa vào các hộp quà, giỏ quà để tăng giá trị của sản phẩm quà tặng.

“Giá hàng hóa tết năm nay ổn định, không tăng, mà còn đa dạng sản phẩm hơn. Sản phẩm được công ty chú trọng đầu tư về mẫu mã, giá cạnh tranh để khách hàng có nhiều sự chọn lựa hơn. Tết năm nay, công ty đưa ra thị trường các giỏ quà từ 370.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng” - ông Sơn cho biết thêm.

Công ty TNHH TMDV Trí Sơn sơ chế tổ yến phục vụ tết.
Công ty TNHH TMDV Trí Sơn sơ chế tổ yến phục vụ tết.

Tương tự, thời điểm này, Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây) đang tập trung sản xuất hàng hóa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023. Bà Trần Thị Luôn, Phó Giám đốc công ty cho biết, do thời gian qua, DN không ngừng mở rộng thị trường nên dịp Tết Nguyên đán tới đây, số lượng hàng hóa sản xuất tăng khoảng 50% so với năm trước. Bên cạnh việc tăng số lượng, công ty còn tung ra thị trường nhiều sản phẩm mới như: Hạt nêm, cháo, rau sấy… Đồng thời, có những combo quà tặng, đa dạng phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. “DN đang tập trung nhân lực để sản xuất. Hiện có một số khách đã đặt hàng. Công ty đã nhận một số đơn hàng của DN để tặng quà tết cho nhân viên.” - bà Luôn cho biết thêm.

ĐẢM BẢO NGUỒN HÀNG

Song song với công tác đẩy mạnh sản xuất, các DN, đơn vị phân phối đang đẩy mạnh dự trữ, cung ứng hàng hóa tết. Điều này cũng nằm trong mục tiêu chung của tỉnh nhằm đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn nhu cầu mua sắm tăng cao.

Ông Phạm Chí Công, Giám đốc Co.opmart Gò Công (TX. Gò Công) cho biết, năm nay, đơn vị tiếp tục tham gia chương trình bình ổn thị trường cuối năm. Theo đó, siêu thị đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa tết. Tổng lượng hàng hóa dự trữ của đơn vị năm nay trên 44 tỷ đồng. Trong đó, nhóm hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trên 18 tỷ đồng. Thời gian bắt đầu dự trữ là ngày 15-11. Tùy theo diễn biến tình hình và nhu cầu của thị trường, Co.opmart Gò Công sẽ cân đối tăng hoặc giảm lượng hàng hóa cho phù hợp và đảm bảo không để thiếu hàng nhóm nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu.

Hàng hóa sẵn sàng phục vụ tết.
Hàng hóa sẵn sàng phục vụ tết.

Cũng như những năm trước, ngoài tham gia dự trữ của các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, trên địa bàn còn có các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây cũng là nguồn lực quan trọng góp phần bình ổn giá trên thị trường cũng như góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã và đang được triển khai một cách sâu rộng.

Ở nhóm kinh tế hợp tác, theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Kim (huyện Châu Thành), giá cả một số mặt hàng năm nay có tăng, nhưng cũng không đáng kể, phần lớn là do chi phí xăng, dầu tăng đã tác động trực tiếp đến giá thành của hàng hóa. Theo dự báo, sức mua hàng hóa tết năm nay sẽ ngang với năm trước chứ không tăng đột biến.

Ở góc nhìn khác, ông Võ Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát (TP. Mỹ Tho) cho rằng, so với năm trước, các loại thực phẩm, hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 tăng khoảng 10% - 30% tùy theo sản phẩm. Trong đó, hàng hóa trong nước sản xuất tăng từ 10% - 15%, hàng nhập khẩu tăng từ 10% - 30%. Hàng hóa nước ngoài sản xuất tăng theo tỷ giá USD, hàng hóa trong nước tăng do tác động của giá xăng, dầu, chi phí logistics. Năm nay, công ty dự trữ hàng hóa tết tương đương với năm trước.

“DN chuyên cung cấp sỉ hàng hóa cho các chợ trên địa bàn tỉnh, nhưng đến thời điểm này, sức mua tại các chợ chưa khởi sắc. Chưa kể, hằng năm, thời điểm này, Công đoàn của một số DN đã lên danh sách mua quà tết cho nhân viên. Tuy nhiên, năm nay, các đơn vị chưa có động thái. Một số đơn vị cho biết, có thể năm nay, họ sẽ cân đối lại và lì xì một phần nào đó cho nhân viên.

Đến thời điểm này, các nhà sản xuất cũng e dè trong việc sản xuất do lo ngại sức tiêu thụ của thị trường. Những hàng hóa không phải là thiết yếu thì đến thời điểm này chưa có sự chuyển biến, chủ yếu là bánh kẹo. Hằng năm, đến thời điểm này, thị trường hàng hóa tết đã chộn rộn, còn năm nay thì chưa. Nếu sức thị trường tiêu thụ mạnh vào những ngày tới, DN sẽ nhập hàng về để bán tiếp. Nhìn chung, nguồn cung hàng hóa tết năm nay sẽ đảm bảo không thiếu” - ông Thành thông tin.

Liên quan đến công tác chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm 2023, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, ngành Công thương đã xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa tết; làm việc với các DN, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang và đã trình UBND tỉnh. Theo kế hoạch, năm nay, tỉnh có 9 đơn vị đăng ký tham gia chương trình dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2023 theo chương trình bình ổn, tăng 1 đơn vị. Tổng giá trị hàng hóa tham gia dự trữ năm nay dự kiến khoảng 454 tỷ đồng, tăng 13% so với Tết Nguyên đán năm 2022; trong đó, hàng hóa thiết yếu khoảng 120 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Sở Công thương, dự kiến sức mua mùa tết năm nay sẽ tăng khoảng 30% so Tết Nguyên đán 2022 do kinh tế đã được phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sở Công thương cũng đã làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ các gói vay ưu đãi cho các đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa theo chương trình bình ổn giá.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

.
.
.