Thứ Hai, 28/11/2022, 14:24 (GMT+7)
.
TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN VÙNG PHÍA ĐÔNG TỈNH TIỀN GIANG

BÀI 2: Đột phá phát triển công nghiệp

BÀI 1: Giao thông "mở đường"

Tỉnh Tiền Giang đang quy hoạch nhiều khu, cụm công nghiệp (CCN) tại vùng phía Đông. Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng tỷ lệ phát triển công nghiệp ở tỉnh, quan trọng hơn là tạo động lực phát triển khu vực này.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh được tập trung vào khu vực phía Đông. Do đó, trong quy hoạch phát triển công nghiệp, nhiều dự án khu, CCN ở khu vực này đang được kêu gọi đầu tư.

NHIỀU DỰ ÁN SẮP TRIỂN KHAI

Với lợi thế hiện hữu, khu vực phía Đông được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Công Đông, trên địa bàn huyện hiện có 1 khu công nghiệp (KCN) và 2 cụm CCN đã được phê duyệt gồm: KCN Gò Công, CCN Gia Thuận 1, 2. Đối với CCN Gia Thuận 1, hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện việc đầu tư hạ tầng. CCN này đã thu hút được 2 nhà đầu tư và đã được cấp chứng nhận đầu tư.

Cụ thể, Dự án Nhà máy Global Running có tổng vốn đầu tư là 1.155 tỷ đồng với diện tích hơn 10 ha đã đi vào hoạt động với trên 3.000 công nhân, ngành nghề hoạt động là may gia công giày da xuất khẩu. Dự án Công ty TNHH TNHH Sun Print - Silicon Việt Nam có tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng, trên diện tích 1,3 ha. Doanh nghiệp hoạt động với ngành nghề là sản xuất và gia công các loại nhãn mác các loại bộ phận cấu thành giày, dép các loại; sản xuất, gia công khuôn nhôm bằng kim loại và phi kim loại khung in, in lụa; may trang phục… Hiện doanh nghiệp đang đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị. Đến nay, CCN Gia Thuận 1 đã lấp đầy được 29% diện tích, còn 71% diện tích đang tiếp tục kêu gọi đầu tư.

Riêng CCN Gia Thuận 2 cũng đã được UBND tỉnh quyết định thành lập và UBND huyện Gò Công Đông đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 2582 ngày 30-9-2020. Hiện nhà đầu tư hạ tầng đang hợp đồng với Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện thực hiện chi trả kinh phí đền bù, với tổng diện tích hơn 48 ha, với 18 hộ dân bị ảnh hưởng.

CCN Gia Thuận 1 đã hoàn thành và thu hút được 2 nhà đầu tư thứ cấp.
CCN Gia Thuận 1 đã hoàn thành và thu hút được 2 nhà đầu tư thứ cấp.

Còn tại TX. Gò Công, Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Bình Đông vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Điện mặt trời miền Trung MK. Quy mô sử dụng đất của dự án hơn 211 ha tại xã Bình Đông, TX. Gò Công, với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 365 tỷ đồng.

Ngoài KCN Bình Đông, hiện TX. Gò Công cũng đang kêu gọi đầu tư Dự án CCN Mỹ Lợi với diện tích 50 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 460 tỷ đồng. Dự án có vị trí tiếp giáp sông Soài Rạp, gần Quốc lộ 50 và KCN Bình Đông nên có nhiều lợi thế trong đầu tư phát triển.

Đối với huyện Gò Công Tây, hiện trên địa bàn huyện đang kêu gọi đầu tư 3 Dự án CCN gồm: Đồng Sơn, Long Bình, Vĩnh Hựu. Trong đó, Dự án CCN Long Bình, Vĩnh Hựu đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, đối với 2 Dự án CCN Long Bình và Vĩnh Hựu hiện đã có nhà đầu tư quan tâm và đăng ký. Tuy nhiên, hiện các ngành có liên quan đang tính toán lại tổng mức đầu tư 2 Dự án CCN này cho phù hợp để UBND tỉnh phê duyệt lại tổng mức đầu tư.

CẦN QUYẾT LIỆT HƠN NỮA

Trên thực tế, việc đẩy nhanh các dự án phát triển công nghiệp có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Đông. Khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ kéo theo đó là các dịch vụ, thương mại phát triển. Chưa kể, việc hình thành các khu, CCN sẽ góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương. Bởi thực tế, thời gian qua, nguồn lao động ở khu vực này khá lớn. Tuy nhiên, do thiếu các nhà máy, xí nghiệp có quy mô lớn nên một lượng lớn lao động đã đến các khu, CCN trên địa bàn TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh để làm việc.

Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gò Công Đông Bạch Công Quang, đến thời điểm này, 2 CCN trên địa bàn huyện đã có chủ đầu tư hạ tầng. CCN Gia Thuận 1 hiện đã lấp đầy 29% diện tích, CCN Gia Thuận 2 đang đền bù và sẽ triển khai đầu tư hạ tầng vào đầu năm 2023. Do vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành tỉnh Tiền Giang tập trung đầu tư hoàn chỉnh các hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch đề ra.

Đối với công tác thu hút nhà đầu tư thứ cấp, ngoài sự chủ động của chủ đầu tư, về góc độ quản lý nhà nước, địa phương sẽ triển khai các giải pháp thu hút, kêu gọi đầu tư qua trang tin điện tử. Đồng thời, địa phương cũng kiến nghị tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư để giới thiệu, kêu gọi đầu tư cho CCN Gia Thuận 1, CCN Gia Thuận 2, KCN Gò Công.

So với các huyện trong vùng, huyện Tân Phú Đông gặp khó khăn hơn trong việc kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, huyện cũng đang quy hoạch Dự án CCN Phú Thạnh với diện tích 75 ha. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, khi các dự án giao thông được triển khai đầu tư đồng bộ, đặc biệt là tuyến đường ven biển sẽ mở ra cơ hội phát triển công nghiệp cho huyện. Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ triển khai được Dự án CCN Phú Thạnh về mặt hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Đánh giá về tiềm năng cũng như tình hình thu hút đầu tư vào khu vực phía Đông, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Nhật Trường cho biết, đối với KCN Bình Đông, hiện nay, tất cả các công việc đang được triển khai theo kế hoạch đã được UBND tỉnh chấp thuận. Theo kế hoạch, đối với cơ quan nhà nước, trong tháng 10, 11-2022 sẽ thành lập Ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết triển khai dự án; đồng thời, rà soát về đất đai, tham mưu xử lý tài sản công, chuyển mục đích đất trồng lúa; xây dựng, trình duyệt phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư…; từ tháng 1 đến tháng 6-2023, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Cũng theo kế hoạch tiến độ, từ tháng 7-2023 đến tháng 7-2025, nhà đầu tư sẽ triển khai thực hiện dự án đầu tư hạ tầng. Từ tháng 7-2024 đến tháng 7-2026, nhà đầu tư sẽ thu hút các dự án sản xuất công nghiệp. Riêng KCN Gò Công, hiện UBND tỉnh đang báo cáo Chính phủ xin chuyển giao dự án lại cho tỉnh đầy đủ thủ tục pháp lý và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

 

.
.
.