Thứ Ba, 06/06/2023, 08:04 (GMT+7)
.
MỞ CỬA KINH TẾ SÔNG

BÀI 3: Định hình trung tâm thương mại

BÀI 1: Nhất cận thị, nhị cận giang…

BÀI 2: Tìm về con đường lúa - gạo

Nhiều dòng kinh đào được khơi thông, vùng sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được mở rộng, nhu cầu mua bán nông sản không ngừng gia tăng, tất yếu hình thành nơi trao đổi mua bán. Vào giai đoạn đầu của công cuộc khai mở vùng ĐBSCL, hoạt động thương mại bắt đầu được định hình nơi các cửa sông, kinh, rạch do các hình thức giao thông khác chưa phát triển.

ĐÔ THỊ SẦM UẤT

Với bề dày lịch sử hơn 340 năm, Mỹ Tho đóng vai trò quan trọng của cả vùng ĐBSCL. Bởi, Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang từng được xem là trung tâm thương mại sầm uất và quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL. Tại Hội thảo khoa học “Di sản đô thị Mỹ Tho - Tiềm năng và phát triển” được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thanh Lợi, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, cho biết vào cuối thế kỷ XIX, tính chất trung tâm của đô thị buộc phải liên kết không gian lãnh thổ giữa các vùng với nhau, vì thế các tuyến đường giao thông ở Nam kỳ được người Pháp chú trọng phát triển.

Mỹ Tho từng là trung tâm thương mãi sầm uất của ĐBSCL.
Mỹ Tho từng là trung tâm thương mại sầm uất của ĐBSCL.

Mỹ Tho là đô thị đầu tiên ở Tây Nam bộ, lại liền kề với Sài Gòn nên có điều kiện phát triển giao thông cả thủy, bộ. Vị trí đầu mối giao thông quan trọng của Mỹ Tho đã được người Pháp nhìn nhận: “Vị trí của Mỹ Tho rất thuận tiện, đó là điểm giao thương của tất cả thuyền bè đến từ phía Tây và đi về Chợ Lớn qua ngả rạch Trạm Thơ (kinh Bưu Điện - nay là kinh Bảo Định - NV) và kinh Chợ Gạo...

Ngoài con đường sắt chạy đến Sài Gòn trong 2 giờ, các tàu hơi nước của Hãng Vận tải đường sông, các tàu xà lúp của người Hoa và các thuyền bè đủ cỡ liên tục thông thương Mỹ Tho với Sài Gòn và các tỉnh lân cận”.

Nhìn vào từng chặng đường của lịch sử mới thấy rằng, đô thị Mỹ Tho có một vị thế lớn trong vùng ĐBSCL. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, vào thế kỷ XVII, do vị thế địa lý, Mỹ Tho đã là một đầu mối giao thương quan trọng bằng đường thủy, nổi tiếng trên bến dưới thuyền.

Thuyền buồm từ miền Trung, đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã vào đây buôn bán. Ghe bầu miền Trung vào đậu bến Tắm Ngựa bên vàm kinh Bảo Định. Tàu buồm cánh dơi loại lớn của người Hoa ghé vàm Kỳ Hôn, bến Tắm Ngựa. Các thương thuyền này đã đem lại sự thịnh vượng cho Mỹ Tho cho đến cuối thập niên 30 của thế kỷ XX. Theo đó, vào thời điểm trước thế kỷ XX, thủy trình từ miền Tây lên Sài Gòn đều phải qua Mỹ Tho.

Ngõ thứ nhất đi theo kinh Bảo Định, từ Mỹ Tho đến Tân An, qua 2 con sông Vàm Cỏ để đến Sài Gòn, dùng cho ghe thuyền nhỏ buôn bán nông sản, đò chèo. Ngõ thứ hai theo hướng kinh Chợ Gạo, từ Mỹ Tho vào vàm Kỳ Hôn, đến Gò Công, theo kinh Nước Mặn về Sài Gòn, dùng cho thuyền lớn, sà lan, bè gỗ, tàu Lục tỉnh, tàu vòng. Ngõ thứ ba ra Cửa Tiểu Gò Công, đi về Cần Giờ, rồi theo sông Soài Rạp vào sông Sài Gòn, dùng cho tàu lớn, tàu hải quân...

Vì cả ba tuyến đường thủy này đều phải đi qua Mỹ Tho, nên vàm Bảo Định, bến tàu Lục tỉnh luôn tấp nập ngày đêm. Do đó, vào tháng 7-1872, Công ty Vận tải đường sông Larrieu et Roque bắt đầu khai trương tuyến đường Chapoupe đi các tỉnh miền Đông (Bà Rịa, Tây Ninh), Chợ Lớn - Tân An - Gò Công (qua Cần Giuộc), tuyến Chợ Lớn - Mỹ Tho - Nam Vang và tuyến Chợ Lớn - Tân An - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng, kể cả đi Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc. Trước năm 1880, hành khách đi đường sông từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, Bến Tre và các tỉnh miền Tây trên 2 tuyến đường thủy.

Tuyến thứ nhất đi từ Sài Gòn ra biển, vào Mỹ Tho qua Cửa Tiểu, hành trình 12 giờ, trên 3 chiếc tàu lớn Battambang, Nam - Vian, Atalo của Hãng Vận tải đường sông Messagries Fluviales thường gọi là “Hãng tàu Nam Vang” hoạt động rất mạnh thời bấy giờ. Các tàu nhỏ của hãng này như Mouhot, Phước Kiến, Cantonnais, Francis Garnier chuyên chở thư theo ngả sông Sài Gòn, cửa Soài Rạp, rạch Lá, kinh Chợ Gạo, rạch Tân Vàm và sông Mỹ Tho.

Năm 1879, một chiếc tàu viễn dương chở hàng hóa và hành khách được đóng tại Dunkerque (Pháp) mang tên “Mỹ Tho” chứng tỏ sự vang danh của đô thị này vào thời bấy giờ.

Người Pháp đã đánh giá cao vai trò thương mại của Mỹ Tho trong cửa ngõ về miền Tây: “Sài Gòn là trung tâm quân sự, Mỹ Tho là trung tâm thương mại. Các ghe thuyền của người Nhật, người Tàu, người An Nam, người Xiêm có đáy cạn dễ di chuyển trên sông, nhờ vào địa điểm gần nơi sản xuất gạo, kinh, rạch lại dồn hết vào sông Tiền, thêm vào truyền thống của dân chúng địa phương từ bao thế kỷ, tất cả góp lại làm cho Mỹ Tho trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất của Nam kỳ miền dưới trước khi người châu Âu tới đây”.

Cũng theo nghiên cứu của ông Nguyễn Thành Lợi, các mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa - gạo là hàng hóa kinh doanh chính yếu ở chợ Mỹ Tho, nằm ở vị trí “đầu cầu” của miền Tây, đã cung ứng cho các thị trường và xuất khẩu: “Việc thương mãi tổng quát của chợ, trước hết là việc xuất cảng lúa - gạo. Lúa - gạo được sơ chế và sau đó được chuyển về địa chỉ của các nhà máy xay xát gạo ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Tại đó, gạo được chà sạch rồi vận chuyển ra Trung kỳ hay Cambốt. Những loại trái cây, lá trầu rang cũng được xuất lên Cambốt”.

Từ đó, các phương tiện giao thông thủy bộ đều được huy động để phục vụ cho việc giao thương ở Mỹ Tho. Thống kê trong giai đoạn này cho thấy, có đến 8.000 chiếc ghe các loại đảm bảo việc buôn bán trong tỉnh; tàu hơi nước của Hãng Năm Sao, tàu Chaloupe, ghe chài của người Hoa, xe lửa phục vụ việc mua bán ngoài tỉnh, nhất là giữa Sài Gòn với Mỹ Tho và các tỉnh Tây Nam bộ. Mỹ Tho nhập về cá khô từ Cambốt; chiếu rơm, đậu khô, phân bón, vôi, nước mắm, đồ gốm, đồ gỗ từ An Nam (Trung kỳ); vải vóc, dầu lửa... từ Sài Gòn và Chợ Lớn.

CON ĐƯỜNG NÔNG SẢN

Sản xuất nông sản toàn vùng ĐBSCL ngày càng phát triển, nhu cầu mua bán ngày càng lớn mạnh, trung tâm thương mại hình thành cũng là lúc mở rộng giao thương với các khu vực khác. Kinh Chợ Gạo - được gọi là Con đường sông sản miền Tây - được gánh vác sứ mệnh trung chuyển hàng hóa của khu vực ĐBSCL bằng đường thủy đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Hơn 145 năm hình thành, kinh Chợ Gạo ngày nay vẫn còn mang lại ý nghĩa to lớn cho Tiền Giang nói riêng và toàn vùng ĐBSCL nói chung.

Kinh Chợ Gạo đóng vai trò to lớn trong hệ thống giao thông thủy của ĐBSCL, hiện đang được đầu tư nẹo vét, mở rộng luồng.
Kinh Chợ Gạo đóng vai trò to lớn trong hệ thống giao thông thủy của ĐBSCL, hiện đang được đầu tư nẹo vét, mở rộng luồng. Ảnh: MINH THÀNH

Tiền Giang ngày nay được xem là cửa ngõ của ĐBSCL về đường thủy nội địa, vì hầu hết phương tiện của các tỉnh ĐBSCL, trừ Long An, đều phải đi qua tỉnh Tiền Giang và thông qua kinh Chợ Gạo. Do vậy, nhiều người ví von rằng, kinh Chợ Gạo được xem là xương sống hay gọi nôm na là “cổ họng” của cả ĐBSCL về đường thủy, không chỉ hiện nay, mà còn gắn cả chiều dài lịch sử của nó.

Bởi theo Báo cáo của Thanh tra khu Mỹ Tho lên Giám đốc Nội vụ Nam kỳ ngày 26-7-1878 đã viết về kinh Chợ Gạo: “Đây là đường giao thông thủy nhộn nhịp nhất ở Nam kỳ. Nông sản, nhất là thóc gạo, được chuyên chở lên Sài Gòn - Chợ Lớn và ngược lại thuận tiện hơn, không đi bằng đường biển nguy hiểm và mất nhiều thời gian”.

Các bậc cao niên kể lại rằng, thời trước rất nhiều ghe bầu từ các địa phương ngoài vào, xuôi dòng Kỳ Hôn đến rạch Bà Lọ để mua gạo vận chuyển về miền Trung, miền Bắc. Địa phương chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902 cũng viết: “Đây là con kinh được tàu bè của người bản xứ và các tàu hơi nước của các hãng đường sông qua lại tấp nập. Nó thường bị tràn ngập bởi những chiếc ghe đủ các loại trọng tải”.

Có lẽ vì thế, kinh Chợ Gạo được mệnh danh là Con đường Nông sản miền Tây. Còn theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Phúc Nghiệp, tháng 5-1877, việc đào kinh Chợ Gạo được khởi công. Đây là một công trình lớn, với tổng số nhân công là 40.000 người, số lượng nhân công thường xuyên có mặt hàng ngày trên công trường hơn 11.000 người, đào đắp hơn 900.000 m3 đất và tổng số ngày công là 676.000 ngày. Sau 2 tháng thi công khẩn trương, công việc được hoàn tất.

Chính quyền thực dân đã lấy tên của Thống đốc đương nhiệm ở Nam kỳ đặt tên cho con kinh là Canal Duperré, còn dân gian quen gọi là kinh Chợ Gạo. Con kinh dài 10 km, rộng 30 m, nối sông Tiền tại rạch Kỳ Hôn với sông Vàm Cỏ Tây tại Rạch Lá. Việc thực dân Pháp cho đào kinh Chợ Gạo, trước tiên là nhằm mục đích kinh tế. Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch nối Sài Gòn - Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Khởi đầu từ vàm Kỳ Hôn, các phương tiện vận chuyển thủy uốn mình dọc đoạn sông Kỳ Hôn (2 bên thuộc xã Xuân Đông và xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo), đến rạch Bà Lọ sẽ thẳng tiến vào kinh Chợ Gạo để ra sông Vàm Cỏ. Ngày nay, kinh Chợ Gạo trở thành tuyến giao thông thủy quan trọng bậc nhất của cả miền Tây. Tính toán của các thuyền trưởng cho thấy, nếu tốc độ của phương tiện vận chuyển thủy vào khoảng 7 km/giờ, từ Mỹ Tho đi TP. Hồ Chí Minh nếu đúng theo lộ trình chỉ mất khoảng 10 - 12 giờ.

Thống kê sơ bộ gần đây cũng cho thấy, mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt phương tiện trọng tải từ 200 - 1.000 tấn qua đoạn kinh Chợ Gạo. “Chiếc áo” của kinh Chợ Gạo thật sự đã quá chật. Trước thực tế này, theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, 6 năm trước, kinh Chợ Gạo được nâng cấp giai đoạn 1, với vốn đầu tư hơn 780 tỷ đồng.

Cuối năm 2021, Dự án Nạo vét, mở rộng luồng đường thủy kinh Chợ Gạo với chiều dài gần 10 km cũng đã được triển khai thông qua việc xây công trình bảo vệ bờ Nam của kinh, cầu và đường đi qua các xã: Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo)… với tổng vốn hơn 1.300 tỷ đồng. Sau cải tạo, đoạn luồng kinh Chợ Gạo sẽ sâu thêm 3,5 m, rộng 50 m giúp tàu thuyền di chuyển thuận lợi.

Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, hệ thống sông ngòi, kinh, rạch của ĐBSCL ngày càng hoàn thiện, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Đi cùng với các hệ thống giao thông khác, việc khai thác kinh tế sông của ĐBSCL đã và đang tập trung tính toán nhằm tận dụng ưu thế hiện hữu.

NHÓM PVKT
(còn tiếp)

.
.
.