Chủ Nhật, 11/06/2017, 08:16 (GMT+7)
.

Khai thác cát trái phép, bước đầu đã "hạ nhiệt"

Nếu như trước đây vài năm, tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền và sông cửa Tiểu (đoạn thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang) diễn ra khá phức tạp, với một số “điểm nóng” như cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) và cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) gây bức xúc trong nhân dân, thì tình trạng này hiện nay đã giảm đáng kể.

a
Áp tải phương tiện khai thác cát trái phép về nơi xử lý vi phạm. Ảnh: THÀNH PHONG

Qua ghi nhận trên tuyến sông Tiền đoạn từ TP. Mỹ Tho đến Cái Bè trong những ngày gần đây, vào thời điểm ban ngày cũng như đêm, lực lượng tuần tra không phát hiện trường hợp khai thác cát trái phép nào. Đây là điều phấn khởi không chỉ cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ mà còn là niềm vui của nhân dân sống trên đất cù lao. Ông Huỳnh Minh Thắng, ngụ ấp Thới Hòa (xã Thới Sơn) cho biết: “Trước đây khu vực này khai thác rất nhiều nhưng vào khoảng 2 tháng nay nhờ các ngành chức năng kiểm tra ráo riết nên tình hình khai thác cát giảm từ 70% - 80%. Người dân Thới Sơn rất mừng vì tình trạng sạt lở cũng giảm hơn”.

Cùng chung sự phấn khởi đó, ông Trần Văn Thắng, ấp Tân Thái (xã Tân Phong) cho biết: “Từ hôm tết tới nay tình trạng bơm hút cát giảm nhiều lắm nên tình trạng sạt lở bớt đi, bà con ở đây mừng quá! Người dân nơi đây mong muốn làm sao cho mặt sông trở lại “yên lặng” như xưa, để đất đai, dòng chảy có thay đổi, bồi đắp trở lại như ngày xưa hay không”.

HUYỆN CÁI BÈ: Tăng cường kiểm tra, xử lý khai thác cát trái phép

Để chấn chỉnh tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, UBND huyện Cái Bè đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện.

Theo đó, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan khẩn trương thanh, kiểm tra khai thác cát trái phép, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời có phương án, giải pháp đối với việc chống người thi hành công vụ trong khi thực hiện hoạt động thanh, kiểm tra khai thác cát trái phép. Ngoài ra, huyện còn thành lập Đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân khi phát hiện vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện thông báo đến các ngành chức năng xử lý. Đồng thời, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân địa phương để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, góp phần hạn chế tình trạng gây sạt lở trên các tuyến sông.

CHIÊU NAM

Việc sạt lở biểu hiện rõ ràng nhất là khu vực bãi bồi thuộc ấp Tân Thiện, xã Tân Phong. Trước đây vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch), tại khu vực này thường có đông đảo người đến vui chơi, tắm cồn. Hiện nay, bãi bồi này gần như mất hẳn, lòng sông sâu hơn nên vào mùng 5-5 âm lịch vừa qua hầu như không có người đến tắm cồn.

Thiếu tá Lưu Quang Nhân, cán bộ Đội tàu tuần tra (thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh) cho biết: “Trước chủ trương tạm ngưng việc cấp phép khai thác cát và ngừng hoạt động của dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa trên địa bàn Tiền Giang, nhiều người làm nghề khai thác cát đã chuyển đổi hình thức kinh doanh khác. Như trường hợp của anh Ngô Tùng Chinh, ngụ xã Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã hành nghề khai thác cát, kinh doanh cát lấp gần 8 năm nay. Để đảm bảo cho việc kinh doanh, khi không được cấp phép khai thác cát trên tuyến sông Tiền, anh sang Vĩnh Long mua cát để san lấp các công trình đã nhận”.

Trung tá Lê Hồng Mến, Đội trưởng (Phòng Cảnh sát đường thủy) cho biết: “Tình hình khai thác cát trái phép giảm như hiện nay là nhờ thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an tỉnh, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức tuần tra thường xuyên, có biện pháp ngăn chặn và đặc biệt là xử lý nghiêm các phương tiện bơm hút cát trái phép với khung phạt rất cao. Trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, đã kiểm tra xử lý 29 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép và không có hóa đơn chứng từ. Trong đó, phạt tiền gần 620 triệu đồng, tạm giữ 11 phương tiện, trong đó UBND tỉnh ra quyết định tịch thu 5 phương tiện”.

Tại điều 44, Nghị định 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. Khi khối lượng khoáng sản đã khai thác đến dưới 10 m3; phạt từ 3 - 5 triệu đồng; nếu từ 50 m3 trở lên khi khối lượng khoáng sản là cát, sỏi lòng sông thì bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng. Hình thức phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ, tịch thu phương tiện; buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Nhân dân sinh sống ven sông khi phát hiện khai thác cát trái phép cần thông báo ngay cho Công an cơ sở hoặc Phòng Cảnh sát đường thủy để có biện pháp xử lý. Đối với các tổ chức, cá nhân có phương tiện khai thác chỉ được khai thác ở những nơi được cấp phép, các dự án hợp pháp và đảm bảo đúng Luật Giao thông đường thủy nội địa. Riêng đối với lực lượng Cảnh sát đường thủy duy trì tuần tra kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Quy định mức phạt cao kèm với hình thức phạt bổ sung đã góp phần mang lại hiệu quả trong răn đe, phòng ngừa, hạn chế vi phạm nhưng đây cũng chỉ là kết quả bước đầu. Để tình trạng khai thác cát trái phép không tái diễn, cần có sự quyết liệt và bền bỉ hơn của các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần khắc phục tình trạng sạt lở, bảo vệ tài nguyên, các công trình ven sông và môi trường, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trên các cù lao.

SONG KHÁNH

.
.
.