"Cứu" nguồn nước sông Tiền
Sông Tiền là một bộ phận của dòng sông Mê Kông, có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang... Mặc dù các ngành hữu quan đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nhưng chất lượng nước của dòng sông này vẫn ngày càng xấu đi. Đã đến lúc cần có giải pháp hữu hiệu hơn để “cứu” nguồn nước sông Tiền.
Bài 1: "Bức tử" sông Tiền
Những năm qua, người dân sống dọc theo tuyến sông Tiền nhiều lần phản ánh chất lượng nước sông ngày càng bị ô nhiễm nặng. Kết quả phân tích chất lượng nước từ các Trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, nguồn nước sông Tiền ngày càng bị “bức tử”.
Một miệng cống xả chất thải ô nhiễm ra sông Tiền. |
NGUỒN NƯỚC ĐỔI MÀU
Những ngày qua, chúng tôi thuê chiếc đò để nắm bắt phản ánh của người dân, cũng như khảo sát mức độ ô nhiễm nguồn nước dọc tuyến sông này.
Theo sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi đến một miệng cống rộng chừng 2 m xổ xả nước thải ra sông Tiền ở ấp Bình Tạo, xã Trung An (TP. Mỹ Tho).
Lúc này, thủy triều đang xuống thấp nên chúng tôi dễ dàng chứng kiến hình ảnh ô nhiễm nguồn nước tại đây. Nước đen ngòm, đặc sệt từ trong miệng cống tuôn chảy ra sông Tiền.
Phía ngoài, nguồn nước đen ngòm cuồn cuộn cuốn lên khi dùng một vật gì đó tác động xuống.
Ông N.V.M. làm nghề đặt cá nhiều năm ở đây cho biết, ống xả thải nước ô nhiễm này ra sông Tiền đã nhiều năm nay và mức độ ngày càng nhiều hơn.
Đi về hướng Cụm công nghiệp Song Thuận (huyện Châu Thành), chúng tôi men theo con rạch nhỏ để tiếp cận một cơ sở tái chế nhựa quy mô lớn tại ấp Tây (xã Song Thuận).
Sau thời gian dài xâm nhập, chúng tôi cũng tiếp cận được cơ sở này. Mùi hôi bốc ra từ khu tái chế nồng nặc. Nguồn nước xả nằm đọng trên ống cống đen ngòm, đặc quánh.
Gần với miệng cống, chủ cơ sở cho xây 2 hố lớn để xử lý khi tình trạng nghẹt rác xảy ra. Sự ô nhiễm của 2 miệng cống này khiến chúng tôi phát nôn khi tiếp xúc lần đầu.
Tại miệng cống xả xuống con rạch, màu nước cùng với các chất cặn bã được cơ sở xả thẳng xuống nổi lềnh bềnh trên mặt nước, đóng thành tảng lớn.
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đếm được từ xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho) đến xã Song Thuận (huyện Châu Thành) có hàng chục ống xổ xả chất thải ra sông Tiền.
Ghi nhận từ thực tế của chúng tôi, nguồn nước thải đã qua xử lý được doanh nghiệp đưa ra ống xả thải nằm trên cao, còn nguồn nước chưa qua xử lý được đưa vào đường ống xả thải âm sâu xuống nước và tất cả đều xả ra sông Tiền.
Những lúc thủy triều xuống thấp, người dân không khó nhận ra hệ thống xả thải này khi nguồn nước đen ngòm phụt lên từ những miệng cống được “chôn” dưới nước.
Ngoài những miệng cống lộ thiên dọc theo sông Tiền, người dân còn cho biết, nhiều doanh nghiệp còn xổ xả nước chưa qua xử lý qua những tuyến kinh giáp với sông Tiền.
Ô NHIỄM DO ĐÂU?
Nguồn nước sông Tiền không chỉ bị ô nhiễm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lén xả nước thải xuống sông Tiền, mà rất nhiều ao nuôi cá, bè cá dọc tuyến sông này cũng góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng hơn.
Tại cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), cù lao Tân Phong, xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), hằng ngày, hàng chục tấn thức ăn, thuốc chữa bệnh cho cá, thuốc xử lý nước… được đưa xuống sông Tiền.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một bè cá ở cù lao Thới Sơn cho biết, mức độ ô nhiễm nguồn nước của sông Tiền ngày càng trầm trọng. Người nuôi cá phải tốn rất nhiều chi phí cho việc mua thuốc chữa cá bệnh.
Hầu hết, cá hao hụt do các bệnh có liên quan đến nguồn nước. Khi hỏi về nguyên nhân khiến cho nguồn nước sông Tiền ngày càng bị ô nhiễm, những người nuôi cá đều đổ cho các doanh nghiệp xả nước thải ra dòng sông này.
Còn ở xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), gần 30 ha với hàng chục ao nuôi cá tra cũng tận dụng nguồn nước của dòng sông Tiền để xổ xả, xử lý nước ao mỗi ngày.
Chúng tôi có mặt tại ao nuôi cá rộng trên 3 ha của Công ty CP G.Đ. khi ao này mới thả cá được vài ngày. Dưới ao, cá tra con chết đóng thành lớp. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cống xả từ ao ra sông Tiền luôn được vận hành.
Một công nhân nuôi cá cho doanh nghiệp này tâm sự: “Cá chết nhiều do mới thả. Vì vậy, việc xổ xả phải thực hiện liên tục để thay nguồn nước bị ô nhiễm bên trong ao. Khi thu hoạch xong, chúng tôi phải tiến hành bơm vét ao cho sạch, xử lý ao trước khi thả cá mới”.
Qua tìm hiểu, các ao nuôi ở đây đều không có hệ thống ao lắng trước khi thải ra sông Tiền. Khi vét ao, các chất cặn bã, bùn…được công nhân bơm thẳng ra sông Tiền.
Theo các chuyên gia và ngành chuyên môn, nguồn nước sông Tiền bị ô nhiễm bởi nước thải của các doanh nghiệp, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.
Ngoài ra, nước sông ô nhiễm còn do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, kể cả thuốc cấm nằm ngoài danh mục cho phép sử dụng.
“Việc phát hiện và xử lý doanh nghiệp xả lén nước thải chưa qua xử lý là chuyện rất khó khăn. Bởi hầu hết doanh nghiệp ven sông đều có lắp đặt hệ thống cống ngầm dưới mực nước, xung quanh đều có “ngụy trang” bằng nhiều vật che khuất khác nhau. Khi phát hiện, ngành chức năng phải lấy mẫu, kiểm nghiệm nếu vượt tiêu chuẩn cho phép mới được xử phạt”- một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.
SĨ NGUYÊN (còn tiếp)