Thứ Hai, 23/03/2020, 09:32 (GMT+7)
.

Bức tranh Tiền Giang và những điểm sáng

Nhiều công trình trọng điểm, tính toán kinh tế vùng và liên vùng, mở rộng môi trường đầu tư, kể cả “đau đầu” với bài toán nông nghiệp trước thách thức của hạn, mặn, dịch bệnh hay áp lực từ cải cách là những gì mà Tiền Giang đã, đang đối mặt và cố gắng vượt qua. Trong bức tranh chung ấy, những điểm sáng vẫn chiếm phần ưu thế.

QTTT tỉnh nhìn từ trên cao.                                                                                                                                                                              Ảnh: MINH THÀNH
QTTT tỉnh nhìn từ trên cao. Ảnh: MINH THÀNH

Bài 1: Những dấu ấn

Quảng trường Trung tâm (QTTT) tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… là những dự án mang lại nhiều dấu ấn trong thời gian qua và tạo nên sức bật mới cho Tiền Giang.

Tất nhiên, để thực hiện hoàn thành các dự án lớn phải trải qua một chặng đường đầy cam go, vất vả, với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

TẠO SÂN CHƠI BỔ ÍCH

Có cơ hội tham gia tuyên truyền Tuần lễ Văn hóa - Thể thao và Du lịch do UBND tỉnh tổ chức sau khi QTTT tỉnh chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2019, tôi mới cảm nhận được khí thế hân hoan, vui mừng của người dân trong và ngoài tỉnh đối với khu vui chơi giải trí có quy mô lớn, không chỉ đối với TP. Mỹ Tho hay tỉnh Tiền Giang, mà còn đối với người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chỉ tính trong Tuần lễ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các hoạt động vui chơi, giải trí, điểm nhấn là Đường hoa Xuân của tỉnh, khu nhạc nước đã thu hút trên 60.000 lượt người tham quan, kể cả người dân trong và ngoài tỉnh. Tiếp nối năm 2019, Tết Nguyên đán năm 2020 vừa qua, QTTT tỉnh cũng đón hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng lãm và tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích.

Nhìn từ Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cũng để lại nhiều dấu ấn của tỉnh. Sau thời gian nỗ lực, quyết tâm, với tổng mức đầu tư 2.350 tỷ đồng, Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đang được gấp rút thi công với việc khẩn trương thực hiện nhiều gói thầu.

Chẳng hạn, đối với gói thầu Thi công san nền, hạ tầng kỹ thuật (nền đường, vỉa hè, cây xanh) có thời gian khởi công - hoàn thành từ ngày 30-10-2018 đến ngày 25-6-2020, hiện đang thực hiện bơm cát san nền hoàn thiện sơ bộ; định vị tim đường, chuẩn bị triển khai thi công nền đường, với khối lượng đạt được khoảng 52%; gói thầu Thi công xây dựng và mua sắm lắp đặt thiết bị công trình (Khôi nhà chính và các hạng mục còn lại) có thời gian khởi công - hoàn thành từ ngày 10-12-2019 đến ngày 29-11-2021, hiện đang thực hiện hạng mục khối nhà chính N1; gói thầu Thi công xây dựng và mua sắm lắp đặt thiết bị Trạm biến áp có thời gian khởi công - hoàn thành từ ngày 4-12-2019 đến ngày 21-6-2020, hiện đang thực hiện hạng mục như đào đất giằng móng, móng các loại, đổ bê tông lót giằng móng, móng các loại…

Ngoài các dự án đã được đề cập, tỉnh Tiền Giang cũng đã và đang triển khai nhiều dự án tạo điểm nhấn khác liên quan đến giao thông, thủy lợi, phúc lợi xã hội, điểm nhấn là Dự án Nâng cấp sửa chữa đường Hùng Vương, đường tỉnh 867, cũng như dự kiến triển khai nhiều dự án trọng điểm khác…

QTTT tỉnh thật sự tạo nên điểm nhấn, không chỉ là nơi tổ chức vui chơi, giải trí nhân các dịp lễ, tết, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời, với quy mô lớn, lượng người tham gia đông đúc.

Trao đổi với chúng tôi khi đến QTTT tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ông Nguyễn Thanh Bằng (TP. Tân An, tỉnh Long An) cho biết, QTTT tỉnh Tiền Giang thật sự rất đẹp, nhờ thông qua hoạt động của khu nhạc nước, chợ hoa, đường hoa và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Còn bà Lý Hoàng Thanh (75 tuổi, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) nói với chúng tôi rằng, bà thật sự bất ngờ, ấn tượng và không bao giờ nghĩ TP. Mỹ Tho sẽ có khu vui chơi rộng rãi, thoáng mát như QTTT tỉnh. “Con, cháu trong nhà tôi rất thích ra khu quảng trường vui chơi, hóng gió vào các buổi chiều muộn”- bà Thanh cho biết.

Thật ra, để tạo được sân chơi như QTTT tỉnh là cả một chặng đường dài, với nhiều khó khăn, thách thức. Thế nhưng, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, QTTT tỉnh cũng chính thức đi vào hoạt động trong niềm vui chung của nhiều người. Tất nhiên, theo quy hoạch của Dự án QTTT tỉnh, ngoài khuôn viên khu Sân lễ để tổ chức sự kiện lớn của tỉnh và là khu vui chơi giải trí của người dân hay Nhà Thiếu nhi tỉnh đã hoàn thành, còn nhiều tiểu dự án khác.

Theo Quyền Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Nguyễn Thị Thanh Phương, QTTT tỉnh Tiền Giang được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2012 nhằm phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân, gồm các dự án thành phần như: Sân lễ, Khu tưởng niệm Bác Hồ và Đền thờ các Vua Hùng, Nhà Thiếu nhi, Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa… Tuy nhiên, trong những năm qua, nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, nên tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án có tính chất cấp bách, bức xúc, các dự án tạo động lực, làm đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nên chưa triển khai đồng bộ các dự án thành phần trong QTTT tỉnh. Những tiểu dự án còn lại trong QTTT tỉnh sẽ được tỉnh tính toán xây dựng trong thời gian tới.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đang được gấp rút thi công 	                                                                                                                                                                                                                          Ảnh: MINH THÀNH
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đang được gấp rút thi công Ảnh: MINH THÀNH

KHAI THÔNG SAU 10 NĂM “ÁCH TẮC”

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án “ghi điểm” của Tiền Giang sau khoảng 10 năm “ách tắc” với nhiều nguyên nhân khác nhau. Bởi sau thời gian khó khăn khi triển khai thi công, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo 99 ngày 18-3-2019 của Văn phòng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn của dự án, nhà đầu tư đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan rà soát các tồn tại trước đây và tham vấn ý kiến để khắc phục, điều chỉnh.

Đồng thời, nhà đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang trong việc bàn giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, tính từ thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang được giao trọng trách không hề nhỏ đối với dự án có tầm vóc quốc gia.

Thế nhưng, với nhiều quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn về thủ tục, “xoay chuyển” nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, đến nay Tiền Giang đã tạo dấu ấn lớn khi đã tham gia “khai thông” nhiều “nút thắt”, kể cả nguồn vốn từ các ngân hàng. Chúng tôi có dịp tham dự Lễ ký kết phát động thi đua thi công thông tuyến dự án vào ngày 1-2-2020 mới cảm nhận được khí thế của doanh nghiệp dự án, các doanh nghiệp tham gia thi công cũng như lực lượng công nhân trực tiếp trên công trường.

Chưa kể, khi tác nghiệp chứng kiến lực lượng công nhân thi công 3 ca, cả ban đêm xuyên Tết Nguyên đán năm 2020 mới thấy, Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa như thế nào đối với người dân cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nói như Chủ tịch Hội đồng Quản trị doanh nghiệp dự án Hồ Minh Hoàng, mục tiêu thông tuyến dự án trong tháng 12-2020 nhằm phục vụ người dân miền Tây dịp cuối năm.

Mặc dù thời gian hoàn thành dự án là rất gấp, nhưng doanh nghiệp dự án yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối chất lượng để khi đưa dự án vào sử dụng xứng đáng với vốn của nhà đầu tư đã góp, vốn ngân sách nhà nước đã hỗ trợ và vốn tín dụng của các ngân hàng đã bỏ ra là đúng đắn, hiệu quả. Nếu xét thấy việc đưa dự án vào sử dụng chưa an toàn, doanh nghiệp dự án sẵn sàng chưa đưa vào sử dụng cho đến khi tất cả được đảm bảo, nhất định không chạy theo thành tích.

Vậy là sau hơn 10 năm “ách tắc”, UBND tỉnh Tiền Giang đã góp sức rất lớn đẩy nhanh tiến độ của dự án. Báo cáo của UBND tỉnh mới đây cho thấy, đến giữa tháng 3-2020, dự án đã thực hiện và bàn giao 100% mặt bằng sạch, với hơn 51 km toàn tuyến. Hiện có 21/21 gói thầu xây lắp đã được thẩm định, phê duyệt thiết kế và triển khai thi công, khối lượng thi công lũy kế đến nay đạt hơn 1.984 tỷ đồng, chiếm hơn 28% của dự án.

Với cam kết của doanh nghiệp dự án và quyết tâm của tỉnh, Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ trở thành điểm nhấn giao thông mới cho cả Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian không xa. Đó cũng là thành quả đạt được có sự góp sức không nhỏ của tỉnh Tiền Giang, sau 1 năm bàn giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án từ Bộ Giao thông - Vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang.

Rõ ràng việc tập trung triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không chỉ tạo sức bật mới, thay đổi hình ảnh Tiền Giang, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài tỉnh…

ANH PHƯƠNG (còn tiếp)

.
.
Liên kết hữu ích
.