Thứ Tư, 14/11/2012, 11:31 (GMT+7)
.
Ông NGUYỄN VĂN DANH, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang:

Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là yêu cầu bức thiết

Ngày 9-11-2012, đại biểu Quốc hội họp ở hội trường để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Xung quanh việc sửa đổi này, ông Nguyễn Văn Danh (ảnh), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho biết:

Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-6-2006 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, Luật Phòng, chống tham nhũng đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; nguyên nhân chủ yếu là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện.

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, có biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội, thách thức sự kiên nhẫn, chịu đựng của người dân và tiếp tục thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết, trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng trong 6 năm qua.

Về quan điểm, nguyên tắc, phạm vi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng, cơ bản tôi đồng tình. Song, các nội dung của dự án Luật sửa đổi cần bám sát vào những khó khăn, bất cập, những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, kiên quyết khắc phục hình thức, khẩu hiệu trong các quy định và thực hiện thống nhất pháp luật.

Vừa qua, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có lộ trình mở rộng diện kê khai tài sản đi đôi với có quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên làm việc, công tác của cán bộ để cơ quan, tổ chức, đồng nghiệp giám sát tính trung thực trong việc kê khai tài sản.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng, ngay trong dự thảo Luật cũng còn có những quy định rất chung, chưa rõ, có thể dẫn đến nghịch lý về hiệu quả, như tại Khoản 1, Điều 68 quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Hay Khoản 1, Điều 72 “Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng”.

Trên thực tế, việc thực hiện quy định này tính khả thi không cao, vì thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước càng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phát hiện được nhiều hành vi tham nhũng xảy ra trong nội bộ, thì cũng đồng nghĩa người thủ trưởng đó lại càng phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về công tác quản lý, do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng để “né tránh” trách nhiệm là rất khó tránh khỏi.

Phóng viên (PV): Từ thực tế chứng minh, cũng như qua các buổi thảo luận ông có thể cho biết ý kiến của mình về công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Danh: Qua thảo luận ở Tổ và ở Hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc cho rằng: “chưa bao giờ tham nhũng được nói với tần suất xuất hiện nhiều như hiện nay”; “tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến”; “tội tham nhũng ngày càng khó phát hiện bởi mang gương mặt của kẻ ba liên: liên doanh trong nội bộ, liên thông từ dưới lên trên và đặc biệt là liên kết với nhau chặt chẽ”; “tại sao càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng mạnh lên, phát hiện thì nhiều mà xử lý thì ít”; “trước nay chỉ mới bắt được những vụ kiểu “con mèo ăn miếng mỡ”, chưa bắt được “con cọp cắp con heo”.

Hay có đại biểu phản ánh lại “Khi tôi đi tiếp xúc cử tri thì cử tri lo lắng, hoài nghi, bức xúc, nhất là các chú cán bộ hưu trí nói trước đây Chính phủ, Nhà nước quản lý điều hành các Tổng Công ty, Tập đoàn, còn hiện nay hình như ngược lại… và việc phòng, chống tham nhũng chỉ là hình thức”…

Đó chỉ là một số ví dụ trong nhiều ý kiến hết sức bức xúc của đại biểu bày tỏ một cách thẳng thắn và có trách nhiệm trước Quốc hội. Thực trạng phản ánh trên như thế nào? Mức độ ra sao? Lời giải này trước hết thuộc về Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng của Trung ương.

PV: Theo ông, ngoài việc sửa đổi Luật, chúng ta cần phải làm gì để công tác phòng chống tham nhũng đạt được những kết quả như mong muốn?

Ông Nguyễn Văn Danh: Theo tôi, vấn đề vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định là đi đôi với việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, Quốc hội phải có cơ quan độc lập chuyên trách về phòng, chống tham nhũng (ngoài BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban) với người đứng đầu phải là “Bao Thanh Thiên” và phải có cả “Thượng phương Bảo kiếm” (phải có đủ thực quyền) thì việc phòng, chống tham nhũng mới có cải tiến và hiệu quả; thay đổi cách đánh và người đánh tham nhũng cũng là một giải pháp tích cực để tham nhũng không còn cơ hội “kháng thuốc”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm xây dựng Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của BCH TW Đảng khóa XI về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng “xin, cho” (là điều kiện dễ làm nảy sinh tham nhũng), trong đó chú trọng các lĩnh vực về đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tín dụng - ngân hàng, quản lý tài chính, tài sản công, tổ chức - cán bộ…

Mặt khác, phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý tăng nặng các vụ chạy án (từ có tội thành không có tội, từ án hình sự sang xử lý hành chính, từ tù ở sang tù treo) và không nên áp dụng án treo, án cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội tham nhũng, vì thực chất tội tham nhũng là tội chống lại nhân dân, tội phản quốc – như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản dưới Luật về phòng, chống tham nhũng đã ban hành tuy có mặt chưa chặt chẽ, nhưng nguyên nhân cơ bản của sự yếu kém, tồn tại về phòng, chống tham nhũng vẫn là do khâu tổ chức thực hiện, do công tác chỉ đạo, điều hành; công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không có hiệu quả nếu như không có một cơ quan chuyên trách và một đội ngũ cán bộ thực thi công lý có đủ đức, đủ tài, đủ bản lĩnh, đủ thẩm quyền, công tư phân minh và sẵn sàng “tuyên chiến” với tham nhũng dù đối tượng đó là ai và ở cấp nào.

Do đó, ngoài việc sửa đổi Luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, cần quy định đậm nét hơn vai trò của xã hội, của nhân dân và của báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng cùng với công tác tổ chức và cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính quyết định đến hiệu quả, kết quả của việc triển khai, tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng.

PV: Xin cảm ơn ông!     

ĐĂNG HIẾU – MINH TRÍ (thực hiện)

.
.
.