.
ÔNG PHẠM VĂN TRỌNG, GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH:

Cần phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp

Cập nhật: 10:57, 11/04/2014 (GMT+7)

Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 (sau đây gọi tắt là Hiến pháp). Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều. Để công tác tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp trên địa bàn tỉnh kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chia sẻ:

Việc tổ chức tuyên truyền Hiến pháp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2014 và cả những năm tiếp theo. Việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương và phải bám sát các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trung ương.

Công tác tuyên truyền Hiến pháp phải nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật.

Bảo đảm các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

* PV: Công tác triển khai thi hành Hiến pháp được UBND tỉnh tổ chức như thế nào, thưa ông?

* Ông Phạm Văn Trọng: Căn cứ Nghị quyết  718/NQ-UBTVQH13 ngày 2-1-2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định 251/QĐ-TTg ngày 13-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 33/KH-UBND ngày 28-2-2014 và Chỉ thị 07/2014/CT-UBND ngày 7-3-2014 tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, UBND tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phân công lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức; phân công lãnh đạo một số sở, ngành và báo cáo viên pháp luật tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức.

Sắp tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị triển khai, giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp cho các Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang, Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ, thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các phòng, ban cấp huyện.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc tập huấn chuyên sâu về Hiến pháp cho báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ pháp chế các sở, ngành.

Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, phải xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, tập huấn chuyên sâu Hiến pháp cho cán bộ, công chức, viên chức, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, bí thư chi bộ, trưởng ấp, khu phố trên địa bàn để thực hiện tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp tại đơn vị, địa phương và tuyên truyền rộng rãi ra nhân dân bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

* PV: Đối với những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với Hiến pháp thì sao, thưa ông?

 Ông Phạm Văn Trọng: Như chúng ta biết, sau khi Hiến pháp có hiệu lực sẽ kéo theo hàng loạt các văn bản pháp luật sẽ được ban hành mới, hoặc phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tổ chức rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành, nếu phát hiện có những quy định nào trái hoặc không phù hợp với Hiến pháp thì có biện pháp dừng thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới phù hợp với Hiến pháp.

* PV: Cụ thể từng sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã sẽ thực hiện những phần việc nào đối với công tác rà soát, xử lý văn bản, thưa ông?

* Ông Phạm Văn Trọng: Cần lưu ý là, từ trước đến nay, công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ được ngành Tư pháp phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND các cấp thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải đến khi Hiến pháp được ban hành chúng ta mới tiến hành rà soát, kiểm tra. Nhưng trong đợt này chúng ta phải tiến hành rà soát một cách đồng bộ và toàn diện hơn. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, lãnh đạo các sở, ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp giúp UBND tỉnh rà soát những văn bản liên quan đến từng lĩnh vực. Cụ thể như sau:

Sở Nội vụ rà soát đối với các văn bản liên quan đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước và các thiết chế trong hệ thống chính trị ở địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính; Cục Thuế; Sở Tư pháp cùng các sở, ngành liên quan rà soát các văn bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân thuộc lĩnh vực sở, ngành mình quản lý.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương rà soát văn bản trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư, công thương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát các văn bản trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục. Sở Khoa học và Công nghệ rà soát các văn bản thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các văn bản trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương rà soát các văn bản liên quan đến an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Trên cơ sở kết quả rà soát, các sở, ngành lập danh mục văn bản có nội dung trái hoặc không phù hợp với Hiến pháp thuộc lĩnh vực sở, ngành mình quản lý, trong đó cần xác định rõ những nội dung cụ thể của văn bản trái hoặc không phù hợp với Hiến pháp, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan tổng hợp, hoàn chỉnh danh mục, nội dung báo cáo, đề xuất kết quả rà soát để UBND tỉnh xem xét, xử lý; đối với các văn bản do HĐND tỉnh ban hành thì UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định (dừng thi hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới).

UBND cấp huyện, cấp xã chủ trì thực hiện việc rà soát văn bản do HĐND và UBND cùng cấp ban hành trong các lĩnh vực (như cấp tỉnh). Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND cấp huyện xử lý đối với các văn bản do mình ban hành; kiến nghị HĐND cùng cấp xử lý văn bản do HĐND ban hành, sau đó báo cáo kết quả xử lý với HĐND và UBND tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NG .CHƯƠNG (thực hiện)

.
.
.