Thứ Hai, 25/08/2014, 15:55 (GMT+7)
.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện GCĐ: Sẵn sàng ứng phó khi lụt bão xảy ra

Những năm gần đây, tình hình khí tượng, thủy văn hết sức phức tạp. Hạn, mặn, triều cường, mưa dông, lốc xoáy thường xuyên xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại lớn về người và tài sản; hậu quả của nó đòi hỏi phải tốn nhiều tiền của và sức lực để khắc phục trong thời gian dài. Vì vậy, công tác phòng, chống lụt bão được đưa lên hàng đầu để giảm nhẹ thiên tai vì mức độ tàn phá của nó đối với sinh mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước là rất lớn.

Ông Lê Hoàng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB và GNTT) huyện Gò Công Đông cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, chưa có cơn bão nào ảnh hưởng đến huyện Gò Công Đông nhưng huyện đã xây dựng phương án phòng, chống rất kỹ, phân công thành viên từng công việc cụ thể để sẵn sàng ứng phó khi lụt bão xảy ra, cũng như khắc phục khi bão, lũ đi qua.

Diễn tập phòng, chống lụt bão luôn được huyện Gò Công Đông tập trung thực hiện trước mùa mưa, bão.
Diễn tập phòng, chống lụt bão luôn được huyện Gò Công Đông tập trung thực hiện trước mùa mưa, bão.

* Phóng viên (PV): Hàng năm, nước ta có không dưới 10 cơn bão, trong đó có một số cơn bão ảnh hưởng đến huyện Gò Công Đông. Vì vậy, để giảm tổn thất về người và của, chúng ta có những phương án nào để đề phòng từ xa?

* Ông Lê Hoàng Việt: Khi bão hoạt động ở phía Đông và có khả năng di chuyển vào biển Đông, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và GNTT huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho các đồng chí có trách nhiệm biết vị trí của bão để theo dõi, chỉ đạo.

Tổ chức trực ban 24/24 theo dõi diễn biến bão. Các xã ven biển phối hợp với Đồn Biên phòng thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt tàu thuyền đánh bắt xa bờ biết để tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, chủ động phòng tránh bão có hiệu quả.

Khi bão vào biển Đông, tất cả các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và GNTT huyện, xã trực 24/24 tại trụ sở cơ quan để theo dõi diễn biến và sẵn sàng làm nhiệm vụ. Các ngành, các xã, thị trấn kiểm tra lại phương án.

Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và GNTT theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, kiểm tra mức độ an toàn của hệ thống đê bao, các cống qua đê; làm tham mưu kịp thời cho Trưởng ban và Chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo. Kiểm tra và thông báo cho các chủ phương tiện giao thông thủy, bộ chuẩn bị trong tư thế sẵn sàng tập trung phương tiện theo lệnh điều động;

Kiểm tra lại phương án sơ tán dân bước 1 và liên hệ chặt chẽ với các điểm tạm trú của dân sơ tán tránh bão ở các xã vùng ruột trên địa bàn huyện; thường xuyên thông tin diễn biến bão và ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB và GNTT huyện để người dân biết nhằm chủ động PCLB và GNTT.

* PV: Vậy, khi bão áp sát vào đất liền, Ban Chỉ huy PCLB và GNTT huyện có những phương án nào để ứng phó?

* Ông  Lê Hoàng Việt:  Đây là thời điểm mà các thành viên phải trực 24/24 để theo dõi diễn biến bão, rà soát lại tất cả phương án để ứng phó. Tiếp tục kêu gọi các tàu thuyền còn ở ngoài khơi vào nơi tránh, trú an toàn gần nhất; đồng thời sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn, đúng nơi quy định.

Theo dõi diễn biến mực nước triều và mực nước nội đồng, tổ chức kiểm tra đê điều, các cống qua đê để kịp thời xử lý khi có sự cố. Bắt đầu sơ tán dân bước 1 và chuẩn bị các điểm tránh bão cho dân sơ tán bước 2; đồng thời có phương án chăm sóc sức khỏe, cứu tế, cứu trợ cho dân nghèo sơ tán tránh bão.

Điều động lực lượng cứu hộ tập trung về trực ở UBND xã và Huyện đội theo phương án chuẩn bị từ trước. Cho học sinh nghỉ học tạm thời. Chú trọng việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Khi tâm bão còn cách bờ biển gần nhất nước ta từ 400 - 500km và có hướng di chuyển vào đất liền thuộc khu vực từ Ninh Thuận đến Cà Mau thì Ban Chỉ huy họp khẩn cấp, điều động lực lượng và phương tiện về nơi chống lụt bão và bảo vệ đê điều.

Sơ tán dân tránh bão (người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ có thai) về các điểm tập trung bước 1 của các xã, thị trấn và sẵn sàng sơ tán dân bước 2 khi có lệnh. Xem xét các vấn đề cần đề nghị tỉnh chi viện như: Phương tiện vận tải sơ tán dân tránh bão, phương tiện cứu hộ đê, lực lượng hỗ trợ của các huyện bạn; bổ sung các phương tiện thông tin liên lạc.

* PV: Ông có thể cho biết, nếu như có cơn bão đổ bộ vào huyện Gò Công Đông, Ban Chỉ huy PCLB và GNTT huyện có những giải pháp nào để ứng phó, cũng như khắc phục hậu quả?

* Ông  Lê Hoàng Việt: Khi bão có khả năng đổ bộ vào Tiền Giang và cách đất liền 300-400km, Ban Chỉ huy huyện xin ý kiến Ban Chỉ huy tỉnh để sơ tán dân bước 2, tổ chức chăm sóc sức khỏe dân tại các điểm sơ tán…Tất cả các công việc phải hoàn tất trước khi bão có ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn huyện.

Đảm bảo tốt công tác thông tin liên lạc và công việc thông báo bão phải thực hiện thường xuyên để nhân dân nắm bắt. Khi bão đổ bộ vào đất liền, tùy tình hình thực tế mà Ban Chỉ huy huyện đề xuất Chủ tịch UBND huyện xử lý từng tình huống cụ thể, nhằm làm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các lực lượng làm nhiệm vụ phải bám sát địa bàn được phân công, bảo vệ an toàn tính mạng khi bão đi qua; bảo vệ tài liệu, hồ sơ thiết yếu, những tài sản quý, có giá trị lớn.

Khi bão đi qua hoặc bão tan, Ban Chỉ huy các xã, thị trấn huy động ngay các đội cứu hộ và huy động lực lượng tại chỗ để nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão lụt gây ra. Ban Chỉ huy huyện điều động lực lượng hỗ trợ các địa bàn bị thiệt hại nặng.

Ưu tiên cho công tác cứu nạn, cứu đê, cứu sập, khắc phục sự cố giao thông, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và sản xuất. Phối hợp với các ngành tỉnh tiến hành ngay hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên sông, biển.

Tổ chức đưa dân sơ tán tránh, trú bão trở về nơi xuất phát một cách nhanh chóng, an toàn. Thống kê, tổng hợp nhanh thiệt hại để báo cáo và kịp thời đề xuất cấp trên chi viện. Tổ chức thăm hỏi, cứu tế, cứu trợ khẩn cấp các gia đình bị thiệt hại nặng và vận động nhân dân trong và ngoài huyện đóng góp công sức và tiền của giúp đồng bào bị thiên tai…

* PV: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.