Chủ Nhật, 27/07/2014, 06:47 (GMT+7)
.
ÔNG VÕ VĂN NHI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB&XH:

Đền ơn đáp nghĩa là hoạt động thường xuyên, liên tục

Ưu đãi người có công với cách mạng là 1 chính sách lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Những năm qua, các chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công thường xuyên được đổi mới và hoàn thiện nhằm từng bước nâng cao mức sống của đối tượng chính sách. Ông Võ Văn Nhi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định:

Công tác Đền ơn đáp nghĩa là hoạt động thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ trong dịp 27-7. Ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt.

Hàng năm tỉnh vận động trên 10 tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, cha, mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn và thương binh nặng; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ vượt khó trong học tập; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục - đào tạo đối với con của người có công; mua bảo hiểm y tế cho 100% người có công theo quy định…

Các hoạt động chăm sóc khác cũng được tỉnh quan tâm thực hiện như: Xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng và hỗ trợ nước sạch, điện thắp sáng cho hộ chính sách; tạo điều kiện để gia đình chính sách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh…

Hiện tại có gần 98% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú.
Phong trào Đền ơn đáp nghĩa trong thời gian qua đã giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống, góp phần bù đắp những cống hiến to lớn của những cá nhân và gia đình có công với quê hương, đất nước.

* Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tiến độ thực hiện tổng rà soát chính sách người có công trong tỉnh?

* Ông Võ Văn Nhi: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 4-2014 Tiền Giang triển khai thực hiện tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Cuộc tổng rà soát có sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo.

Cuộc rà soát này nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, trong đó tập trung vào 7 nhóm đối tượng là: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong thời kháng chiến.

Tổng số đối tượng có công thuộc 7 nhóm đối tượng rà soát lần này của tỉnh là gần 43.900 người. Đặc biệt, ngành LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đưa 16 bệnh binh tâm thần ra giám định để đề xuất giải quyết chế độ, hầu hết những bệnh binh này là chiến sĩ tham gia chiến trường Campuchia.

Đến thời điểm này, công tác rà soát còn đang thực hiện tại cấp xã (phường, thị trấn) và đã hoàn thành được khoảng 80% khối lượng công việc. Theo kế hoạch, trong tháng 8 và tháng 9 tới, UBND cấp huyện phải công bố kết quả tổng rà soát của địa phương mình. Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề phát sinh và đến tháng 8-2015 kết quả tổng rà soát sẽ được UBND tỉnh báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Chỉ đạo tổng rà soát tỉnh, tôi mong muốn tất cả đối tượng người có công với cách mạng thuộc diện tổng rà soát đợt này phối hợp tốt với Ban chỉ đạo rà soát ở địa phương cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, giúp cho cuộc tổng rà soát đạt kết quả tốt.

* PV: Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ tập trung hoạt động gì để chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, thưa ông?

* Ông Võ Văn Nhi: Trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công theo quy định và chính sách mới ban hành, trong đó tập trung xét hồ sơ về chính sách thờ cúng liệt sĩ và truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đợt 1 vừa qua, có 613 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu này.

Tỉnh cũng đã đề nghị Trung ương xét 1.834 trường hợp để truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đang tiếp tục giải quyết đợt 3 khoảng 300 hồ sơ. Tỉnh tiếp tục giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng theo Quyết định 290 và Quyết định 188 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tỉnh và các huyện, thị, thành tiếp tục vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vừa được phong tặng.

Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Toàn tỉnh có 1.380 hộ chính sách khó khăn được xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí thực hiện là 44,2 tỷ đồng.

Ngành LĐ-TB&XH xin hứa sẽ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ để mọi chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào Đền ơn đáp nghĩa, thực hiện xã hội hóa việc chăm sóc đời sống các đối tượng có công với cách mạng, góp phần bù đắp những hy sinh, mất mát của người có công đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* PV: Xin cảm ơn ông!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.