Thứ Sáu, 19/09/2014, 12:19 (GMT+7)
.

Kinh tế biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH tỉnh nhà

Tiền Giang có lợi thế rất lớn trong việc phát triển tiềm năng kinh tế biển. Do đó, việc hoạch định một chiến lược kinh tế biển phù hợp là hoàn toàn cần thiết để có thể khai thác tối đa lợi ích kinh tế chính đáng từ biển, cũng như bảo đảm an ninh Quốc gia. Xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:

Tiền Giang có 32 km bờ biển thuộc vùng biển Đông Nam bộ với vị trí địa lý thuận lợi đã tạo điều kiện để ngư dân vùng ven biển tỉnh nhà phát triển hoạt động nuôi thủy sản ven bờ là tôm sú và nghêu.

Diện tích nuôi nghêu của tỉnh hiện nay đạt 2.300 ha, diện tích nuôi tôm đạt gần 4.000 ha, hàng năm thu hoạch khoảng 16.000 tấn tôm, từ 15.000 - 17.000 tấn nghêu chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nghề khai thác thủy, hải sản của tỉnh đã có từ lâu và cũng là một trong những thế mạnh. Trong những năm gần đây nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, được sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, ngư dân đã cải hoán và đóng mới nâng công suất tàu để vươn ra khai thác vùng biển xa.

Số tàu khai thác biển của tỉnh hiện là 1.376 chiếc, với tổng công suất 295.400CV (tàu có công suất trên 90CV là 774 tàu). Tổng sản lượng khai thác đạt khoảng 90.000 tấn/năm.

Trong đó, tàu tham gia khai thác là 1.183 chiếc và 193 tàu tham gia làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong số tàu cá của tỉnh, hiện có 109 tàu cá tham gia khai thác trên các vùng biển xa bờ, DK1 và Trường Sa, đã vận động thành lập được 11 tổ đội hợp tác/62 tàu cá/423 lao động hoạt động và 51 tổ đoàn kết sản xuất trên biển/435 tàu cá/3.974 lao động nhằm giúp ngư dân tăng thời gian bám biển và kịp thời hỗ trợ nhau khi có thiên tai, tai nạn xảy ra trên biển.

* Phóng viên (PV): Trong thời gian qua, tỉnh đã có những hỗ trợ gì để phát triển kinh tế biển?

* Ông Lê Văn Nghĩa: Trong thời gian qua, bên cạnh nội lực của địa phương trong phát triển thủy sản, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, chính sách hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg;

Thực hiện hỗ trợ trang bị máy thu trực canh, máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp định vị vệ tinh (GPS); hỗ trợ lắp đặt thiết bị VMS giám sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh cho các tàu khai thác nhằm kịp thời nắm thông tin về công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên biển và phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão...

Trong 3 năm (2011, 2012, 2013) và 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ của ngư dân có tàu cá tham gia khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, với tổng số tiền hỗ trợ 31,6 tỷ đồng.

Đồng thời, thực hiện Quyết định 1051/QĐ-BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân bổ số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc Dự án movimar cho 83 máy/83 tàu cá/93 máy được phân bổ. Đối với địa phương: Trong năm 2013 đã trang bị 8 máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) cho 8 tổ hợp tác khai thác thủy sản.

Một góc Cảng cá Vàm Láng.
Một góc Cảng cá Vàm Láng.

* PV: Về hiệu quả hoạt động của ngành Thủy sản tỉnh nhà, trong đó có nuôi hải sản và khai thác, đánh bắt, ông có đánh giá gì?

* Ông Lê Văn Nghĩa: Hoạt động khai thác thủy sản những năm qua đã được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển, trên cơ sở các nguồn lực sẵn có và sự vận dụng kịp thời, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Trung ương, nhất là chính sách khuyến khích tham gia khai thác vùng biển DK1, Trường Sa.

Nhìn chung, kinh tế thủy sản tỉnh nhà trong những năm qua tuy ổn định, đóng góp vào giá trị sản xuất chung của toàn ngành Nông nghiệp tăng 6,35%/năm, trong đó thủy sản tăng 7,54%/năm, nhưng đứng trước những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp nói chung và thủy sản tỉnh nhà nói riêng vẫn còn  gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh liên tục xảy ra trên tôm, nghêu…, giá cả các mặt hàng thủy sản không ổn định, nhất là cá tra. Hoạt động khai thác chịu tác động rất lớn của điều kiện thời tiết, chi phí cho hoạt động khai thác khá cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động khai thác,…

* PV: Tiềm năng du lịch biển cũng là một thế mạnh của địa phương mặc dù gần đây có khởi sắc nhưng hiệu quả thật sự chưa cao, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

* Ông Lê Văn Nghĩa: Khu du lịch biển Tân Thành đón bình quân trên 50.000 lượt khách/năm. Tuy nhiên, hoạt động du lịch biển Tân Thành còn ở dạng tiềm năng, chưa phát triển mạnh và hiệu quả cũng chưa cao. Nguyên nhân do biển Gò Công là bãi biển nằm hạ lưu sông Mêkông, gần cửa sông nên nước biển bị pha bùn, không trong xanh nên ít người tắm biển.

Tỉnh đã quy hoạch 80 ha để phát triển du lịch nhưng các dự án triển khai còn chậm, chỉ có 2 công ty đầu tư, phần còn lại 64 ha đang mời gọi đầu tư nên chưa xây dựng được các khu vui chơi, giải trí du lịch có quy mô lớn, phù hợp cảnh quan môi trường và phát triển theo quy hoạch du lịch biển của tỉnh.

Mặt khác, do tuyến giao thông từ TP. Hồ Chí Minh theo QL.50 qua phà Mỹ Lợi chưa thuận lợi, hiện tại các phương tiện giao thông phải qua phà; vì vậy lượng khách đến tham quan, du lịch biển chưa cao, chủ yếu thu hút du khách tập trung đông vào những ngày nghỉ, ngày lễ trong năm. Từ đó làm hạn chế hiệu quả hoạt động du lịch vùng biển Gò Công.

Trong định hướng, cùng với việc tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp, phát triển tour du lịch liên kết sản phẩm trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh với vùng biển Gò Công, tỉnh sẽ tăng cường mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch biển; đồng thời việc xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng như QL50, cầu Mỹ Lợi nối Long An - Tiền Giang được hoàn thiện sẽ thúc đẩy phát triển, tăng hiệu quả trong hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

* PV: Theo ông, trong thời gian tới, tỉnh nhà cần làm gì để khai thác tốt những tiềm năng của kinh
tế biển?

* Ông Lê Văn Nghĩa: Xác định kinh tế biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, thời gian tới tỉnh tiếp tục vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ phát triển thủy sản ở địa phương, đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản theo hướng giảm dần sản lượng khai thác ven bờ, tiếp tục hỗ trợ cải hoán, đóng mới tàu có công suất trên 90CV.

Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 11 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu. Sản lượng thủy sản xuất khẩu hàng năm đạt 130.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD (trong đó cá tra đạt 80.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 180 triệu USD).

Trị giá mặt hàng thủy sản xuất khẩu chiếm 34,8% tổng trị giá hành hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, chiếm 70,6% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp - thủy sản.

Phát triển đội tàu khai thác xa bờ tham gia khai thác ở các vùng biển xa, gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền Quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, ngư cụ, áp dụng  khoa học - công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá như khôi phục, đầu tư phát triển các cơ sở đóng mới, sửa, bảo dưỡng tàu cá.

Đầu tư nâng cấp Cảng cá Mỹ Tho, Cảng cá Vàm Láng, kết hợp khu neo đậu tránh trú bảo, các bến cá bảo đảm đầy đủ các dịch vụ phục vụ cho khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác như các cơ sở sản xuất nước đá, kho lạnh... để có khả năng thu hút tàu cá của nhiều địa phương.

Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về ghi chép nhật ký khai thác và kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong khai thác, sơ chế, bảo quản nguyên liệu thủy sản,… bảo đảm yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác và chất lượng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

* PV: Xin cảm ơn ông!

PHÙNG LONG (thực hiện)

.
.
.