Thứ Hai, 21/11/2016, 20:40 (GMT+7)
.
Ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang:

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ khi khởi nghiệp

Xung quanh Cuộc vận động xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp” vừa được Thủ tướng Chính phủ phát động, ông Trần Đỗ Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang tỏ ra rất tâm đắc và chia sẻ đây là một cuộc vận động nhiều ý nghĩa trong thời buổi kinh tế thị trường chi phối hiện nay. Ông cho rằng:

Thực ra việc xây dựng văn hóa cho một doanh nghiệp (DN) người ta đã phải làm ngay từ khi khởi nghiệp. Ở các nước có lịch sử phát triển DN lâu đời, bằng nhiều phương pháp tổ chức, nhiều cách làm khác nhau người ta đã tự giác và bắt buộc phải xây dựng văn hóa cho DN của mình nếu muốn nó tồn tại và phát triền bền vững.

Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định có một ngày “Văn hóa doanh nghiệp” là một bước triển khai cụ thể chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng “doanh nghiệp là động lực của sự phát triền kinh tế đất nước”; đó cũng là động tác nhắc nhở các DN cần xây dựng văn hóa cho DN của mình trong tổng thể nền văn hóa của dân tộc Việt Nam; để sau vài thập niên Việt Nam có được một đội ngũ DN, doanh nhân tài năng và hành xử đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

* Phóng viên (PV): Thế để một DN được xem là có văn hóa thì đâu sẽ là yếu tố quyết định?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Xây dựng văn hóa cho một DN để được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn vinh là một quá trình thường xuyên song hành cùng quá trình phát triển và phải được đặt ra ngay từ ngày thành lập. Việc xây dựng văn hóa cho DN đương nhiên là phải do toàn thể cán bộ, nhân viên của DN đó thông qua các tiêu chuẩn cụ thể và cùng nhau thực hiện; song người chủ động khởi xướng, dự thảo tiêu chí chuẩn mực… và phê duyệt cũng như chỉ đạo thực hiện không ai khác ngoài người đứng đầu (Chủ tịch, Giám đốc…) DN đó. Họ chính là doanh nhân; vì thế để xây dựng văn hóa DN, không thể tách rời vai trò cá nhân của người đứng đầu, những doanh nhân văn hóa.

* PV: Trong những chuẩn mực về văn hóa, theo ông thì tiêu chuẩn nào là quan trọng để được quyết định văn hóa DN?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Chuẩn mực cho một DN văn hóa sẽ do từng DN xây dựng nên vì mỗi DN sản xuất sản phẩm cho đối tượng khác nhau, sử dụng loại tài nguyên khác nhau… Nhưng theo tôi, trước hết nó phải có các chuẩn mực mang tính phổ cập chung của xã hội, như chấp hành pháp luật, thái độ đối với người lao động, bảo đảm môi trường… còn sau đó việc coi tiêu chuẩn nào quan trọng thì do DN đó sản xuất hàng gì, công nghệ ra sao, mức độ sử dụng máy móc, lao động, đối tượng tiêu thụ sản phẩm của từng DN thế nào, rồi địa điểm của DN sản xuất, thường xuyên tiếp xúc với người dân sinh sống… để đặt nặng tiêu chí nào. Ví dụ : Chất lượng hay giá cả? cam kết hỗ trợ xã hội hay tôn trọng phong tục, tập quán? Tiếng ồn hay an ninh… an toàn lao động hay vệ sinh môi trường trong xí nghiệp, sức khỏe hay tinh thần cho nhân viên...

Ngoài sản xuất - kinh doanh, DN còn hướng tới cộng đồng, xã hội.
Ngoài sản xuất - kinh doanh, DN còn hướng tới cộng đồng, xã hội.

* PV: Với DN yếu tố lợi nhuận là trên hết, vậy DN đó sẽ được gì khi hướng tới danh hiệu văn hóa DN?

*Ông Trần Đỗ Liêm: Thực ra, khi lãnh đạo DN nào đó có ý muốn xây dựng văn hóa cao đẹp cho DN của mình, thì chính là họ đã muốn tối ưu hóa lợi ích sản xuất kinh doanh của họ một cách lâu dài rồi.
Văn hóa DN chính là một phần quan trọng giá trị thương hiệu của  DN. Do đó, nếu hiểu đúng mục tiêu xây dựng văn hóa DN thì chính là làm cho DN có thêm nhiều lợi nhuận.

Trong thời buổi công nghệ kỹ thuật số kết nối toàn cầu hiện nay mọi động thái hành động của DN đều dễ dàng được cộng đồng xã hội biết, thì “hương sắc” của DN sẽ nhanh chóng biến thành hiệu quả kinh tế…

* PV: Là một doanh nhân được vinh danh là “Doanh nhân Văn hóa tiêu biểu”. Theo ông, làm thế nào để việc “phát động xây dựng văn hóa trong DN” của Chính phủ  đạt hiệu quả, thực chất, chứ không chỉ là khẩu hiệu trước mỗi công  ty?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Như tôi nói ở trên, một người lãnh đạo DN đúng nghĩa thì họ phải chủ động cùng cán bộ, nhân viên, công nhân của mình xây dựng văn hóa cho DN của mình ngay từ ngày đầu thành lập. Như vậy thì việc Chính phủ phát động xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp” chỉ là hợp pháp hóa việc công nhận các DN đã có ý thức và xây dựng “văn hóa cho doanh nghiệp” mình; đồng thời nó là “cú hích” cho những DN chưa, hoặc đã làm nhưng chưa đủ liều lượng mà thôi.

Còn “việc làm thế nào” thì tôi nghĩ trước tiên các DN phải tự biết phải làm gì; bên cạnh đó các Hiệp hội, các cơ quan Nhà nước chuyên ngành với kinh nghiệm của mình như ngành Thi đua, ngành Văn hóa cũng cần vào cuộc để giúp DN xây dựng tiêu chí cụ thể, tổ chức thực hiện sao cho sát thực tế của từng DN để họ triển khai có hiệu quả. Đồng thời tổ chức công nhận, vinh danh..

* PV: Xin cảm ơn ông!

SƠNPHẠM (thực hiện)

.
.
.