Thứ Hai, 15/05/2017, 19:56 (GMT+7)
.

Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND các cấp và sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể, gần đây, nhiều người tham gia hoạt động ca hát và người cho thuê dàn âm thanh di động (gọi chung là người dân) đã nâng ý thức chấp hành pháp luật trong sinh hoạt văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức tốt và việc kiểm tra, xử phạt gặp không ít khó khăn... Trước tình hình trên, Báo Ấp Bắc trao đổi, lược ghi ý kiến của 3 cán bộ có liên quan về những giải pháp chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới.

* BÀ NGUYỄN HỒNG THỦY (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường): Công an cấp xã có đủ thẩm quyền xử phạt

Với vai trò là đơn vị phối hợp với Sở VH-TT&DL trong công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh các hoạt động này. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như: Thời gian qua, các phản ánh vi phạm về tiếng ồn qua đường dây nóng chủ yếu do thanh tra Sở TN-MT gọi điện cho phòng TN-MT, sau đó phòng TN-MT gọi về UBND cấp xã đứng ra giải quyết, chỉ nhắc nhở, chứ chưa xử phạt. Mặt khác, chưa thực hiện đồng bộ việc xử phạt, dẫn đến sự so bì trong nhân dân…

Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2017 có một số thay đổi quan trọng, mở ra hướng mới cho công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, khoản 1, Điều 49 ghi rõ: Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo và phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.500.000 đồng. Khoản 1, Điều 17 cho phép phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 2 dBA… Lực lượng Công an nhân dân (CAND) toàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận đào tạo sử dụng máy đo tiếng ồn, làm cơ sở để xử phạt theo quy định của Nghị định trên.

Bên cạnh đó, để chấn chỉnh tình trạng này, Sở TN-MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các quy định về xử phạt VPHC trong việc gây tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép. Trang bị thêm phương tiện đo tiếng ồn và giao cho lực lượng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường cấp tỉnh, cấp huyện sử dụng phương tiện đo tiếng ồn, lập biên bản VPHC và ban hành quyết định xử phạt VPHC các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn trên địa bàn tỉnh. Giao chủ tịch UBND cấp xã chủ động giải quyết các thông tin phản ánh từ người dân về tiếng ồn…

* BÀ NGUYỄN THỊ TIẾP (Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo): Đề nghị trang bị máy đo tiếng ồn cho cấp xã

Từ tháng 10-2016 đến nay, huyện Chợ Gạo đã xử phạt tiền 9 trường hợp, với tổng số tiền 33 triệu đồng. So với trước đây, ý thức của hộ kinh doanh và người dân được nâng lên. Tuy nhiên, huyện chỉ có 1 đội kiểm tra liên ngành được trang bị phương tiện, nên hạn chế trong việc xử lý các trường hợp vi phạm; một số hộ kinh doanh karaoke di động chưa chịu hợp tác, thậm chí chống người thi hành công vụ, gây khó khăn cho đội kiểm tra. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm khi người dân phản ánh về tình trạng ca hát gây tiếng ồn vượt quá quy định...

Để lập lại trật tự trên lĩnh vực văn hóa, kinh doanh văn hóa, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt các ngành phối hợp các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành huyện xây dựng kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nhắc nhở đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện Chỉ thị 07/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất trật tự tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh sớm trang bị máy đo tiếng ồn cho các xã, thị trấn để chủ động trong thực hiện việc kiểm tra, làm cơ sở để xử lý vi phạm, nhằm giảm bớt áp lực cho Đội kiểm tra liên ngành huyện trong thời gian tới.

* ÔNG LÝ VĂN CẨM (Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy): Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tham gia kiểm soát hoạt động gây tiếng ồn

Sau khi nhận được Chỉ thị 07-CT/UBND của UBND tỉnh, UBND huyện Cai Lậy đã nhanh chóng tổ chức triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức lấy ý kiến các ngành có liên quan để thống nhất giải pháp hướng dẫn tạm thời việc đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ văn hóa “cho thuê dàn âm thanh lưu động”. Mặt khác, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc tham gia kiểm soát hoạt động gây tiếng ồn lớn, kéo dài tại khu dân cư, đã  chỉ đạo: Đối với các tin báo từ 21 giờ trở đi, tổ trưởng Tổ kiểm tra liên ngành huyện sẽ liên hệ với chính quyền nơi được báo vụ việc tiến hành kiểm tra thực tế. Sau 30 phút xác minh vụ việc, nếu tình hình gây tiếng ồn không giảm, Tổ kiểm tra liên ngành huyện sẽ xuống hỗ trợ cơ sở. Tổ Kiểm tra liên ngành huyện chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành các xã lên danh sách các điểm hay phát sinh tiếng ồn lớn kéo dài, diễn ra nhiều lần, thông báo lên huyện để huyện tăng cường lực lượng hỗ trợ. Đây là phương pháp phối hợp kiểm tra tốt nhất mà huyện Cai Lậy đang thực hiện. Qua thực hiện các giải pháp trên, đã tạo hiệu ứng xã hội tích cực, bước đầu huyện đã quản lý được các hộ kinh doanh hoạt động lĩnh vực văn hóa gây tiếng ồn, từ đó tăng cường nhắc nhở, kiểm tra, giám sát, tác động việc mở âm thanh lớn liên tục nhiều giờ liền tại các khu dân cư có giảm. Từ tháng 9-2015 đến nay, huyện đã tiến hành kiểm tra 40 cuộc, với 130 điểm, riêng vi phạm tiếng ồn đã lập biên bản nhắc nhở 15 trường hợp.

Huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp nêu trên. Đồng thời, học tập các mô hình hay của các địa phương bạn, lắng nghe dư luận phản biện xã hội để chấn chỉnh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn trong thời gian tới.

HOÀI THU (lược ghi)

.
.
.