Thứ Sáu, 15/12/2017, 17:06 (GMT+7)
.

Tăng cường kiểm soát thị trường cuối năm

Cuối năm, nhu cầu về hàng hóa, thực phẩm tăng cao. Do đó, hàng gian, hàng giả sẽ có những diễn biến phức tạp. Vừa qua, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị 14 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Phan Văn Tải.

Lực lượng quản lý thị trường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chống hàng giả,  gian lận thương mại.
Lực lượng quản lý thị trường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chống hàng giả, gian lận thương mại.

* Phóng viên (PV): Để bình ổn thị trường Tết Nguyên đán năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường đã triển khai thực hiện công tác kiểm soát thị trường như thế nào?

* Đồng chí Phan Văn Tải: Nhằm chủ động kiểm soát thị trường, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp tết, Chi cục Quản lý thị trường Tiền Giang đã xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Trên cơ sở đó, các Đội Quản lý thị trường trực thuộc xây dựng kế hoạch cụ thể của Đội và trình Chi cục trưởng phê duyệt, tổ chức thực hiện.

Chi cục sẽ kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm (rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo…), đồ chơi trẻ em, quần áo, giày dép, hàng điện tử... Riêng đối với các doanh nghiệp đăng ký tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, các điểm bán hàng bình ổn giá, Chi cục kiểm tra việc thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Ngoài ra, Chi cục còn tăng cường kiểm tra đột xuất chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gian lận thương mại góp phần bình ổn thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm mua sắm hàng hóa trong dịp tết.

* PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về tình hình hàng gian, hàng giả trong những tháng cuối năm?

Theo Chi cục Quản lý thị trường, trong năm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiếp tục xảy ra; phương thức, thủ đoạn vi phạm tinh vi, khó phát hiện. Tuy nhiên, Chi cục đã chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm; tịch thu một số mặt hàng như thuốc lá điếu nhập lậu, quần áo, mắt kính ngoại nhập lậu, sơn nước giả mạo nhãn hiệu Dulux và Maxilite, xe đạp điện giả mạo nhãn hiệu Asama...

Đặc biệt, Chi cục phát hiện, xử lý một số trường hợp mua, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tác động, điều chỉnh thiết bị của phương tiện đo làm sai lệch kết quả đo; sử dụng chứng chỉ kiểm định xăng dầu giả mạo. Gần đây, Chi cục đã phát hiện, xử lý 1 vụ vận chuyển loài thủy sinh thuộc Phụ lục II Công ước CITES với khối lượng hơn 21 tấn vỏ trai tai tượng khổng lồ. Chi cục đã thanh tra, kiểm tra 1.921 vụ, phát hiện vi phạm và xử phạt 773 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước trên 6,809 tỷ đồng.

* Đồng chí Phan Văn Tải: Dịp cuối năm là thời điểm các tổ chức, cá nhân sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết. Do đó, thị trường hàng hóa sôi động, nhộn nhịp hơn những ngày thường. Đây cũng là cơ hội để một số đối tượng lợi dụng, thực hiện các hành vi vi phạm nhằm thu lợi bất hợp pháp. Theo đó, các đối tượng vi phạm sẽ thực hiện các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; lợi dụng Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để trà trộn hàng giả với hàng thật, hàng không đảm bảo chất lượng với hàng đạt chất lượng; thực hiện các hành vi bán hàng không niêm yết giá, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và các hành vi gian lận thương mại khác. Từ đó gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm. Các loại hàng hóa thường vi phạm là thực phẩm (bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát), quần áo, giày dép, mắt kính, hàng điện tử, điện lạnh, điện máy, thuốc lá, đồ chơi trẻ em...

Địa bàn xảy ra vi phạm tập trung ở các chợ, nơi đông dân cư, chủ yếu tại TP. Mỹ Tho và một số huyện phía Tây của tỉnh. Ngoài ra, trên khâu lưu thông, hàng hóa vi phạm còn được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Tiền Giang đi TP. Cần Thơ, các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và từ tỉnh An Giang đi TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Do đó, công tác kiểm tra thị trường cần được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán nhằm góp phần ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, giúp người dân yên tâm đón tết.

* PV: Hàng gian, hàng giả đang diễn biến phức tạp, theo đồng chí đâu là giải pháp của ngành trong công tác đấu tranh với vấn nạn này, đặc biệt là thời điểm Tết Mậu Tuất năm 2018?

* Đồng chí Phan Văn Tải: Để ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 14 ngày 7-11-2017 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; Công văn 2642 ngày 6-12-2017 của Sở Công thương về việc đề nghị triển khai thực hiện các công việc chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; Kế hoạch 923 ngày 23-11-2017 của Chi cục Quản lý thị trường về kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đăng ký dự trữ hàng hóa.

Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về chống hàng giả, gian lận thương mại thông qua phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực tiếp thông qua kiểm tra thị trường, vận động cơ sở ký cam kết, phát tờ gấp... nhằm giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tố giác đối tượng vi phạm. Chi cục cũng đẩy mạnh vận động người dân thực hiện tốt chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ba là, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, thu thập thông tin thông qua công tác quản lý địa bàn, phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh từ doanh nghiệp, người dân; chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết.

Bốn là, mở đợt cao điểm kiểm tra đột xuất, bình ổn thị trường tết.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

MINH THÀNH (thực hiện)

.
.
.