Thứ Ba, 26/12/2017, 09:15 (GMT+7)
.

Xuất khẩu vú sữa tạo tiền đề cho các nông sản khác

Ngày 26-12, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ công bố xuất khẩu (XK) lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Nhân sự kiện này, ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (Công ty Cát Tường), đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị các bước để XK vú sữa, chia sẻ riêng với phóng viên Báo Ấp Bắc:

Công ty Cát Tường rất vinh hạnh được tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ chuẩn bị nguồn hàng XK lô vú sữa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, từ việc thực hiện mã Code vùng trồng đến Code đóng gói và Code chiếu xạ theo yêu cầu của đối tác. Riêng công tác chuẩn bị sản phẩm, từ lúc nhận được thông báo, công ty đã cho nhân viên xuống tận vùng trồng hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cách thức bao trái và phân tích, kiểm tra mẫu sản phẩm. Công tác chuẩn bị sản phẩm cũng đã hoàn thành và sẵn sàng đưa lô vú sữa đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ với chất lượng tốt nhất. Lô vú sữa đầu tiên dự định khoảng 1 container đường bay (khoảng 1 tấn trái).

Công ty cũng đã thỏa thuận cỡ thùng, quy cách đóng trái, đăng ký nhiều kích cỡ trái vú sữa với đối tác nên rất thuận lợi và mở ra nhiều cơ hội cho người trồng vú sữa trong thời gian tới. Vú sữa là loại nông sản mới XK sang thị trường Hoa Kỳ nên trong tương lai Công ty Cát Tường sẽ chủ động phối hợp với nông dân nhằm điều tiết sản xuất để có nguồn sản phẩm XK mang tính ổn định hơn. Trong thời gian tới, công ty vẫn bám vùng trồng và bao tiêu toàn bộ sản lượng vú sữa đã cam kết với nông dân. Hiện tại, vùng trồng vú sữa được công ty bao tiêu sản phẩm nằm trên địa bàn các xã thuộc huyện Châu Thành, với diện tích khoảng 50 ha.

* Phóng viên (PV): Phương thức bao tiêu của công ty được thực hiện như thế nào?

* Ông Đoàn Văn Sang: Công ty thực hiện bao tiêu vú sữa với nông dân theo hình thức: Trước tiên là phối hợp với tổ hợp tác, hợp tác xã, địa phương xác định vùng trồng thông qua diện tích, số hộ trồng, sản lượng dự kiến thu hoạch, sau đó công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu với giá đã thỏa thuận với nông dân. Giá bao tiêu tất nhiên phải cao hơn giá thị trường đối với từng nhóm sản phẩm và phù hợp với từng thị trường tiêu thụ cụ thể. Việt Nam là nước nông nghiệp, nên không chỉ là trái vú sữa XK đi Hoa Kỳ mới nói đến chất lượng nguyên liệu đầu vào, đối với các vùng trồng, người nông dân phải áp dụng khoa học - kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm làm ra không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phù hợp với từng thị trường tiêu thụ, có như vậy canh tác của người dân mới mang lại hiệu quả. Nếu người sản xuất ý thức được các vấn đề này, Công ty Cát Tường rất ủng hộ, hỗ trợ nông dân sản xuất thêm phần bao tiêu và lo đầu ra của sản phẩm.

Triển vọng mới cho trái vú sữa.
Triển vọng mới cho trái vú sữa.

* PV: Sau vú sữa, các loại nông sản khác sẽ bước tiếp sang thị trường Hoa Kỳ?

* Ông Đoàn Văn Sang: Bên cạnh vú sữa, trái xoài cũng được chính thức xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Đây cũng là thông tin vui cho nông dân và cũng là tin vui đối với Công ty Cát Tường, vì hiện công ty cũng đang thực hiện bao tiêu vùng xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè) và các vùng trồng xoài khác. Tất nhiên, đối với doanh nghiệp luôn nhắm đến thị trường tiêu thụ nông sản khó tính như Công ty Cát Tường, việc được XK trái xoài đi các thị trường và được chấp nhận là điều mơ ước của công ty. Nếu được đăng ký lô xoài đầu tiên xuất sang thị trường Hoa Kỳ, với kinh nghiệm chuẩn bị đối với trái vú sữa, Công ty Cát Tường sẽ rất sẵn sàng.

Thật ra, trong thời gian qua Công ty Cát Tường đã XK nhiều loại trái sang nhiều thị trường khác nhau, nhất là các loại trái cây đặc sản của Tiền Giang. Bên cạnh đa dạng về sản phẩm, công ty cũng thực hiện phương thức bao tiêu. Với lợi thế là có nhà máy đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất sang thị trường Hoa Kỳ, có máy xử lý nhiệt để xuất đi các thị trường có yêu cầu xử lý nhiệt, nên tới đây đối với bất kỳ yêu cầu của thị trường nào, Công ty Cát Tường cũng có thể đáp ứng được. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ trái cây có chất lượng còn rất lớn nhưng công ty không đủ sản lượng để đáp ứng. Gần đây, công ty đã chủ động xuống vùng trồng hợp tác với nông dân về kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, nông nghiệp chế biến vẫn là vấn đề cốt lõi nhằm tăng giá trị gia tăng, nên doanh nghiệp và Nhà nước cần phải tập trung làm. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp chế biến đòi hỏi nguồn vốn đầu tư thiết bị, máy móc quá lớn nên doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

* PV: Và chắc chắn công ty không chỉ dừng lại ở trái cây?

* Ông Đoàn Văn Sang: Trong chiến lược sản xuất - kinh doanh, ngoài trái cây công ty còn tập trung vào rau sạch. Vừa qua, công ty đã phối hợp thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Giang (huyện Châu Thành) nhằm sản xuất rau sạch đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn của đối tác nước ngoài. Hiện tại, công ty có đối tác Thái Lan muốn mua rau sạch để xuất đi châu Âu, đối tác Hồng Kông (Trung Quốc) muốn mua rau sạch để xuất đi Hoa Kỳ. Công ty cũng đã ký hợp đồng khung với 2 đối tác này. Để thực hiện mục tiêu hướng vào rau sạch, công ty cũng gửi văn bản đến UBND tỉnh xin quỹ đất của Khu Nông nghiệp công nghệ cao, với diện tích khoảng 30 ha, để thực hiện dự án trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới nhưng hiện vẫn còn vướng một số thủ tục. Định hướng của công ty là sản xuất - kinh doanh rau, củ, quả tươi và chế biến. Trong kế hoạch sắp tới, công ty cũng muốn xây dựng nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn và hiện đang tìm quỹ đất, dự kiến trong năm 2018 dự án này sẽ hoàn thành. Trên thực tế, Công ty Cát Tường đã thực hiện phương thức bao tiêu các sản phẩm trái cây, nên ngoài bán tươi, những sản phẩm còn lại được công ty dự kiến chuyển sang chế biến đông lạnh và nước ép.

* PV: Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG ANH - SĨ NGUYÊN

(thực hiện)

.
.
.