Thứ Bảy, 29/03/2014, 08:57 (GMT+7)
.

Thái Lan: Căng thẳng trước thềm bầu cử Thượng viện

Ngày 30-3, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc bầu cử Thượng viện được đánh giá là quan trọng trong tình hình chính trị hiện nay ở nước này.

Chính phủ cũng như phe đối lập có thể sẽ phải tận dụng mọi "thủ đoạn" nhằm ngăn cản các ứng cử viên do phía kia hậu thuẫn giành được chiến thắng.

Thượng viện mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời điểm chuyển giao này khi mà Hạ viện chưa được hình thành và Chính phủ đang phải đối phó với nhiều vấn đề pháp lý.

Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan đã kết thúc cuộc điều tra liên quan tới chương trình trợ giá gạo của chính phủ. Dự kiến phiên luận tội Thủ tướng sẽ diễn ra vào 31-3. Trong trường hợp bị kết tội không làm tròn nhiệm vụ, vụ án sẽ được chuyển lên Thượng viện để tổ chức điều trần bà Yingluck Shinawatra.

Biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Bangkok ngày 25/3. Nguồn: AFP/TTXVN
Biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Bangkok ngày 25-3. Nguồn: AFP/TTXVN

Ủy ban chống tham nhũng quốc gia cũng đang tiến hành luận tội các cựu nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp nhằm hình thành một Thượng viện thông qua bầu cử hoàn toàn. Dự kiến trường hợp này cũng sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét.

Cuộc điều tra này bắt đầu bằng phán quyết của Tòa án hiến pháp hôm 20-11 rằng việc sửa đổi cấu tạo của Thượng viện là vi phạm điều 68, trong đó ngăn chặn việc lật đổ thể chế dân chủ do Nhà Vua là người đứng đầu đất nước.

Thượng viện Thái Lan gồm có 150 người, trong đó có 77 người được bầu đại diện cho 77 tỉnh, thành ở nước này và số còn lại sẽ được bổ nhiệm thông qua một ủy ban gồm đại diện của các cơ quan được coi là độc lập tại Thái Lan. Nhiệm kỳ của Thượng viện là sáu năm.

Trong cuộc bầu cử lần này, có 457 ứng cử viên trên toàn quốc. Riêng ở Bangkok có tới 18 ứng cử viên tranh cử một chiếc ghế đại điện. Thủ đô luôn là điểm thu hút mối quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

Cựu Tổng kiểm toán nhà nước Jaruvan Maintaka là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Thượng nghị sĩ thủ đô Bangkok. Bà này được coi là một trong những nhân vật chống "chế độ Thaksin" hàng đầu từ khi còn là một thành viên trong Ủy ban kiểm tra tài sản do phe đảo chính dựng lên nhằm điều tra ông Thaksin.

Mặc dù bà Jaruvan không có nhiều kinh nghiệm chính trị, nhưng được đưa ra để đối chọi với ông Supisarn Phakdinaruenart, nguyên chỉ huy Cục trấn áp tội phạm, được đảng Vì Thái Lan hậu thuẫn. Nhiều thành viên đảng Vì Thái Lan vẫn đang trợ giúp ông này trong chiến dịch tranh cử và họ dự kiến ông này có thể giành được 700.000 phiếu ủng hộ.

Một số ứng cử viên đáng chú ý khác gồm Chủ tịch hiệp hội cảnh báo về môi trường toàn cầu Srisuwan Chanya; học giả về quan hệ lao động Piyasuda Paengsupa; phu nhân của cựu nghị sỹ đảng Người Thái yêu người Thái trước đây Treerat Sengphairoh và cựu giám đốc điều hành kênh truyền hình Spring News Kosit Suvinitjit.

Tại khu vực Đông Bắc, cựu Bộ trưởng Giáo dục Srimuang Charoensiri được coi là ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế Thượng nghị sĩ tỉnh Maha Sarakham. Nếu Srimuang giành chiến thắng và các ứng viên có quan hệ với đảng Vì Thái Lan giành được hơn một nửa trong số 77 ghế thì nhiều khả năng ông này sẽ được để cử tranh chức Chủ tịch Thượng viện.

Ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan các ứng cử viên tranh cử hầu hết có quan hệ với đảng Vì Thái Lan và phe áo đỏ, trong khi ở miền Nam là các ứng viên thân đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, Phó Tổng thư ký học viện King Prajadhipok Wuthisarn Tanchai lại không cho rằng sẽ có cuộc tranh đấu quyết liệt ở Thượng viện bởi có nhiều người ưu tú đã từ chối tham gia. Ông này còn cho rằng tình hình chính trị phân cực như hiện nay ở Thái Lan đang làm cho hệ thống chính trị nghị viện không hoạt động được một cách đầy đủ.

Ủy ban chống tham nhũng có thể chuyển kết luận của họ lên Thượng viện, hoặc Ủy ban bầu cử cũng có thể trì hoãn việc phê chuẩn các thượng nghị sĩ được bầu. Điều này sẽ làm cho các thượng nghị sĩ mới có vai trò rất ít trong giai đoạn giao thời này.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/thai-lan-cang-thang-truoc-them-bau-cu-thuong-vien/251345.vnp)

.
.
.