Chủ Nhật, 21/05/2017, 05:58 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Đối đầu và rạn nứt

Thế giới tuần qua chứng kiến nhiều sự kiện có chiều hướng gia tăng khủng hoảng, đối đầu, nhưng cũng có những tín hiệu tích cực nhất định. Điểm sáng tuần qua là việc tân Tổng thống Pháp đã có những bước đi bước đầu tiên thu hẹp được bất đồng giữa các đảng phái và tạo cơ hội xây dựng một chính phủ mới năng động, đa thành phần, có khả năng giải quyết khó khăn trong tình hình EU đang rạn nứt.

1. Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo

Ngày 14-5, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo từ một địa điểm lân cận vùng Kusong, tỉnh Bắc Pyongan, gần biên giới với Trung Quốc. Quả tên lửa đã bay gần 700km trước khi rơi xuống vùng biển giáp Nhật Bản và bờ biển phía tây Triều Tiên. Vụ phóng tên lửa được tiến hành không lâu sau khi ông Moon Jae In tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc.

Tên lửa tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA
Tên lửa tầm trung Hwasong-12 của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: KCNA

Trước đó, ngày 12-5, truyền thông Triều Tiên cảnh báo nước này sẽ tăng cường khả năng tấn công hạt nhân nhanh chóng nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách thù địch và đe dọa đối với quốc gia này. Ngay sau vụ phóng thử tên lửa sáng sớm 14-5, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cũng cho biết, quân đội nước này đang duy trì thế trận quốc phòng tổng lực, theo dõi mọi động thái của quân đội Triều Tiên. Nhật Bản cũng nhanh chóng đưa ra phản ứng của mình, coi việc tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là mối đe dọa trực tiếp tới Nhật Bản và vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Trong một động thái liên quan, giữa lúc bán đảo Triều Tiên đang gia tăng căng thẳng, bà Choe Son Hui, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ - Bộ Ngoại giao Triều Tiên, cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với chính quyền Mỹ với các điều kiện thích hợp. Về phía Mỹ, dù cảnh báo về một “cuộc xung đột lớn” với Triều Tiên có thể xảy ra, Tổng thống Donald Trump vẫn mong muốn một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo gây tranh cãi của Triều Tiên.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên liên tục căng thẳng kể từ đầu năm nay với những vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, động thái điều động lực lượng của Mỹ, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với việc cấm vận Triều Tiên, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc...

2. Tổng thống Pháp thành lập nội các mới

Ngày 15-5, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ định Thị trưởng Thành phố Le Havre Edouard Philippe làm Thủ tướng. Việc ông Macron chỉ định một nhân vật ngoài đảng của mình làm Thủ tướng là một động thái chưa từng có tiền lệ ở các chính phủ trước đây của Pháp. Hai ngày sau khi chỉ định Thủ tướng, ông Macron đã chỉ định một số vị trí chủ chốt và cho ra mắt nội các mới.

 Thủ tướng Edouard Philippe. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Edouard Philippe. Ảnh: Reuters

Theo đó, nội các mới có các vị trí chủ chốt là: Thủ tướng Edouard Philippe, 46 tuổi, theo đường lối bảo thủ; Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng châu Âu Jean-Yves Le Drian, 70 tuổi, thuộc đảng Xã hội; Bộ trưởng Quốc phòng Sylvie Goulard, 53 tuổi, theo đường lối ôn hòa; Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb, 70 tuổi, thuộc đảng Xã hội; Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire, 48 tuổi, thuộc đảng Bảo thủ; Bộ trưởng Tư pháp  Francois Bayrou, 66 tuổi, theo đường lối trung dung; Bộ trưởng Tài chính công Gerald Darmanin, 34 tuổi; Người phát ngôn Chính phủ Christophe Castaner, 51 tuổi thuộc Đảng Xã hội; Bộ trưởng Giao thông Elisabeth Borne, 56 tuổi, thuộc Đảng Xã hội...

Như vậy, thành phần nội các mới của ông Macron có các thành phần thuộc đầy đủ các đảng phái chính trị lớn như cánh tả, cánh hữu, trung dung, xã hội dân sự... Bước đi khôn ngoan này của ông Macron giúp ông có thêm được sự ủng hộ của các đảng phái khác, qua đó tăng cơ hội chiến thắng cho đảng “Nền cộng hòa tiến bước” trong cuộc bầu cử lập pháp vào ngày 11-6 tới đây, cho phép ông Macron có thể có được sự ủng hộ của Quốc hội cho các kế hoạch cải cách của mình.

Theo khảo sát cử tri do Công ty Nghiên cứu thị trường Harris Interactive công bố hôm 17-5, hiện tỷ lệ ủng hộ đối với đảng “Nền cộng hòa tiến bước” của ông Macron đã có được 32% cử tri ủng hộ, tăng 6% so với thăm dò đưa ra vào ngày 7-5 khi ông Macron mới đắc cử Tổng thống.

3. Tổng thống Mỹ liên tục gặp rắc rối

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gặp rắc rối về mặt pháp lý kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1. Tuy nhiên, có thể nói tuần vừa qua chứng kiến cuộc khủng hoảng pháp lý thực sự của ông Trump với hàng loạt vụ việc mà đỉnh điểm là việc đã có nghị sĩ kêu gọi Quốc hội Mỹ luận tội Tổng thống.

Cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller. Ảnh: Reuters
Cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller. Ảnh: Reuters

Rắc rối đầu tiên đến từ việc tờ Washing Post đưa tin ông Trump tiết lộ thông tin tình báo mật về hoạt động của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cho Ngoại trưởng Nga trong một cuộc họp. Phản ứng trước thông tin này, ông Trump và các quan chức Nhà Trắng ra sức phủ nhận, cho rằng thông tin này là sai sự thật và kêu gọi FBI xem xét truy tố các phóng viên đã công bố thông tin này. Trong khi đó, các đồng minh thân cận của Mỹ đang tỏ thái độ mất niềm tin vào Tổng thống Mỹ nếu điều này là thật; một số thậm chí còn tuyên bố rằng họ sẽ không tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo cho Mỹ nữa nếu thực sự có việc ông Trump để lộ thông tin tình báo họ chia sẻ với Nga.

Trong tuần, việc ông Trump sa thải Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey tiếp tục làm không khí chính trường Mỹ sôi sục. Trong khi Nhà Trắng biện minh rằng việc sa thải ông Comey đã được tham khảo với Bộ Tư pháp và ông Trump cũng nên truyền hình giải thích rằng việc sa thải Giám đốc FBI không hề liên quan đến Nga, dư luận vẫn nghi ngờ việc này có liên quan tới những cáo buộc về dính líu của Nga tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi. Tình hình càng trở nên rắc rối hơn với ông Trump khi có thông tin cho rằng ông Trump đã từng đề nghị ông Comey ngừng điều tra về mối liên hệ giữa cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn và Nga.

Trong một diễn biến liên quan, Cựu Giám đốc FBI Robert Mueller đã được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt điều tra điều tra bất kỳ mối liên hệ hoặc sự hợp tác nào, nếu có, giữa giới chức Nga và những cá nhân liên quan đến chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump cũng như bất cứ vấn đề nào phát sinh trực tiếp từ cuộc điều tra. Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Al Green cũng một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã kêu gọi luận tội Tổng thống tại Hạ viện.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Công ty Public Policy Polling công bố ngày 16-5, 48% người được hỏi ủng hộ việc luận tội ông Trump. Có thể thấy, Chính quyền của ông Donald Trump đang đứng trước rất nhiều thách thức và rắc rồi; nhiều khả năng cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ chứng kiến nhiều thay đổi. Một khi phe Cộng hòa không còn nắm đa số ở Quốc hội thì rất có thể một cuộc luận tội Tổng thống sẽ diễn ra.

4. Giao tranh tiếp tục diễn ra ác liệt ở Syria

Ngày 18-5, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã tấn công ngôi làng Akareb gần Thành phố al-Salamiyah ở miền Trung Syria khiến hơn 50 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 20 dân thường, và khoảng 100 người khác bị thương.

Vụ tấn công của vào Akareb, hơn 150 dân thường Syria thương vong. Ảnh: Reuters
Vụ tấn công của vào Akareb, hơn 150 dân thường Syria thương vong. Ảnh: Reuters

Akareb nằm trên tuyến đường huyết mạch duy nhất để IS có thể tiến về Aleppo, thành phố chiến lược đối với IS, do các tuyến đường khác đã bị các lực lượng quân đội Syria và lực lượng đồng minh kiểm soát và tăng cường chiến đấu chống lại nhiều nhóm khủng bố, trong đó có IS.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 18-5, Không quân Mỹ đã không kích một đoàn xe của quân đội Chính phủ Syria, khiến 8 binh sĩ thương vong và phá hủy 17 xe quân sự. Phía Mỹ khẳng định cuộc không kích chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết Washington không muốn tăng cường vai trò trong cuộc nội chiến tại Syria nhưng sẵn sàng bảo vệ lực lượng của mình nếu bị khiêu khích. Có thông tin cho rằng đoàn xe của quân đội Syria đã xâm phạm vùng cấm xung đột và xâm nhập hơn 30km vào vùng nơi các cố vấn Mỹ đang có mặt. Nga và Syria ngay lập tức đã lên án cuộc không kích và gọi đây là hành không thể chấp nhận được, vi phạm lãnh thổ Syria và làm tiêu tán nỗ lực chống IS của lực lượng Syria.

Syria rơi vào vòng xoáy nội chiến với sự xâu xé của nhiều phe phái, phiến quân, và lực lượng khủng bố, trong đó có IS. Cuộc nội chiến tại Syria đã kéo dài hơn 6 năm, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải bỏ nhà đi tị nạn.

5. Khủng hoảng Venezuela

Ngày 18-5, Chính phủ Mỹ thông báo một gói trừng phạt mới, áp dụng đối với chánh án và 7 thẩm phán Tòa án tối cao Venezuela, vì lý do các thẩm phán này đã bác quyền lực đa số của phe đối lập tại Quốc hội sau khi phe này thắng thế trong cuộc bầu cử lập pháp cuối năm 2015.

 Biểu tình phản đối Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại thủ đô Caracas ngày 18-5. Ảnh: Reuters
Biểu tình phản đối Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại thủ đô Caracas ngày 18-5. Ảnh: Reuters

Theo lập luận của Mỹ thì “Người dân Venezuela đang phải chịu đựng khủng hoảng kinh tế do chính phủ tham nhũng và quản lý kém. Các thành viên Tòa án tối cao nước này đã làm trầm trọng hơn tình hình bằng cách can thiệp vào quyền lực lập pháp”. Động thái này của Mỹ nhằm gia tăng áp lực lên Chính phủ cánh tả của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong bối cảnh biểu tình phản đối chính phủ và Tổng thống gia tăng thời gian vừa qua, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng từ đầu tháng 4 tới nay. Một trong những nguyên nhân dẫn tới các đợt biểu tình lớn này xuất phát từ hành động bác quyền lực của phe đối lập tại Quốc hội của Tòa án tối cao.

Phản ứng trước động thái này của Mỹ, Venezuela phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của mình. Nga cũng tuyên bố ủng hộ Venezuela giải quyết các vấn đề nội bộ bằng các giải pháp hòa bình và coi việc soạn thảo Hiến pháp mới do Tổng thống Maduro đề xuất là giải pháp hòa bình duy nhất. Venezuela hiện đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế, chính trị sâu sắc. Đặc biệt trong 6 tuần vừa qua các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Chính phủ đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị và cuộc sống người dân ở quốc gia Nam Mỹ này.

6. Nhật hoàng có thể thoái vị vào 2018

Ngày 19-5, nội các Nhật Bản đã phê chuẩn dự luật theo đó chấp nhận việc Nhật hoàng Akihito có thể thoái vị và nhường ngôi cho Hoàng Thái tử Naruhito. Đây là lần đầu tiên trong gần 200 năm qua Nhật hoàng đề xuất nguyện vọng thoái vị. Luật hiện hành của Hoàng gia Nhật Bản không cho phép Nhật hoàng thoái vị và Hoàng Thái tử chỉ chính thức lên ngôi sau khi Nhật hoàng qua đời.

 Nhật hoàng Akihito (phải) và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Reuters
Nhật hoàng Akihito (phải) và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Reuters

Nhật hoàng Akihito là người tạo ra nhiều thay đổi trong quy định hoàng tộc. Năm 1959, ông là Nhật hoàng đầu tiên cưới một người phụ nữ thường dân làm vợ. Với vai trò được quy định trong Hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng Akihito đã luôn nỗ lực để làm tròn sứ mệnh đoàn kết nhân dân. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, Nhật hoàng Akihito đã ngỏ ý muốn thoái vị hồi tháng 8 năm ngoái.

Với việc nội các Nhật Bản thông qua dự luật thoái vị, nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 6 tới, Nhật hoàng sẽ được phép lựa chọn thời gian thoái vị trong vòng 3 kể từ khi dự luật chính thức được thông qua; và thời điểm thích hợp cho việc thoái vị sẽ là tháng 12-2018. Dự luật thoái vị này chỉ có hiệu lực đối với Nhật hoàng Akihito nhằm tránh trường hợp các Nhật hoàng tiếp theo cũng có ý định thoái vị. Ngay sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị, Hoàng Thái tử Naruhito sẽ nối ngôi, trở thành Nhật hoàng thứ 126 của hoàng tộc đã trị vì Nhật Bản hơn 2.600 năm qua.

Việc thông qua dự luật thoái vị cũng đem lại dư luận nhiều chiều. Tuy nhiên, 90% người dân Nhật Bản nhất trí với nguyện vọng của Nhật hoàng Akihito. Sau khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito sẽ trở thành Thượng hoàng.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.