Thứ Bảy, 31/03/2018, 14:58 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Cơn lốc ngoại giao

Mức độ leo thang căng thẳng trong quan hệ Nga-phương Tây hiện nay càng làm hai cựu địch thủ thời Chiến tranh Lạnh thêm lún sâu vào trạng thái “đối đầu trường kỳ” liên quan vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh.

Bên cạnh đó, chuyến thăm bất ngờ của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc và tình hình căng thẳng giữa Palestine và Israel là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.

1. Nga-phương Tây leo thang căng thẳng ngoại giao

“Cuộc chiến ngoại giao” giữa Nga với các nước phương Tây xung quanh vụ cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở thị trấn Salisbury (Anh) đang tiếp diễn và ngày càng tăng độ nghiêm trọng.

Việc Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc trên mà không đưa ra bằng chứng nào, song lại được Mỹ, Canada, Australia cùng 23 nước châu Âu, và cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng loạt hưởng ứng bằng cuộc “trục xuất tập thể” các nhà ngoại giao Nga, đã bị Moscow coi là hành động thù địch có chủ ý nhằm vào nhân dân Nga, là âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của nước Nga.

adfsa
Phóng viên vây quanh Đại sứ Anh tại Nga Laurie Bristow sau khi ông rời trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow (Nga) ngày 30-3. Ảnh: Reuters

Sau nhiều ngày giữ yên lặng, tối 30-3 Nga bắt đầu vào cuộc trả đũa sòng phẳng, tuyên bố trục xuất 150 nhà ngoại giao các nước, trong đó có 60 nhà ngoại giao Mỹ. Trên thực tế thì hành động đáp trả theo nguyên tắc “ăn miếng trả miếng” của Nga lần này cũng đã được dự báo trước và không gây bất ngờ.

Bộ Ngoại giao Nga thông báo Anh có một tháng để cắt giảm nhân viên ngoại giao của mình tại Nga cho bằng số nhân viên ngoại giao Nga tại Anh, đồng thời triệu tập Đại sứ Anh tại Nga Laurie Bristow đến trao công hàm phản đối việc Anh cáo buộc Nga là thủ phạm vụ đầu độc cũng như có hàng loạt bước đi công kích Nga về mặt ngoại giao.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga còn triệu tập hàng loạt đại sứ các nước châu Âu đã có hành động không thân thiện với Nga nhằm thể hiện sự thống nhất với Anh liên quan vụ đầu độc.

Vụ đầu độc trên đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi và đẩy căng thẳng ngoại giao Nga-phương Tây leo thang không ngừng. Có thể nói cuộc “Chiến tranh Lạnh” kiểu mới đang nóng lên từng ngày này được xem là bước thụt lùi đáng kể trong nỗ lực tạo dựng lòng tin giữa Nga và phương Tây. Cải thiện mối quan hệ giữa Nga-phương Tây hiện nay là nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, nhưng hết sức cần thiết nhằm đưa quan hệ hai bên xa khỏi vòng xoáy đối đầu nguy hiểm.

2. Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc

Không phải ngẫu nhiên mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức năm 2011.

Báo chí Trung Quốc đưa tin với chuyến thăm này, ông Kim Jong-un muốn khẳng định lại mong muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, lặp lại lời cam kết về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

dfd
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chuyến thăm không chính thức này đã được ca ngợi đã đóng góp tích cực vào tình hữu nghị giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Các chuyên gia nhận định sau chuyến thăm, có thể Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực với các biện pháp trừng phạt nhắm vào Triều Tiên, tạo cho ông Kim Jong-un vị thế mạnh hơn đáng kể trước khi bước vào các cuộc hội đàm thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ.

Đây cũng là một bước đi khôn ngoan của Triều Tiên. Bằng cách hàn gắn quan hệ với Trung Quốc, ông Kim Jong-un có thể cố gắng đảm bảo rằng nếu đàm phán với Mỹ thất bại trong việc phi hạt nhân hóa, Bình Nhưỡng có thể trở lại mối quan hệ truyền thống với Bắc Kinh.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm hơn 90% khối lượng thương mại của Bình Nhưỡng, và là nhà cung cấp năng lượng và nhiên liệu chính. Vì vậy, theo giới chuyên gia, ngoài việc tiếp tục chương trình hạt nhân, giờ đây, Bình Nhưỡng còn thể hiện sự nhạy bén ngoại giao, biết tính toán các bước đi ngoại giao khôn ngoan hơn.

3. Mỹ dự định rút quân khỏi Syria

Trong một bài diễn văn tại tiểu bang Ohio diễn ra vào ngày 29-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ sớm rút quân khỏi Syria vì tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thất bại hoàn toàn.

erwer
Các tay súng người Kurd thuộc lực lượng YPG thảo luận với binh sĩ của quân đội Mỹ ở thị trấn Darbasiya gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: trtworld.com

Tổng thống Trump không nói rõ thời điểm nào quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Syria và ai sẽ là người "lo liệu" cho Chính phủ của Tổng thống Assad - người luôn bị chính quyền Washington cáo buộc "không sẵn sàng hoặc không thể chống lại" khủng bố, sau đó là cáo buộc hỗ trợ khủng bố, sản xuất vũ khí hóa học để tấn công dân thường và các lực lượng dân chủ đối lập.

Hiện nay có khoảng 2.000 binh lính Mỹ tại Syria đang chiến đấu cùng Lực lượng Dân chủ Syria để thu hồi những khu vực bị IS chiếm đóng, trong đó bao gồm cả thành phố Raqqa, nơi bị IS xem là thành trì quan trọng.

Thực tế là Mỹ đã dành nhiều tiền và cả thời gian vào cuộc chiến ở Syria mà không thu lại được kết quả như ý. Ông Trump từng gọi việc Mỹ triển khai quân sự ở Syria là một sai lầm và đã tốn nhiều công sức để thực hiện theo lời các cố vấn quân sự trong việc tìm cách hợp thức hóa cuộc chiến ở quốc gia này.

4. Binh sĩ Israel đụng độ người biểu tình Palestine

Ít nhất 14 người Palestine và ít nhất là 1.416 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ bạo lực đang diễn ra giữa hàng nghìn người Palestine và các binh sĩ Israel. Đây được coi là ngày thương vong lớn nhất ở Gaza kể từ mùa thu năm ngoái.

sdfsd
Người biểu tình tham gia buổi cầu nguyện ngày Thứ sáu tại Dải Gaza ngày 30-3. Ảnh: TTXVN

Những cuộc đụng độ bùng phát vào sáng cùng ngày khi các binh sĩ Israel đóng tại khu vực biên giới bắn hơi cay nhằm giải tán hàng trăm người Palestine tìm cách tiếp cận hàng rào an ninh nhân dịp kỷ niệm 42 năm "Ngày Đất đai". Những người biểu tình đã ném đá vào các binh sĩ này.

Quân đội Israel đã ban bố tình trạng báo động và tăng cường lực lượng gần hàng rào biên giới với dải Gaza, đồng thời tuyên bố không nhân nhượng nếu hàng rào an ninh bị phá trong thời gian diễn ra biểu tình, và nêu rõ trong trường hợp tính mạng bị đe dọa, lực lượng này được phép nổ súng.

Cuộc biểu tình quy mô lớn gần hàng rào biên giới Israel này đánh dấu sự khởi đầu của các cuộc biểu tình được lên kế hoạch từ trước kéo dài hơn 6 tuần, cho tới dịp khánh thành Đại sứ quán Mỹ mới tại Jerusalem có khả năng diễn ra vào ngày 14-5.

5. Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị nối lại tập trận chung

Vào cuối tuần này, hàng trăm nghìn binh lính Mỹ và Hàn Quốc sẽ tham gia vào cuộc trận chung thường niên mang tên “Đại bàng non” trên bán đảo Triều Tiên bất chấp việc Triều Tiên đã từng đưa ra lời cảnh báo rằng “hành động này sẽ hủy hoại đến những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng vừa mới được nhen nhóm giữa hai miền Triều Tiên”.

Theo truyền thống từ các năm nước, cuộc tập trận “Đại bàng non” sẽ kéo dài hai tháng. Tuy nhiên, vào năm nay, Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định thu hẹp quy mô của cuộc tập trận này xuống còn 1 tháng – trong một nỗ lực được nhìn nhận là nhằm tránh gia tăng căng thẳng với Bình Nhưỡng.

asa
Hình ảnh một cuộc tập trận chung "Đại bàng non" giữa Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Ngoài kế hoạch tổ chức cuộc tập trận “Đại bàng non” vào ngày 1-4, Mỹ và Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ tiến hành cuộc tập trận thường niên “Giải pháp then chốt” với các tình huống giả định trên máy tính từ trung tuần tháng 4 và sẽ kéo dài trong 2 tuần.

Sau khi trải qua năm 2017 với những diễn biến căng thẳng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã có dấu hiệu tạm lắng kể từ sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ bày tỏ thiện chí giải quyết bất đồng với Hàn Quốc trong thông điệp đầu năm mới, mở màn cho một loạt động thái hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Diễn biến này đã khích lệ Triều Tiên tham gia vào sự kiện thể thao này trong một động thái hiếm hoi thể hiện tình đoàn kết với Hàn Quốc. Chưa dừng lại ở đó, các nhà ngoại giao của Triều Tiên và Hàn Quốc cũng gặp gỡ ở nhiều cấp độ nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ liên Triều.

6. Thái Lan hủy bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị vào tháng 6

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon cho biết lệnh cấm hoạt động chính trị áp đặt từ sau cuộc đảo chính tháng 5-2014 sẽ được dỡ bỏ vào tháng 6 tới đây.

sadas
Một người biểu tình phản đối tập đoàn quân sự, kêu gọi bầu cử tự do, Bangkok, ngày 24-3-2018. Ảnh: wsj.com

Tại cuộc họp do Ủy ban Bầu cử (EC) tổ chức hôm trước đó, ông Prawit Wongsuwon đã đề nghị sớm bãi bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị. Tuy nhiên, Hội đồng gìn giữ hòa bình (NCPO) cho biết, cần phải chờ các đảng chính trị mới thành lập có thời gian chuẩn bị ban đầu để cùng các đảng chính trị cũ tham gia tranh cử công bằng.

Thái Lan hiện có 69 chính đảng đăng ký hoạt động. Sau cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yinhluck Shinawatra, tất cả các hoạt động chính trị bị cấm tại Thái Lan. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, chính quyền quân sự Thái Lan quy định các đảng mới đăng ký tranh cử, sau đó mới được tổ chức họp, nhưng chỉ được phép thảo luận về các vấn đề quan trọng như đặt ra các điều lệ đảng.

Hiện chưa rõ thời điểm Thái Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử sau nhiều lần hoãn, song theo thông báo mới nhất của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành không muộn hơn tháng 2-2019.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.