Chủ Nhật, 11/10/2020, 09:22 (GMT+7)
.

Thế giới tuần qua: Thúc đẩy cam kết chiến lược

Ngoại trưởng “Bộ tứ kim cương” nhóm họp ở Nhật Bản, chia sẻ mục tiêu chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, những diễn biến trên chính trường Mỹ, xung đột tại Nagorny-Karabakh hay bạo loạn ở Kyrgyzstan… là những sự kiện chính trong dòng chảy thời sự quốc tế tuần qua.
 
1. Nhóm "Bộ tứ kim cương" nhóm họp lần thứ hai cam kết thúc đẩy mục tiêu chung
 
Diễn ra trong bối cảnh những thách thức và mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực đang nổi lên gay gắt, Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước nhóm Bộ tứ kim cương khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ. 
 
Tại cuộc họp diễn ra ngày 6-10, Ngoại trưởng bốn nước nhóm Bộ tứ kim cương gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ đã nhất trí tăng cường đoàn kết để thực hiện Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời tăng cường liên kết với nhiều nước khác. Các Ngoại trưởng cũng đồng thuận về việc tổ chức cuộc họp của nhóm này theo định kỳ thường niên. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao nhóm Bộ tứ cũng cam kết tiếp tục hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải; các vấn đề mạng và công nghệ quan trọng; khoáng sản quan trọng; chống khủng bố; hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Các Ngoại trưởng cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi của các chuỗi cung ứng trong khu vực; các hệ thống hỗ trợ mạng cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng. 
Hội nghị Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ kim cương diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 6-10. Ảnh: Reuters.
Hội nghị Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ kim cương diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 6-10. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Nhật Bản, Toshimitsu Motegi cho rằng, 4 nước nhóm Bộ tứ kim cương có chung mục đích tăng cường trật tự thế giới và khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở là tầm nhìn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu này. Ông Motegi cho biết, Tokyo mong muốn có thêm nhiều nước cùng tham gia để tầm nhìn này ngày càng được hiện thực hóa. 
 
Trong thông báo đưa ra đêm 6-10, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, Ngoại trưởng nhóm Bộ tứ kim cương cũng nhắc lại việc “các quốc gia không thể khẳng định các yêu sách hàng hải không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982)". Nhóm Bộ tứ cũng ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN và vai trò của ASEAN cũng như các cấu trúc do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao Đông Á; đồng thời nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác với các đối tác và thể chế khu vực, bao gồm cả tiểu vùng sông Mekong.
 
2. Covid-19 "tấn công" bộ máy chính quyền Mỹ
 
Sau 3 ngày điều trị khẩn cấp do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở lại làm việc tại Nhà Trắng ngày 6-10. Tuy nhiên, khi bầu cử tổng thống chỉ còn tính bằng tuần, việc ông chủ Nhà Trắng cùng nhiều quan chức chính phủ và quốc hội Mỹ trong vài ngày nay có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 đã đe dọa hoạt động bình thường của bộ máy chính quyền cũng như tính liên tục trong hoạt động chính trị ở xứ cờ hoa. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện trở lại ở Nhà Trắng ngày 5-10 sau khi xuất viện. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện trở lại ở Nhà Trắng ngày 5-10 sau khi xuất viện. Ảnh: Reuters.
Không chỉ những nhân vật thân cận với ông Trump như các cố vấn Hope Hicks và Nicholas Luna, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, cố vấn chiến dịch tranh cử và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, hai trợ lý Chad Gilmartin và Karoline Leavitt, quản lý chiến dịch tranh cử Bill Stepien và cựu cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway... dương tính với virus SARS-CoV-2, mà nhiều quan chức chính quyền, quốc hội từng tham dự sự kiện tổng thống chính thức thông báo đề cử bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao vào ngày 26-9, cũng được xác định đã mắc Covid-19.
 
Hoạt động của quốc hội Mỹ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngày 5-10, Thượng viện Mỹ phải tạm nghỉ 2 tuần vì lý do Tổng thống Donald Trump và 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều này đã làm cản trở các tiến trình đề xuất và thông qua nhiều dự luật quan trọng. Đảng Dân chủ thậm chí đã kêu gọi trì hoãn các phiên điều trần thông qua việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao. Chiến dịch tranh cử cũng chịu tác động khi cựu Phó tổng thống Biden tuyên bố sẽ không tham gia tranh luận vòng 2 nếu ông Trump chưa khỏi Covid-19.
 
3. Xung đột tại Nagorny-Karabakh: Armenia và Azerbaijan nhất trí ngừng bắn trên cơ sở nhân đạo
 
Ngày 10-10, sau cuộc đàm phán cấp cao diễn ra tại Nga, hai nước Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn trên cơ sở nhân đạo, đồng thời khởi động đàm phán hướng tới giải quyết xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh. 
Vỏ đạn pháo chất thành đống tại một vị trí triển khai pháo binh của quân đội Armenia. Ảnh: Reuters.
Vỏ đạn pháo chất thành đống tại một vị trí triển khai pháo binh của quân đội Armenia. Ảnh: Reuters.
Trước đó, trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vấn đề Nagorny-Karabakh, nhưng sẽ không nhượng bộ Armenia. Ông lưu ý không có quốc gia nào khác có thể tác động đến ý chí của chính quyền Baku trong cuộc xung đột này. Tổng thống Aliyev cũng cảnh báo Azerbaijan trao cho Armenia "cơ hội cuối cùng" để giải quyết hòa bình tranh chấp giữa hai bên tại Nagorny-Karabakh.
 
Về phần mình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố nước này sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán do quốc tế làm trung gian với Azerbaijan để giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước tại vùng lãnh thổ nói trên.
 
Trước đó một ngày, xung đột giữa các lực lượng Armenian và Azerbaijan vẫn diễn ra ác liệt tại khu vực Nagorny-Karabakh, bất chấp áp lực ngày càng tăng của lực lượng quốc tế. 
 
Văn phòng của Cao ủy LHQ về nhân quyền cho biết đã nhận được những báo cáo hiện chưa thể kiểm chứng về thông tin khoảng 53 dân thường, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh kể từ ngày 27-9 vừa qua. Đến nay, tổng cộng khoảng 400 người, trong đó có các binh sĩ, đã thiệt mạng trong khi hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
 
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.   
 
4. Bạo loạn ở Kyrgyzstan: Tái diễn “Cách mạng hoa Tulip”?
 
Ngày 9-10, bạo loạn đường phố tiếp diễn ở thủ đô Biskek của Kyrgyzstan, ngay sau khi Tổng thống Sooronbai Zeenbekov ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. 
Người biểu tình tại Kyrgyzstan. Ảnh: AP.
Người biểu tình tại Kyrgyzstan. Ảnh: AP.
Đụng độ đã xảy ra giữa hai nhóm ủng hộ các lực lượng chính trị khác nhau ở thủ đô Biskek khi nhiều người ném chai lọ và gạch đá về phía đối phương. Nhiều tiếng súng nổ cũng được nghe thấy. Trong khi đó, hãng tin RIA của Nga đưa tin cựu Tổng thống Kyrgyzstan, Almazbek Ambayev, đã thoát khỏi một âm mưu ám sát sau khi xe của ông bị nã đạn. 
 
Tổng thống Zeenbekov đã chỉ thị triển khai quân đội tại Bishkek để đảm bảo trật tự trị an và ngăn chặn các cuộc đối đầu vũ trang. Nhà lãnh đạo Kyrgyzstan cũng đã ký sắc lệnh thay thế Tổng Tham mưu trưởng quân đội, đồng thời phê chuẩn đơn từ chức của Thủ tướng Kubatbek Boronov và ký lệnh cách chức chính phủ. Biên giới Kyrgyzstan cũng đã được lệnh đóng cửa để đảm bảo an ninh.
 
Tình hình tại Kyrgyzstan trở nên hỗn loạn sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 4-10, với chiến thắng thuộc về các đảng thân chính quyền. Tuy nhiên, những người phản đối kết quả bầu cử cáo buộc có nhiều vi phạm trong bầu cử, dẫn tới bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực. Khoảng 2.000 người biểu tình đã tụ tập ở quảng trường trung tâm Al-Too ngày 5-10, yêu cầu hủy bỏ kết quả bầu cử và bỏ phiếu lại. Ngày 6-10, những người biểu tình đã xông vào một tòa nhà công quyền và chiếm giữ Quốc hội và Dinh Tổng thống. Ủy ban Bầu cử trung ương Kyrgyzstan đã quyết định hủy kết quả bầu cử quốc hội.
 
Hiện Kyrgyzstan đang tồn tại một khoảng trống quyền lực. Nhiều nhà phân tích lo ngại, kịch bản 2005 và 2010 có thể tái diễn và khiến quốc gia Trung Á này một lần nữa rơi vào thời kỳ chính trị khó khăn.
 
5. Tội phạm mạng liên quan tới Covid-19 gia tăng ở châu Âu 
 
Ngày 5-10, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết tội phạm công nghệ cao đã lợi dụng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 để thực hiện các vụ lừa đảo và phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em trên mạng ở khắp châu Âu.  
Các vụ tấn công bằng mã độc có chiều hướng gia tăng. Ảnh minh họa. Nguồn: europol.europa.eu.
Các vụ tấn công bằng mã độc có chiều hướng gia tăng. Ảnh minh họa. Nguồn: europol.europa.eu.
Theo đó, tin tặc chuyển hướng nhắm tới những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19 để chào bán những mặt hàng được quảng cáo là có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi căn bệnh này. Các vụ tấn công bằng mã độc cũng có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cùng nhiều thủ đoạn tinh vi khác như lên kế hoạch theo dõi các mục tiêu, đánh cắp dữ liệu và sau đó đe dọa bán đấu giá các dữ liệu này hòng tống tiền nạn nhân. 
 
Cũng theo Europol, các biện pháp phong tỏa trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 cũng liên quan tới nạn lạm dụng tình dục trẻ em, thường là thông qua các diễn đàn trên "web đen" - nơi mà các cá nhân có thể truy cập bằng cách ghi lại hình ảnh lạm dụng trẻ em và đăng tải lên mạng.
 
Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU), Ylva Johansson, nhận định các băng nhóm tội phạm có tổ chức thường lợi dụng những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người mới thất nghiệp và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để thực hiện hành vi phạm tội trên mạng.
 
6. Giải Nobel 2020: Khẳng định tầm quan trọng của khoa học
 
Như thường lệ, vào tháng 10 hằng năm, giải Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong nhiều lĩnh vực sẽ lần lượt được công bố. 
Hai nhà khoa học nhận giải Nobel Hóa học năm 2020. Nguồn: nobelprize.org.
Hai nhà khoa học nhận giải Nobel Hóa học năm 2020. Nguồn: nobelprize.org.
Ngày 5-10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y học năm 2020 thuộc về 3 nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M.Rice với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.
 
Trong lĩnh vực Vật lý, ba nhà khoa học Roger Penrose (Anh), Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) đã được vinh danh với những nghiên cứu liên quan hố đen. Giải Nobel Hóa học thuộc về hai nhà hóa học nữ là Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer A. Doudna (Mỹ), với công trình phát triển phương pháp chỉnh sửa gene.
 
Nhà thơ Louise Gluck, người Mỹ, là chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học năm 2020 nhờ giọng thơ mang bản sắc riêng, không thể nhầm lẫn, với vẻ đẹp đơn sơ, khắc khổ, khiến sự tồn tại của cá nhân trở nên phổ biến. 
 
Trong khi đó, giải Nobel Hòa bình 2020 thuộc về Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc vì những nỗ lực trong việc đối phó nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực trên toàn cầu.
 
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ trao giải thưởng Nobel năm nay sẽ được tổ chức qua truyền hình. Mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD), tăng thêm 1 triệu krona so với năm ngoái. Giải thưởng sẽ được chia đều, nếu có nhiều hơn một người được vinh danh. 
 
(Theo qdnd.vn)
.
.
.