Thứ Sáu, 26/06/2020, 18:29 (GMT+7)
.

Trong khó khăn vẫn có nhiều điểm sáng

(ABO) Hạn, mặn và dịch Covid-19 là các nhân tố được nhắc đi nhắc lại trong bức tranh chung về kinh tế - xã hội của cả nước. Bởi đây là các nhân tố tác động lớn đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng. Thế nhưng, trong những gam màu xám đó, Tiền Giang cũng có nhiều điểm sáng.

Nhìn từ thực tiễn, tình hình xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm 2020 diễn biến phức tạp, độ mặn trên các sông tăng cao đột biến, xâm nhập mặn sớm hơn so cùng kỳ, lấn sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ đông xuân của vùng Dự án Gò Công và vườn cây ăn trái của các huyện phía Tây Tiền Giang.

Chưa kể, do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số nông sản bị ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc tiêu thụ khó khăn, giá các sản phẩm trái cây phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu như: Sầu riêng, mít, thanh long ruột đỏ... thấp hơn 12.000 - 21.000 đồng/kg so với cùng kỳ; giá cá tra nguyên liệu hiện chỉ dao động từ 17.500 - 19.000 đồng/kg (thấp hơn giá thành từ 1.000 - 4.500 đồng/kg và thấp hơn cùng kỳ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg)...

Điều này dẫn đến thực tế là khu vực nông, lâm, ngư nghiệp của Tiền Giang bằng 94,5% (tăng trưởng âm 5,5%, cùng kỳ tăng 2,9%).

Dịch Covid-19 cũng là một trong những nhân tố tác động mạnh đến lĩnh vực dịch vụ trong những tháng đầu năm 2020 của Tiền Giang. Theo đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước chỉ đạt 29.000 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ và đạt hơn 42% so với kế hoạch.

Tổng lượt khách du lịch của Tiền Giang cũng chỉ đạt hơn 472 ngàn lượt khách, giảm hơn 53% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm hơn 11%, trong đó doanh thu vận tải hàng hóa giảm 7,7% so cùng kỳ. Chưa kể, kim ngạch xuất khẩu giảm khá lớn, ước chỉ đạt được 1,22 tỷ USD, giảm hơn 15% và chỉ đạt 36% kế hoạch năm.

Đó là những con số để có thể minh chứng rằng, việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế của Tiền Giang trong những tháng đầu năm 2020 có phần khó khăn. Đây cũng là bức tranh chung của các tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, trong bức tranh đó, kinh tế - xã hội của Tiền Giang cũng có rất nhiều điểm sáng.

Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp và tình hình dịch bệnh Covid-19 ngay trong các tháng đầu năm 2020, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, với các giải pháp phù hợp, đồng bộ cùng với tinh thần triển khai quyết liệt, chủ động kịp thời của cả hệ thống chính trị, kể cả chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020 sau khi khống chế dịch bệnh Covid-19 nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh...

Chính nhờ những giải pháp đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, một số lĩnh vực tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, như: Sản xuất công nghiệp, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (kể cả quy mô doanh nghiệp), lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, đặc biệt là chủ động, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, không xảy ra ca bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng với cả nước khống chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Bằng chứng rõ nét nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tăng 1,3% so cùng kỳ; toàn tỉnh có 350 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 3.000 tỷ đồng, đạt gần 55% so với kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2020, tăng hơn 9% về số doanh nghiệp và tăng 77% về vốn đăng ký so cùng kỳ...

Nhìn một cách tổng thể, dù chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm của Tiền Giang chỉ bằng hơn 99% so với cùng kỳ nhưng với những gì mà Tiền Giang đạt được đã cho thấy, những nỗ lực và quyết tâm vượt qua khó khăn của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương… đã mang lại kết quả.

A.P

.
.
.