Thứ Sáu, 03/07/2020, 10:38 (GMT+7)
.

Hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, cần bài bản và sâu hơn nữa

Là người dân rời TP. Hồ Chí Minh về sống làm việc tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ hơn 40 năm nay, chúng tôi nhận thấy, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL luôn cần có nhau trong liên kết phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng giữa hai bên.

Du khách đi chơi chợ đêm tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim
Du khách đi chơi chợ đêm tại Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Câu chuyện tất yếu trong phát triển

13 tỉnh, thành ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp - thủy sản, an ninh quốc phòng trọng điểm của cả nước; gần đây đã chú trọng phát triển du lịch, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, khoa học kĩ thuật, tài chính ngân hàng, y tế và môi trường.

Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, Đại hội Đảng bộ 13 tỉnh, thành ĐBSCL chắc chắn sẽ đưa các nội dung này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình - trong mối liên kết với TP. Hồ Chí Minh.

Chỉ riêng sản phẩm nông - thủy của ĐBSCL, ngoài cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến, thực phẩm phục vụ hàng ngày cho thị trường hơn 10 triệu dân TP. Hồ Chí Minh, lâu nay gần 90% hàng xuất khẩu là phải đi qua các cảng tại TPHCM.

Trong lĩnh vực này, hơn 15 năm nay, với vai trò cầu nối của Sở Công Thương thành phố, đã có nhiều doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh liên kết hợp tác đầu tư về khoa học kĩ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh và phân phối với nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL.

Tới đây, các lĩnh vực khác về phát triển du lịch, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, khoa học kĩ thuật, tài chính ngân hàng, y tế, môi trường… càng cần được thực hiện thông qua mối liên kết giữa hai vùng.

Qua đây, TP. Hồ Chí Minh cũng mở thêm con đường kinh doanh với các nước vùng hạ lưu sông Mekong, qua hai cửa ngõ biên giới ở sông Tiền và sông Hậu.

TP. Cần Thơ, với vị trí và vai trò “trung tâm ĐBSCL”, “cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mekong” theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, đã và sẽ là đầu mối liên kết vùng với TP. Hồ Chí Minh trong tất cả các lĩnh vực kể trên.

Ngay lúc này, tại TP Cần Thơ, nhiều đơn vị có vai trò cấp vùng ĐBSCL về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, thương mại, dịch vụ; các doanh nghiệp kinh doanh liên quan tới du lịch, sân bay, bến cảng, khu chế xuất, tài chính, ngân hàng, siêu thị… đang thúc đẩy hoạt động liên kết sau đại dịch Covid-19.

Phần lớn các hoạt động này cũng đang được xúc tiến trong mối liên kết không thể thiếu giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL theo qui luật cung - cầu về thị trường của hai bên, với thế mạnh riêng bổ sung cho nhau trong liên kết.

Trong đó, thế mạnh liên kết về khoa học công nghệ mới, công nghệ cao, bao gồm cả nguồn nhân lực chất lượng cao là từ TP. Hồ Chí Minh và thế mạnh liên kết về nguồn nguyên liệu nông thủy sản, nguồn lao động phổ thông, thị trường du lịch nội địa… là từ ĐBSCL.

Ngay cả trong vấn đề thông tin - truyền thông, hiện nay, sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, TP Cần Thơ là nơi có trên 60 cơ quan đại diện báo chí vùng ĐBSCL của nước; trong đó, hầu như các cơ quan báo chí của TP. Hồ Chí Minh đều có mặt ở Cần Thơ.

Tóm lại, hợp tác và liên kết vùng giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL là câu chuyện tất yếu trong phát triển.

Vẫn là liên kết vùng

Du khách TP. Hồ Chí Minh đi chơi chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Huỳnh Kim
Du khách TP. Hồ Chí Minh đi chơi chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Huỳnh Kim

Tôi xin dẫn một thí dụ cụ thể trong lĩnh vực du lịch. Tháng 12-2019, tại tỉnh Bạc Liêu, một hội nghị hợp tác phát triển du lịch đã diễn ra và “Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL” đã được ký kết, do ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí Thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đồng chủ trì với lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Sáu tháng qua, từ thực tế hợp tác chủ yếu là để phòng chống đại dịch Covid-19, thì đầu tháng 7 này, lãnh đạo hai bên sẽ họp tại Cần Thơ để bàn việc thúc đẩy hợp tác du lịch sau đại dịch này. Đây là việc mà phần lớn các doanh nghiệp du lịch và du khách của hai vùng đang hết sức quan tâm.

Trong khuôn khổ hợp tác này, ngày 4-7-2020, sẽ ra mắt “Hội đồng Liên kết phát triển du lịch vùng TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL”. Theo đó, hai bên sẽ chú trọng hơn các nội dung cần thiết cho phát triển du lịch ĐBSCL. Trong đó có việc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lí nhà nước về du lịch và cả cho nông dân làm du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL; quản lí, điều hành các khách sạn nhỏ, homestay; xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch cho doanh nghiệp du lịch…

Từ những thực tế nêu trên, chúng tôi đề xuất, trong nhiệm kỳ tới, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần sớm hình thành một Trung tâm liên kết về phát triển kinh tế - xã hội vùng TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, đóng tại TP Cần Thơ.

Trung tâm này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả, chính quy, bài bản hơn các kế hoạch, chương trình liên kết theo chủ trương chung giữa hai bên.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.