Thứ Hai, 19/07/2021, 11:42 (GMT+7)
.

Hãy thôi câu view!

(ABO) Trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch thì mới đây trên mạng xã hội lại tràn lan hình ảnh xác chết ở Indonesia nhưng bị một số tài khoản Facebook tung tin đây là hình ảnh xác chết bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Điều này cũng đã được Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) xác nhận đây là thông tin giả mạo.

Cách đây không lâu, đời sống văn hóa trong nước “nóng” với chuyện rất nhiều phụ huynh bức xúc trước YouTuber T.N đăng tải một đoạn video dài gần 1 phút trên TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi có nội dung về việc “xin vía” học giỏi cho các em học sinh. YouTuber này sản xuất các video vốn hướng đến đối tượng người xem là trẻ nhỏ và luôn thu hút được lượt xem “khủng”.

mạng xã hội là ảo
Mạng xã hội là ảo nhưng chế tài xử phạt là thật.

Kết quả, đoạn clip này đã bị cộng đồng mạng phản đối dữ dội, kêu gọi tẩy chay clip cũng như YouTuber này… và cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xác định nội dung clip của YouTuber T.N có dấu hiệu vi phạm truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan và yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Không đâu xa, câu chuyện chủ tài khoản Facebook V.T.T.H. vừa bị xử phát 7,5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trong giai đoạn dịch Covid-19 đang bùng phát, một lần nữa lại dấy lên tình trạng tin giả đã và đang xuất hiện không ít trên mạng xã hội.

Thật ra, nếu theo dõi kỹ thông tin trên điễn đàn các mạng xã hội, nhất là những thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”, bên cạnh những thông tin hay, hấp dẫn, hướng đến cái đẹp, cũng có không ít thông tin mang tính “xấu xí”, giả mạo hay còn gọi là Fake News.

Họ vì mục đích lợi ích cá nhân hay vì những yếu tố nào khác mà cố tình làm sai lệch bản chất của sự việc, thổi phòng, biến tướng thông tin và kể cả yếu tố bịa đặt. Đôi khi mục đích cuối cùng đơn giản cũng chỉ để câu view, để được nhiều người xem, bình luận hay chia sẻ. Đó là điều thật sự đáng trách trước khi bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo pháp luật, tùy từng mức độ vi phạm.

Trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, những thông tin liên quan đến dịch bệnh mang tính bịa đặt được chia sẻ trên diễn đàn các mạng xã hội vừa qua đã tạo nên mối lo thật đối với người dân. Đó là điều rất nguy hiểm, bởi trên thực tế theo các con số thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông gần đây, số lượng người dùng các mạng xã hội Việt hiện đạt mức 73 triệu người, đứng đầu là Zalo với gần 52 triệu người dùng tại thị trường Việt, tiếp đến là các mạng xã hội khác.

Chưa kể, hiện tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng Internet chiếm khoảng 60% dân số, trong khi đó tỷ lệ người dùng Facebook tại Việt Nam cũng đã tương ứng với mức này. Điều này cho thấy, chỉ cần một thông tin mới được đẩy lên mạng xã hội, sức lan tỏa khủng khiếp đến mức nào.

Nếu nhìn góc độ pháp lý, lời khuyên được đưa ra là, chớ đem mạng xã hội ra làm trò đùa, bởi những phát ngôn bừa bãi đều có thể bị xử phạt. Nên nhớ rằng, mạng xã hội là ảo nhưng chế tài xử phạt thì là “thật”. Vì thế, hơn bao giờ hết, hãy sống có trách nhiệm và hiểu biết pháp luật. Đó là những lời khuyên cũng như cảnh báo được đưa ra, xem là bổ ích đối với những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội hiện nay.

N.T

.
.
.