Thứ Hai, 09/09/2019, 21:03 (GMT+7)
.

Chuyện về người người "gác cổng" dịch bệnh

Nếu hệ điều trị chữa khỏi bệnh cho từng cá thể thì hệ dự phòng làm công tác phòng bệnh cho cả cộng đồng. Đây là trọng trách to lớn, vất vả và nguy hiểm. Thầy thuốc Ưu tú Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là bác sĩ (BS) đã có hơn 37 năm cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đối với ngành Y tế, BS Ngạn là tấm gương mẫu mực của người thầy thuốc tận tụy. Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, BS Ngạn là tấm gương tiêu biểu thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu”.

BS Ngạn (đứng bìa phải) giám sát dịch bệnh tại huyện Cai Lậy.
BS Ngạn (đứng bìa phải) giám sát dịch bệnh tại huyện Cai Lậy.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Tiền Giang vào năm 1982, BS Ngạn được phân công về công tác ở huyện Chợ Gạo. Đến năm 1985, BS Ngạn lên đường nhập ngũ làm việc trong đội ngũ quân y thuộc Tiểu đoàn Ấp Bắc phục vụ trên đất nước bạn Campuchia. Năm 1989, sau khi xuất ngũ, BS Ngạn về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho đến nay.

Mang trong mình cái tâm của người thầy thuốc được đào tạo từ trường y và sự kiên cường của anh Bộ đội Cụ Hồ, BS Ngạn đã không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ nhằm phục vụ cộng đồng. Hiện tại, BS Ngạn đã hoàn thành chương trình đào tạo BS chuyên khoa II.

BS Ngạn cho rằng: “Có ít người hiểu hết những khó khăn thầm lặng mà những cán bộ y tế dự phòng đang ngày đêm đối mặt, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra. Khi đó, bản thân tôi cũng như những cán bộ y tế dự phòng phải tiên phong xông vào ổ dịch để giám sát, khống chế, khoanh vùng, lấy mẫu để xử lý ổ dịch kịp thời. Dù vất vả, hiểm nguy nhưng tôi cũng như đội ngũ y, BS dự phòng vẫn làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhằm hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Đây được xem là nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc”.

Không chỉ tiên phong vào vùng dịch bệnh trực tiếp tham gia công tác dập dịch, phòng, chống dịch bệnh, BS Ngạn còn là người có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đóng góp cho ngành Y tế dự phòng.

Cụ thể như các đề tài: Đánh giá chỉ số tác động của chương trình phòng, chống các rối loạn do thiếu iốt; nghiên cứu mô hình bệnh tật và xu hướng lưu hành một số loại bệnh tật tại Tiền Giang; tình hình nhiễm vi rút viêm gan B và các yếu tố liên quan trên những đối tượng tiêm ngừa; đặc điểm dịch tễ bệnh tay chân miệng trên điạ bàn tỉnh Tiền Giang…

Các nghiên cứu khoa học của BS Ngạn được đánh giá cao và đã đưa vào ứng dụng phục vụ công tác dự phòng của tỉnh nhà.

Nói về công tác y tế dự phòng tỉnh nhà hiện nay, BS Ngạn trăn trở đầy trách nhiệm: “Đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng được ví như người “gác cổng” đối với dịch bệnh. Chỉ cần người “gác cổng” sơ sẩy một chút hoặc có năng lực hạn chế là các loại dịch bệnh sẽ có cơ hội bùng phát, tấn công cộng đồng ngay”.

Bs Ngạn cũng cho biết thêm, hiện nay thiếu hụt nguồn nhân lực là khó khăn chung của ngành Y tế, trong đó đối với hệ dự phòng thì sự thiếu hụt này càng nghiêm trọng hơn. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công tác y tế dự phòng. Hơn 20 năm qua, hệ y tế dự phòng của tỉnh tuyển không được BS chính quy.

Để có nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phải tự tạo nguồn cán bộ bằng cách tuyển nhân viên y tế có trình độ trung cấp, sau đó đưa đi đào tạo nâng cao chuyên môn. Năm 2012 là năm đầu tiên trung tâm tuyển được 3 cán bộ có trình độ đại học và sau đại học.

Tuy nhiên, đây cũng là những cán bộ trong ngành chuyển công tác đến chứ không phải là cán bộ tuyển mới. Hiện tại, chỉ trừ khoa Xét nghiệm của trung tâm là có cán bộ trẻ; còn lại tất cả các khoa, phòng khác và lãnh đạo trung tâm đều có tuổi đời trên 50. Do đó, ngành Y tế dự phòng phải đối mặt với những khó khăn do “hụt” nguồn cán bộ lãnh đạo kế thừa.

Công việc nhiều, môi trường làm việc nguy hiểm, độc hại, thu nhập không cao nhưng BS Ngạn vẫn gắn bó với ngành Y tế dự phòng hơn 37 năm qua. “Gắn bó với công tác dự phòng vì tình yêu công việc là phục vụ cộng đồng. Sau khi vật lộn dập dịch bệnh, khống chế dịch bệnh thành công, thì những y, BS làm công tác y tế dự phòng như tôi cảm thấy rất hạnh phúc và xem đó như một phần thưởng động viên, nỗ lực nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, niềm vui nữa là có thể chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức cho đội ngũ y, BS dự phòng kế thừa” - BS Ngạn chia sẻ.

Không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà BS Ngạn còn là tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành Y tế. BS Ngạn luôn vận dụng lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu” trong mọi nhiệm vụ, công tác chuyên môn của mình.

“Bác Hồ là tấm gương sáng để các thế hệ sau noi theo. Tôi kính yêu Bác Hồ không chỉ vì sự hy sinh, cống hiến cả đời cho quốc gia, dân tộc mà còn tôn kính Người ở cuộc sống giản dị. Tôi luôn soi rọi vào tấm gương Bác Hồ để nỗ lực sống tốt hơn, hoàn thiện bản thân qua từng công việc, hành động. Với  nghề y, lời Bác dạy vô cùng quý giá. Từng phút, từng giờ, người thầy thuốc phải đặt mình vào hoàn cảnh của người bệnh để cảm thông và chia sẻ. Có như vậy thầy thuốc mới hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Là người đảng viên cộng sản, tôi đã tuyên thệ trước Quốc kỳ, cờ Đảng và ảnh Bác nguyện cống hiến vì sự nghiệp chung của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, những cố gắng, đóng góp của tôi cho công việc “Gác cổng” dịch bệnh thời gian qua chỉ là thực hiện đúng những gì mình đã hứa” - BS Ngạn chia sẻ.

THỦY HÀ

.
.
Liên kết hữu ích
.