Thứ Năm, 17/10/2019, 17:21 (GMT+7)
.

Sốt xuất huyết đã giảm nhưng không được chủ quan

Mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở tuần 41 trên địa bàn tỉnh đã giảm so với những tuần trước nhưng tình hình SXH vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, mọi người đừng chủ quan mà phải luôn nêu cao ý thức diệt muỗi, diệt lăng quăng để tiêu diệt nguồn lây truyền bệnh SXH cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đặc biệt lưu ý khi có dấu hiệu bệnh SXH là phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Đồng chí Trần Văn Dũng chỉ đạo về công tác phòng, chống SXH tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh vào sáng 15-10.
Đồng chí Trần Văn Dũng chỉ đạo về công tác phòng, chống SXH tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh vào sáng 15-10.

CÓ 3 CA TỬ VONG

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) Tiền Giang, tại huyện Châu Thành vừa ghi nhận 1 ca tử vong do SXH. Bệnh nhân tử vong là 1 học sinh lớp 12 của Trường THPT Tân Hiệp. Khi phát hiện sốt, bệnh nhân tự mua thuốc uống, đến ngày thứ 4 thì bị sốc và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Châu Thành; sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang trong tình trạng sốc nặng, suy đa phủ tạng.

Mặc dù được tích cực điều trị nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Như vậy đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xảy ra 3 ca tử vong do SXH (1 ca ở TP. Mỹ Tho, 1 ca ở huyện Chợ Gạo và 1 ca ở huyện Châu Thành). Cả 3 ca tử vong đều đến bệnh viện khi bệnh đã diễn biến nặng.

 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh để kiểm tra công tác phòng, chống bệnh SXH vào sáng 15-10, Tỉnh ủy viên,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu các cơ quan truyền thông đại chúng trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa các nội dung về phòng, chống dịch bệnh SXH; ngành Giáo dục và Đào tạo, các hội, đoàn thể đẩy mạnh truyên truyền về phòng, chống SXH trong sinh viên, học sinh, cán bộ, hội viên, đoàn viên.

Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức và hành động của cộng đồng trong phòng, chống SXH. Bên cạnh đó, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh SXH của lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã. Ngành Y tế tích cực hơn nữa trong công tác dự phòng và điều trị.

Theo Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, thông thường xét theo độ tuổi thì số ca mắc SXH ở trẻ em nhập viện sẽ chiếm khoảng 70%, tức là trẻ em thường mắc bệnh SXH nhiều hơn người lớn.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, mô hình bệnh theo độ tuổi đã có sự thay đổi. Hiện nay, số người lớn mắc SXH nhập viện điều trị tại bệnh viện rất đông, chiếm trên 60%, thậm chí có thời điểm trên 70% bệnh nhân SXH là người lớn nhập viện điều trị.

Nguyên nhân chủ yếu của đa phần người mắc bệnh SXH là do chủ quan, lầm tưởng với sốt siêu vi nên người bệnh thường ở nhà điều trị khi thấy sốt cao; đồng thời, bệnh nhân SXH là người lớn thường nhập viện muộn hơn bệnh nhân là trẻ em. Bệnh nhân chỉ nhập viện sau 3 ngày sốt cao không hạ và có triệu chứng mệt mỏi nhiều. Do đó rất nguy hiểm trong trường hợp bệnh diễn biến nặng vì ngày thứ 4 tính từ thời gian khởi bệnh là thời điểm dễ xảy ra sốc.

Theo khuyến cáo của TS.BS Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, trong những ngày đầu vì chưa xác định chính xác biểu hiện sốt là do bệnh gì nên không được tự ý sử dụng các loại thuốc hạ sốt, nhất là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng.

Thay vào đó, có thể hạ sốt bằng cách cho người bệnh mặc đồ mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vắt khô và đắp vào trán, nách của người bệnh. Nếu phải dùng thuốc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không thực hiện cạo gió.

Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, tránh dùng thuốc hạ sốt dồn dập quá liều. Do bệnh nhân SXH thường biểu hiện sốt cao nên người nhà luôn tìm cách trị sốt bằng việc giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ em nhỏ. Tuy nhiên, bệnh SXH là do vi rút gây ra nên nhiệt độ hạ xong sẽ lại tiếp tục tăng cao.

Người bệnh nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng liều được chỉ định trong đơn thuốc của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục nhiều lần sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả các thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn đối với trẻ em.

Đặc biệt với vấn đề bù dịch, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị SXH vì có nguy cơ dẫn đến phù nề, suy hô hấp, sốc dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, nhiều người thường thấy sốt là mua kháng sinh sử dụng, nhưng đối với bệnh sốt do vi rút như SXH thì dùng kháng sinh sẽ không thể khỏi bệnh.

SỐ CA MẮC SXH GIẢM

Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII) Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm KSBT Tiền Giang cho biết, tính đến ngày 14-10, toàn tỉnh ghi nhận gần 4.500 ca mắc SXH, tăng 207% so với cùng kỳ năm 2018. Huyện Cái Bè vẫn là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất của tỉnh, với 901 ca, kế đến là huyện Châu Thành 778 ca và TP. Mỹ Tho 644 ca. Trong tuần 41, toàn tỉnh ghi nhận 220 ca mắc SXH, giảm 20 ca so với tuần 40 và giảm gần 70 ca so với tuần 39. Như vậy, tình hình SXH của tỉnh được ghi nhận liên tục giảm trong 4 tuần liên tiếp.

Báo cáo của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 14-10, 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam ghi nhận trên 130.300 ca mắc SXH, tăng 133% so với cùng kỳ năm 2018. Tiền Giang có tổng số ca mắc SXH cao đứng hàng thứ 8 và số ca mắc SXH/100.000 dân đứng hàng thứ 9 trong khu vực. Dù số ca mắc SXH trong tuần 40 của tỉnh đã giảm 33% so với tuần trước nhưng dự báo tình hình SXH có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong tháng 10 và  tháng 11, đặc biệt là sự xuất hiện những ca mắc SXH độ nặng.

Thời gian qua, hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dịch bệnh SXH của tuyến tỉnh, huyện thực hiện tốt. Tuy nhiên, tại tuyến xã, hệ thống chính quyền chưa thật sự vào cuộc và quan tâm phối hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

Ở một số địa bàn xã, ấp, chính quyền có tham gia nhưng không duy trì và thiếu kiểm tra, giám sát. Khi kiểm tra thực tế tại nhiều hộ gia đình thì đa số người dân có sự trông chờ vào hoạt động phun hóa chất diệt muỗi của ngành Y tế, chứ chưa chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát lăng quăng, diệt muỗi tại hộ gia đình cũng như xem nhẹ dịch bệnh SXH. Cá biệt, tại một số hộ, gia đình không hợp tác trong hoạt động kiểm tra lăng quăng ở dụng cụ chứa nước…

MAI HÀ

.
.
.