Thứ Năm, 12/11/2020, 17:49 (GMT+7)
.

Bé 3 tuổi chưa biết đi do bị trật khớp háng bẩm sinh

(ABO) Nguyễn Thu T., 3 tuổi, nhà ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được mẹ bế đến cơ sở y tế khám vì bé vẫn chưa biết đi. Mẹ cho biết bé là con đầu lòng, sinh mổ, đủ tháng. Cháu vẫn phát triển bình thường, nhưng chậm vận động hơn các bé khác, thôi nôi mới biết ngồi, hai tuổi mới biết lếch, và nhất là từ nhỏ đến giờ chưa từng bước đi được bước nào, bé đứng chựng vài giây rồi ngồi bệt xuống đất và... lếch!

Cháu nói và giao tiếp bình thường như các bé khác. Ba mẹ đưa bé đi khám khắp nơi, hầu hết các bệnh viện đều cho bé khám chuyên khoa thần kinh vì nghĩ rằng em bị chậm phát triển ở não nên chưa thể đi được. Mẹ bé chờ mỏi mòn, cho bé ăn uống đủ chất dinh dưỡng cầu may cháu sẽ khá hơn, vậy mà cháu vẫn không đi được. Không chấp nhận bé tàn tật suốt đời, nên mẹ đưa cháu đi khám tiếp các nơi, ai chỉ đâu thì cố gắng đi tới đó, đông, tây y đủ cả.

Bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu khám bé tỉ mỉ từ đầu tới gót chân, khi bác sĩ duỗi hai chân bé thẳng ra thì nghe tiếng lách cách ở khớp háng, nhìn hai chân thì thấy chân trái ngắn hơn chân phải. Bác sĩ nói với bà mẹ: “Bệnh này trị được!”. Người mẹ nghe bác sĩ nói chợt trào nước mắt, không nói nên lời.

Bác sĩ giải thích thêm, đây là bệnh trật khớp háng bẩm sinh, bé không đi được là do khớp háng bị trật ra ngoài, chứ thần kinh của bé hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, do để quá lâu nên có thể phải mổ để đưa chỏm xương đùi vào đúng vị trí ổ khớp thì bé mới đi được. Nói rồi bác sĩ viết giấy chuyển đến bệnh viện chỉnh hình trẻ em ở tuyến trên để bé được điều trị đúng chuyên khoa.

Về chuyên môn, trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai khớp háng bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng. Tỷ lệ mắc dị tật này là 1/800 đến 1/1.000 trẻ sơ sinh, nữ nhiều hơn nam, nhất là ở các bé sinh ngược và sinh con so. Nguyên nhân có thể do đột biến nhiễm sắc thể, tư thế thai nhi bất thường trong tử cung, mẹ bị nhiễm trùng bào thai...

Điều trị tốt nhất phải sớm trước 18 tháng tuổi, lúc đó chỉ cần đóng bỉm vệ sinh, dùng tả gấp dày, cõng hoặc địu trẻ, ngủ nằm sấp, để giúp chỏm xương đùi vào ổ khớp, kết hợp với bó bột, bài tập vận động, nẹp chỉnh hình, các kỹ thuật trên điều trị thành công đến 95% trường hợp trật khớp háng bẩm sinh. Khi để quá lâu trên 18 tháng, thì phải phẫu thuật chỉnh hình như tạo hình ổ cối, sửa trục cổ - chỏm xương đùi mới hy vọng bé đi lại được.

Hiện nay chưa có cách phòng ngừa dị tật này. Để nhận biết sơm dị tật trật khớp háng bẩm sinh, bà con cần chú ý hai dấu hiệu sau: Khi bồng, bế bé lên nghe thấy tiếng lọc cọc ở khám háng khi chỏm xương đùi chạm vào xương vùng chậu; hai chân bé không đều nhau, một chân dài, một chân ngắn, khi gấp đầu gối lên cũng vậy, một đầu gối bên này cao hơn đầu gối bên kia.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 


 

.
.
.