Thứ Tư, 13/01/2021, 11:37 (GMT+7)
.

Mồ hôi của các y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch

Từ tháng 3-2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp lây nhiễm trên người ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, tại Việt Nam xuất hiện ca nhiễm chéo trong cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành.

Cùng thời điểm này, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định trưng dụng Phòng khám Quân dân y tỉnh Tiền Giang tại ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành để thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 (Bệnh viện dã chiến) với quy mô 50 giường bệnh.

NHANH CHÓNG THÍCH ỨNG

Theo đó, Phòng khám Quân dân y tỉnh Tiền Giang được tỉnh nhanh chóng cải tạo tiện nghi, phù hợp với một Bệnh viện dã chiến với chức năng điều trị cách ly, đầu tư trang bị hệ thống thiết bị, máy móc cận lâm sàng khá đầy đủ như: Máy xét nghiệm sinh hóa máu tự động; máy xét nghiệm huyết học 22 thông số; máy chụp X quang di động; máy rửa phim tự động; máy siêu âm màu; máy đo điện tim 6 kênh; máy giúp thở chức năng cao… để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân.

Bệnh nhân Covid-19 thứ 2 (giữa) được  điều trị khỏi bệnh vui mừng trong  ngày chia tay nhân viên bệnh viện.
Bệnh nhân Covid-19 thứ 2 (giữa) được điều trị khỏi bệnh vui mừng trong ngày chia tay nhân viên bệnh viện.

Hôm chúng tôi đến, Bệnh viện dã chiến đang điều trị cho  bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh từ Đài Loan và theo dõi sức khỏe 8 ca F1 của bệnh nhân này.  Đây là ca nhiễm Covid-19 thứ 3 được bệnh viện tiếp nhận và điều trị từ đầu mùa dịch đến nay. Mỗi ngày các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở bệnh viện dã chiến phải theo dõi chăm sóc bệnh nhân 24/24, từ điều trị bệnh đến lo ăn uống, vệ sinh khu vực điều trị cách ly… Mặc dù công việc vất vả và nguy hiểm nhưng những “chiến sĩ áo trắng” vẫn kiên trì vì trách nhiệm chăm sóc sức khỏe bệnh nhân.

Thạc sĩ - Bác sĩ Đỗ Quang Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện dã chiến cho biết, bệnh viện được thành lập với chức năng tổ chức  thu dung, cách ly, theo dõi và điều trị người nghi ngờ, người nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Có nhiệm vụ khám sàng lọc và điều trị cho những người nhiễm, nghi ngờ nhiễm Covid-19 đối với những người bệnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Bệnh viện gồm 3 khu chính, trong đó khu nhà 2 tầng dùng để cách ly điều trị bệnh nhân. Bệnh nhân được bố trí tại tầng trệt, các ca F1 được bố trí mỗi người 1 phòng ở tầng trên. Bệnh viện còn có 2 khu nhà khác bố trí khu vực hành chính, phòng xét nghiệm, X quang, các phòng chức năng khác và phòng nghỉ của nhân viên y tế ngăn cách với các khu điều trị.

TẤT CẢ VÌ SỨC KHỎE BỆNH NHÂN

Bệnh viện có tổng số nhân viên y tế là 41 người được huy động từ 6 đơn vị bệnh viện trực thuộc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang. Mỗi ca trực 24 giờ có từ 8 đến 11 nhân viên y tế. Riêng công tác hậu cần do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang phân công đảm nhiệm và bảo vệ bệnh viện là lực lượng Công an.

Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ trong khu điều trị, các nhân viên y tế phải mang đồ bảo hộ, khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm vi rút. Theo bác sĩ Thành, khi vào ca trực chỉ chừng 15 phút là mồ hôi bắt đầu túa ra, ướt đẫm. Công việc đầu tiên của các bác sĩ khi bước qua cánh cửa có dòng chữ đỏ “khu vực cách ly đặc biệt” là bắt tay ngay vào việc thăm khám cho các bệnh nhân.

Điều trị Covid-19 theo triệu chứng, nên ngay khi chẩn đoán cho người bệnh, các bác sĩ phải kê thuốc ngay để điều dưỡng thực hiện y lệnh. Bệnh nhân ổn, phía trong cánh cửa cách ly dần bớt áp lực hơn nhưng khổ và vất vả nhất là các điều dưỡng, hộ lý. Bởi, mỗi ngày những điều dưỡng phải 2 lần vào chăm sóc và 3 lần mang thức ăn cho bệnh nhân, còn hộ lý thì phải lau dọn vệ sinh toàn bộ khu điều trị ít nhất 2 lần/ngày.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân là điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy được điều động đến làm việc tại Bệnh viện dã chiến. Chị Ngân đã có mặt và chăm sóc sức khỏe ngay từ bệnh nhân Covid-19 đầu tiên điều trị tại bệnh viện, cứ 3 ngày chị lại vào ca trực 1 ngày đêm.

“Khi được điều động đến bệnh viện, lúc đầu cũng lo lắng nhưng được Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và Bệnh viện dã chiến tập huấn về công tác bảo hộ phòng ngừa lây nhiễm chéo; đồng thời, được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân và nghĩ tới sức khỏe bệnh nhân thì sự lo lắng cũng giảm đi. Trong mỗi ca trực, khi tình hình sức khỏe bệnh nhân ổn, tôi vào khu cách ly 3 lần, vừa kiểm tra thân nhiệt, mạch, huyết áp của bệnh nhân vừa chuyển thức ăn đến cho bệnh nhân khi bộ phận hậu cần mang đến” - chị Ngân cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thúy Uyên, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện dã chiến cho rằng, nếu không phải mang đồ bảo hộ thì mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều, công việc sẽ không quá vất vả. Nhưng đây là điều trị cho bệnh nhân nguy cơ lây nhiễm cao nên mọi nhân viên bệnh viện đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt.

Bác sĩ Thành cho biết thêm: “Công việc nguy hiểm vì khả năng phơi nhiễm cao nhưng bù lại tại Bệnh viện dã chiến tình đồng nghiệp rất tuyệt vời, với tinh thần quyết tâm cao ai cũng muốn xốc vào công việc để chiến thắng dịch Covid-19.  Một lực lượng y tế chưa từng gặp nhau, nhưng khi phân thành những ê kíp thì làm việc rất nhịp nhàng vì mục tiêu chung là chống dịch và trên hết là sức khỏe bệnh nhân”.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn dài và chưa biết sẽ kết thúc vào thời điểm nào. Dù đến thời điểm này công tác kiểm soát dịch bệnh của tỉnh được thực hiện tốt và chưa có ca lây nhiễm cộng đồng nhưng nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh rất lớn.

Tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận 12 đợt cách ly với trên 2.800 công dân về từ nước ngoài và ghi nhận 3 ca công dân nhập cảnh nhiễm Covid-19. Chính thái độ làm việc tích cực, tinh thần phòng, chống dịch cao của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đã và đang góp phần vào thành công của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

THỦY HÀ - VĂN THẢO

.
.
.