Thứ Tư, 18/03/2015, 13:40 (GMT+7)
.

Thu Giang - Nguyễn Duy Cần: Từ chủ báo trở thành học giả

Nguyễn Duy Cần lúc trẻ.
Nguyễn Duy Cần lúc trẻ.

Nguyễn Duy Cần là một học giả nổi tiếng, hoạt động đa ngành và đa lĩnh vực. Ông là tác giả của hơn 30 quyển sách, chủ yếu là sách dịch và bình chú thuộc đề tài tư tưởng - triết học phương Đông, tiêu biểu là các quyển:

Trang Tử tinh hoa, Văn minh Đông phương và Tây phương, Phật học tinh hoa, Nhập môn triết học Đông phương, Tinh hoa Đạo học Đông phương, Thuật xử thế của người xưa, Cái cười của thánh nhân, Cái dũng của thánh nhân...

Ông xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, ngoài việc viết sách, đứng trên bục giảng, còn là một chủ bút có tài.

Ông sinh ngày 15-7-1907, tại làng Điều Hòa, tổng Thạnh Trị, TP. Mỹ Tho (nay là phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Được sinh ra và lớn lên bên bờ sông Mỹ Tho nên Nguyễn Duy Cần lấy bút hiệu là Thu Giang (tức sông Tho).

Ông là con trai của ông Nguyễn Văn Tâm, một người uyên thâm Hán học và là một trong những người được đào tạo Tây học khóa đầu tiên vào những năm 1885 - 1890.

Sau khi ra trường, ông Tâm làm thầy giáo rồi được phân công làm Đốc học kiêm Thanh tra giáo dục Mỹ Tho trong những năm 1910 đến 1920, sau đó được chính quyền thực dân phong hàm Đốc phủ sứ.

1. Năm 1937, ông Nguyễn Văn Tâm sáng lập ra Tạp chí Nay, giao cho con trai là Nguyễn Duy Cần làm chủ bút kiêm quản lý.

Lúc bấy giờ ở Mỹ Tho có nhiều tờ báo xuất bản tại địa phương, hầu hết dưới dạng tạp chí, có tờ ra định kỳ, có tờ ra không định kỳ và thường không kéo dài như: Chiêu Anh văn tập, gắn liền với hoạt động của Chiêu Anh thư quán, do một số thanh niên yêu nước ở Mỹ Tho thành lập năm 1929, xuất bản được 4 quyển và bị nhà cầm quyền tịch thu toàn bộ.

Đông phương tạp chí là tạp chí khảo cứu, truyền tin, sưu tầm tài liệu và văn chương, lịch sử, khoa học xã hội (Tòa soạn đặt tại số 21, đường Quai Galliéni, Mỹ Tho  - nay là đường Trưng Trắc, TP. Mỹ Tho).

Về văn chương có tờ Tiểu thuyết tuần san do ông Nguyễn Kim Thiều sáng lập và làm giám đốc (Tòa soạn đặt tại số 23, đường Le Myre de Vilers - nay là đường Lê Thị Phỉ, TP. Mỹ Tho), in ở Nhà in Đông Phương (Chợ Lớn), số 1 ra ngày 6-10-1938 và chỉ ra được có 2 số…

Tạp chí Nay do Nguyễn Duy Cần làm chủ bút.
Tạp chí Nay do Nguyễn Duy Cần làm chủ bút.

Tạp chí Nay của Nguyễn Duy Cần sống lâu hơn, ra được 15 số (số 1 ra ngày 1-6-1937 và số cuối cùng ngày 15-7-1938).

Ban đầu tòa soạn đặt ở đường Avenue d’Ariès (nay là đường Lê Lợi, TP. Mỹ Tho), sau chuyển về số 77, rue Pierre Fladin Saigon; in ở Nhà in My Khoan (Chợ Lớn) và Nhà in Đông Phương; khổ 240 x 155 mm, có 64 trang. 

Nay là một tạp chí văn chương, triết học, khoa học, y học, xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, mang tính chuyên nghiệp cao.

Báo thường xuyên có các bài luận thuyết về triết học của Thu Giang và nghiên cứu về văn học của Nguyễn Phi Oanh, về tâm lý học của Tùng Chi, về y lý Đông - Tây của Vũ Trang... và nhiều mục thường xuyên khác như: Học chữ Hán, Đạo đức kinh, Ẩm thực học, Tin Văn, Chuyện lặt vặt nên biết qua… Đặc biệt, mục Thời cuộc thế gian đăng tin tức quan trọng ở trong nước, Đông Dương và Âu Tây.

Tính chuyên nghiệp của Tạp chí Nay còn thể hiện ở công việc quản lý, kinh doanh tờ báo. Những thông tin như: Mandats, thơ từ mua báo cùng thương lượng quảng cáo, địa chỉ người quản lý xin gởi cho M. Nguyễn Tấn Xuân số 555, Avenue d’Arriès (Mytho)... cho thấy cách tiếp thị cũng khá linh hoạt.

Giá bán mỗi tờ báo là 0,20 đồng, thời giá năm 1937. Chưa biết khoản thu từ quảng cáo ra sao, song đây là một tạp chí địa phương có nhiều trang quảng cáo nhất: 6 trang, không kể các mục thông tin đăng xen vào chỗ trống cuối các bài viết. Tạp chí này có đại lý phát hành ở Cần Thơ, Phnom-Penh và tận Hà Nội, Phủ Lý…

Đối với cộng tác viên viết cho báo, cũng được quy định “Bản chí nhận cả bài nghị luận, văn chương, khảo cứu bằng Quốc văn hoặc Pháp văn dịch thuật… Bản chí không có lệ trả lại bản thảo. Các bài đăng báo, soạn giả ký tên chịu trách nhiệm”.

Về chế độ nhuận bút, báo cũng cho biết, trừ những bài các độc giả thân tín gởi tặng, còn lại tiền nhuận bút tòa soạn định trước là: Mỗi bài đại luận 5 đồng, mỗi bài tiểu luận 3 đồng; đồng thời cấm không được in lại hoặc phiên dịch những bài đã đăng của tạp chí, trừ khi có sự cho phép của chủ nhiệm.

Với bút hiệu Thu Giang, chủ bút Nguyễn Duy Cần viết khá nhiều cho tạp chí này. Ông có mặt thường xuyên ở mục triết học Đông - Tây và mục văn chương kim cổ. Những bài viết của ông chứng tỏ ông rất quan tâm đến văn học -  nghệ thuật nước nhà. Văn ông viết rất súc tích, mạch lạc, nhất là trong việc dịch, bình chú các tác phẩm.

2. Theo tài liệu của ông Nguyễn Hữu Trinh, Nguyễn Duy Cần bắt đầu viết sách từ năm 1931, với quyển triết học Toàn chân, đã gây một cuộc bút chiến sôi nổi trên Báo Mai. Từ đó ông tiếp tục cho xuất bản các quyển Thanh dạ văn chung (năm 1934), Duy tâm và Duy vật (năm 1935),  Cổ nhân (năm 1940)…

Bẳng đi một thời gian khá lâu, từ năm 1951 ông cho xuất bản hàng loạt tác phẩm: Cái dũng của thánh nhân, Óc sáng suốt (năm 1952); Thuật tư tưởng (năm 1953); Thuật xử thế của người xưa (năm 1954); Trang tử Tinh hoa (năm 1956); Văn minh Đông phương và Tây phương (năm 1957); Tôi tự học, Thuật yêu đương, Lão tử đạo đức kinh (năm 1960)… Lúc đang làm chủ bút Báo Tự Do (năm 1964), ông soạn quyển Triết học đại từ điển và Hán nguyên từ điển (28 ngàn chữ).

Nối chí cha, Nguyễn Duy Cần còn theo nghiệp nhà giáo, từng làm hiệu trưởng một trường trung học ở Sài Gòn, từng đứng trên bục giảng và kiêm Trưởng ban Triết Đông tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông tham gia nhiều Hội đồng Khoa học - Văn hóa - Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục của chính quyền Sài Gòn như: Hội đồng Điển chế văn tự, Hội đồng Kiến thiết Hàn lâm viện, Hội đồng Nghiên cứu khoa học, Hội đồng Soạn thảo danh từ chuyên môn...

Trong các năm 1966 đến 1968, ông tham gia 3 Hội nghị Quốc tế về Đông phương học và Hán học, được tổ chức tại Malaysia, Hoa kỳ và Đài Loan. Ngoài ra, ông còn diễn thuyết nhiều đề tài về Phật học, triết học Trung Hoa, về những nhà văn hóa lớn của Việt Nam tại một số trường đại học ở Sài Gòn.

Năm 1971, ông cho ra đời tác phẩm Văn hóa giáo dục miền Nam đi về đâu? (Nam Hà xuất bản năm 1971) bày tỏ sự băn khoăn của mình trước thời cuộc và nền giáo dục của miền Nam Việt Nam thời đó.

Năm 1973, Nguyễn Duy Cần được giải Tuyên dương sự nghiệp văn học - nghệ thuật về lĩnh vực học thuật. Báo Đại Dân Tộc số ra ngày 18-1-1973  bình luận “Cụ Thu Giang - Nguyễn Duy Cần lãnh giải về học thuật là xứng đáng, dù rằng các tác phẩm của cụ có tính cách phổ thông hơn là thâm cứu”.

Còn tác giả Nguyễn Hữu Trinh thì nhận định: Ông thường có cái nhìn tổng quan và xem xét sự vật theo nguyên tắc “đừng bao giờ nghiên cứu một sự kiện nào dưới một phương diện mà luôn luôn phải để ý đến bề trái của nó”.

Nguyễn Duy Cần mất năm 1997 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 90 tuổi. Trước khi mất, ông còn bày tỏ tâm nguyện đem thi thể của mình hỏa táng rồi đem tro rải xuống dòng sông Mỹ Tho.

PHAN LÊ

.
.
.