Thứ Hai, 22/08/2016, 14:08 (GMT+7)
.

Nhạc sĩ Lê Ngân: Ghép hồn thơ vào nốt nhạc

Sáng tác chỉ khoảng 10 ca khúc, mà có đến hơn phân nửa số lượng ca khúc đoạt giải cấp địa phương, khu vực đến Trung ương, nhạc sĩ Lê Ngân được xem là người có duyên với các ca khúc phổ thơ.

Tiêu biểu là: Giải C của Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 1995 (tác phẩm Chiều biển, phổ thơ Hữu Thỉnh); giải Nhì, giải Ba của Cuộc thi Sáng tác ca khúc ĐBSCL các năm 1997, 2002, 2007 (tác phẩm Nhớ Hà Tiên, thơ Lê Hải và Ký ức mùa thu, thơ Lê Thị Ninh); ca khúc Bất chợt Cà Mau, phổ thơ Văn Thoại Nhiên (giải Nhì tại Cuộc thi Sáng tác ca khúc ĐBSCL năm 2008)…

Yêu thích âm nhạc từ nhỏ, những năm còn là học sinh phổ thông, Lê Ngân đã từng viết nhạc đăng báo tường, là học trò cưng của thầy Nguyễn An Ninh - thầy dạy nhạc nổi tiếng của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.

Chính sự truyền đạt tận tụy từ thầy Nguyễn An Ninh đã trang bị cho cậu học trò vốn có năng khiếu về âm nhạc những kiến thức cơ bản và niềm say mê để bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp sau này.

Năm đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), Lê Ngân dự khóa Sư phạm cấp tốc, cuối năm 1976 anh tình nguyện về dạy học ở ngôi trường vùng sâu thuộc xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè.

6 năm gắn bó với Trường Tiểu học Mỹ Trung, với bà con nông dân, nhiều sáng tác về trường lớp, về cuộc sống lao động của bà con vùng sâu của anh trong thời gian này như: Em về vùng nước nổi, Về Mỹ Trung… được đăng trong Tập san Văn hóa - Văn nghệ (Ty Văn hóa -  Thông tin Tiền Giang, nay là Sở VH-TT&DL Tiền Giang) đã đưa anh vào “tầm ngắm” của những nhạc sĩ đàn anh Văn Lưu, Nguyễn Nhuận.

Năm 1982, Lê Ngân được chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Tiền Giang, có điều kiện gặp gỡ các bậc đàn anh để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Năm 1986, anh được tham gia Trại Sáng tác âm nhạc ĐBSCL, đã mở ra cho Lê Ngân một hướng sáng tác mới.

Từ bao đời, nhạc và thơ luôn có sự giao hòa, cộng hưởng. Duyên may đến với anh, một lần tình cờ đọc và cảm nhận bài “Thơ viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh, chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “… Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn. Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím. Sóng chẳng thể đi đâu nếu không đưa em đến. Dù sóng đã làm anh nghiêng ngã. Vì em”… đã khơi gợi trong anh bao cảm xúc, miên man tìm những giai điệu thanh âm chuyển tải. Và Chiều biển đã ra đời. Ca khúc đầu tiên được in trong Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, sau được tuyển lại trong tập “Ca khúc Tiền Giang” năm 1990.

Mãi đến năm 1995, nhạc sĩ Bảo Chấn được mời về dàn dựng chương trình cho Đoàn Ca múa Tiền Giang đi dự Hội diễn Âm nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, tình cờ thấy bài hát Chiều biển trong tập ca khúc Tiền Giang, đã quyết định chọn ca khúc này dàn dựng.

Và Chiều biển - thơ hữu Thỉnh, nhạc Lê Ngân, với sự trình bày của ca sĩ Ngọc Sương, phối âm phối khí nhạc sĩ Bảo Chấn đã đoạt Huy chương Bạc; sau đó đoạt giải C ca khúc hay trong năm 1995 của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Sau Chiều biển, Lê Ngân đã có một chỗ đứng đáng kể trong đội ngũ những nhạc sĩ chuyên nghiệp ở ĐBSCL.

THU TRANG

.
.
.