Thứ Sáu, 17/01/2020, 14:28 (GMT+7)
.

Truyền thống chưng mâm ngũ quả ngày tết

Trong truyền thống văn hóa của người Việt, mâm ngũ quả có ý nghĩa đặc biệt trong ngày tết. Mỗi vùng miền có cách bày trí khác nhau nhưng vẫn mang những giá trị, ý nghĩa chung.

Mâm ngũ quả đoạt giải Nhất tại Hội thi Chưng mâm ngũ quả huyện Gò Công Tây năm 2020.
Mâm ngũ quả đoạt giải Nhất tại Hội thi Chưng mâm ngũ quả huyện Gò Công Tây năm 2020.

Mâm cỗ và mâm ngũ quả trong ngày tết cổ truyền dân tộc chính là biểu trưng của tình thân, sự kết nối văn hóa nguồn cội. Do đó, mỗi khi tết đến xuân về, trong mỗi gia đình ở thành thị hay nông thôn, trên bàn thờ gia tiên đều có chưng mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả ngày tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam.

Dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng ý nghĩa chung của mâm ngũ quả là thể hiện sự thành kính, hướng về trời đất, tổ tiên và ước mong năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng. Không những thế, mâm ngũ quả còn thể hiện ý chí vươn lên vì một cuộc sống sung túc, viên mãn…

Hơn thế, chưng mâm ngũ quả còn được nhiều địa phương tổ chức thành hội thi trong những dịp lễ hội, hội xuân... góp phần duy trì nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chẳng hạn tại Hội xuân huyện Gò Công Tây năm 2020 gắn với Lễ hội Kỳ Yên mới đây, khách tham quan được tận mắt chứng kiến đông đảo người dân địa phương tham gia Hội thi Chưng mâm ngũ quả, với mỗi mâm ngũ quả được chưng theo phong cách riêng, đẹp mắt và rất ấn tượng.

Chia sẻ về ý nghĩa của phong tục chưng mâm ngũ quả, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THCS Nguyễn Văn Thiều Nguyễn Thị Ngọc Phi, đại diện đơn vị đoạt giải Nhất Hội thi Chưng mâm ngũ quả huyện Gò Công Tây năm 2020 cho biết: Theo quan niệm của ông bà ta, thông qua cách trình bày, màu sắc và tên gọi của 5 loại trái cây trong mâm ngũ quả, mỗi gia đình đều muốn gửi gắm vào đó những mong muốn, nguyện cầu cho năm mới.

Mâm ngũ quả của người miền Nam thể hiện rõ tính bình dị, dân dã. Từ những sản phẩm do chính mình gieo trồng, bằng trí tưởng tượng phong phú cùng với ước muốn về những điều tốt đẹp, ông bà ta thường chọn 5 loại trái cây đặc trưng với những màu sắc khác nhau để chưng một mâm ngũ quả có sự hài hoà về màu sắc, hòa hợp về ý nghĩa như: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung hoặc có thể chưng thêm trái thanh long, vì thanh long tượng trưng cho rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài, phát lộc.

“Ngày nay, với bàn tay khéo léo cùng với khiếu thẩm mỹ cao, con người đã cách tân những thứ trái cây của thiên nhiên để sáng tạo ra những mâm ngũ quả vừa mang tính truyền thống, vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại với mục đích làm phong phú hơn cuộc sống” - chị Ngọc Phi chia sẻ.

Mâm ngũ quả với ý nghĩa tượng trưng cho thành quả lao động miệt mài cùng với ước nguyện về cuộc sống sung túc của người dân Việt Nam và thể hiện sự thành kính dâng lên trời đất, tổ tiên. Có lẽ vì thế mà phong tục chưng mâm ngũ quả được lưu truyền từ đời này sang đời khác, càng về sau càng phát triển, đa dạng, phong phú hơn. Do đó, mỗi độ tết đến xuân về thì nhà nhà, người người lại rộn ràng mua hoa quả về chưng tết…

TUỆ MẪN

.
.
.