Thứ Tư, 01/12/2021, 09:55 (GMT+7)
.

Ấp Xóm Dinh nổi tiếng về truyền thống cách mạng

Đài Chiến sĩ Xóm Dinh.
Đài Chiến sĩ Xóm Dinh.

Đến xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, mọi người sẽ được biết đến ấp Xóm Dinh nổi tiếng về truyền thống cách mạng của người dân nơi đây.

Theo Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã tập hợp lời kể của đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gò Công và đồng chí Châu Thanh Hải, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 514, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang): Trong giai đoạn chống Pháp, xóm Dinh là khu dân cư được bao bọc bằng nhiều lũy tre gai (nối tiếp với ấp Gò Tre), với nhiều ao, hào, ngõ ngách, đã tạo hàng rào bảo vệ cán bộ cách mạng, ngăn chặn bước tiến của quân địch và hạn chế sự lùng sục của bọn mật thám, biệt kích. Cùng với những người nông dân chất phác, thủy chung, nhân hậu, giàu lòng yêu nước nhưng rất kiên cường, bất khuất, một lòng theo Đảng, đã hình thành nên thế trận lòng dân, tạo ra nhiều hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Chính vì lẽ đó, Tỉnh ủy lúc bấy giờ đã chọn địa bàn ấp Xóm Dinh làm nơi đứng chân để gầy dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh nhà. Trong kháng chiến, ấp Xóm Dinh có khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương và thoát ly đi kháng chiến. Rất nhiều gia đình ở ấp Xóm Dinh tham gia cách mạng như: Gia đình ông Trương Văn Đẩu, thời chống Pháp và Mỹ có đến 5 đảng viên (3 thế hệ điều thoát ly tham gia kháng chiến); gia đình ông Phạm Văn Dậm có 4 đảng viên, 1 liệt sĩ; gia đình bà Huỳnh Thị Tròn có 3 đảng viên đều là liệt sĩ; gia đình ông Nguyễn Văn Niệm có 3 đảng viên, thì 2 người là liệt sĩ…

Xóm Dinh cũng là nơi có nhiều hầm bí mật, trong 72 hộ thì có đến 71 hầm bí mật để che chở, nuôi giấu cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện, xã hoạt động cách mạng. Điển hình như hộ ông Lê Văn Cương ở đầu xóm có 3 hầm bí mật, hộ ông Phan Văn Sộp ở cuối xóm có 2 hầm bí mật…

Trong thời kỳ chống Mỹ, xã có đồng chí Châu Thanh Hải (Hai Giò), năm 1946 tham gia biệt động Gò Công, từ tháng 12-1960 là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 514. Ngoài ra, còn có các cán bộ, đảng viên trung kiên với Đảng đã anh dũng hy sinh như: Nguyễn Văn Tám, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Giỏi, Ngô Văn Luận, Phan Văn Lập, Phan Văn Ri, Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Văn Lâm, Lê Văn Bạn, Nguyễn Thị Ri, Nguyễn Văn Dơn, Phan Văn Chuột, Nguyễn Thị Tiếu, Lê Văn Tiếu… Hầu hết các gia đình ở ấp là cơ sở cách mạng, không sợ hy sinh, gian khổ, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, chăm sóc sức khỏe thương binh, bệnh binh và cán bộ, chiến sĩ.

Theo cô Năm An - người trực tiếp tham gia các trận đánh tại xã Tân Đông: Nơi đây, cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh nhiều, nên vào năm 1960 xã xây dựng Đài Chiến sĩ để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2000, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Hiện nhân dân trong xã tiếp tục đóng góp kinh phí để nâng cấp Đài Chiến sĩ khang trang hơn, đang chờ các cấp, các ngành đóng góp ý kiến để thực hiện.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

.
.
.