Thứ Hai, 09/05/2022, 09:51 (GMT+7)
.
Ngược dòng Bảo Định

Bài cuối: Khai thác và phát huy Bảo Định hà hôm nay

Bài 1: Tìm lại dòng sông

Bài 2: Mỹ Tho trên bến dưới thuyền

Bài 3: Nhân kiệt vùng Bảo Định hà

Bảo Định hà đã xuôi dòng từ sông Vàm Cỏ Tây về đến sông Tiền hơn 300 năm qua với muôn vàn biến chuyển, đổi thay của kinh tế, xã hội qua từng thời kỳ. Hiện nay, vai trò và công năng của dòng Bảo Định đã có ít nhiều thay đổi theo sự phát triển trong giai đoạn mới, nhưng dòng sông vẫn giữ giá trị và tiềm năng lớn.

Từ khi cống Bảo Định được xây dựng,  vai trò giao thông thủy của sông đã không còn. Hiện tại, sông chỉ phục vụ 2 nhiệm vụ chính  là cung cấp nước tưới tiêu và tạo cảnh quan phát triển du lịch.
Từ khi cống Bảo Định được xây dựng, vai trò giao thông thủy của sông đã không còn. Hiện tại, sông chỉ phục vụ 2 nhiệm vụ chính là cung cấp nước tưới tiêu và tạo cảnh quan phát triển du lịch.

GIÁ TRỊ LỚN VỀ THỦY LỢI

Trước khi kinh Chợ Gạo được đưa vào khai thác (năm 1877) thì sông Bảo Định là tuyến giao thông thủy chính, ngắn nhất nối các tỉnh vùng sông nước miền Tây với Sài Gòn, Biên Hòa. Sau khi kinh Chợ Gạo vận hành, sông Bảo Định giảm dần vai trò tuyến giao thông thủy huyết mạch độc nhất nối miền Tây và Sài Gòn, nhưng vẫn là một tuyến đường thủy được sử dụng nhiều. Theo thời gian, giao thông đường bộ phát triển, vai trò giao thông của sông Bảo Định đã mai một dần.

Đến năm 2004, Tiền Giang xây cống Bảo Định để điều tiết thủy lợi; đến năm 2012, đầu nguồn tại TP. Tân An, tỉnh Long An cũng cho xây dựng cống để ngăn mặn thì vai trò giao thông thủy của sông Bảo Định chính thức bị khai tử sau hơn 300 năm hình thành.

Hiện nay, Dự án Thủy lợi Bảo Định là dự án liên tỉnh Tiền Giang và Long An, với tổng diện tích tự nhiên 64.000 ha; trong đó, diện tích thuộc tỉnh Tiền Giang là 43.300 ha và thuộc tỉnh Long An là 20.700 ha. Dự án có nhiệm vụ ngăn mặn, triều cường xâm nhập, tiêu úng thoát lũ, xả phèn, lấy nước ngọt tưới các vườn cây và nuôi trồng thủy sản. Hai cống Bảo Định ở TP. Tân An (tỉnh Long An) và TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và xổ xả nước của toàn Dự án Thủy lợi Bảo Định.

Ở Tiền Giang, Dự án Thủy lợi Bảo Định cung cấp nước ngọt phục sản xuất cho nông dân ở các địa phương TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Tân Phước, với tổng diện tích canh tác 27.581 ha.

Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang, trong vụ hè thu 2022, đã vận hành công trình Dự án Thủy lợi Bảo Định cải tạo chất lượng nước, lấy phù sa từ sông Tiền lên để đưa nước nhanh về cuối nguồn. Bên cạnh đó, Dự án còn ngăn mặn triệt để ở các cống cặp kinh Chợ Gạo, đảm bảo thuận lợi về nguồn nước cho người dân; qua đó bảo vệ tốt diện tích 30.528 ha gieo trồng vụ hè thu sớm và vụ đông xuân.

Nguồn nước được cung cấp từ sông Bảo Định thông qua Dự án Thủy lợi Bảo Định giúp các địa phương thuộc vùng dự án thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp; trong đó, đoạn sông Bảo Định đi qua xã Phú Kiết dài 2,5 km, với 4 tuyến kinh nội đồng lấy nước phục vụ sản xuất cho nông dân xã Phú Kiết với hơn 900 ha (trồng thanh long 142 ha, dừa 650 ha, bưởi da xanh 39,2 ha, chanh không hạt 68,5 ha…) mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Kiết Võ Văn Tư cho biết: “Từ nguồn nước sông Bảo Định, nông dân trên địa bàn xã sản xuất nông nghiệp ổn định, thuận lợi trong phát triển kinh tế nhiều năm qua. Nhờ đó, kinh tế - xã hội trên địa bàn xã liên tục phát triển và được công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào ngày 30-12-2020…”.

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Bên cạnh vai trò thủy lợi, sông Bảo Định còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch gắn với các địa danh hai bên bờ. Thời gian qua, bên cạnh việc khai thác bờ Bắc sông Tiền phục vụ phát triển kinh tế, tỉnh Tiền Giang cũng đang có kế hoạch khai thác 2 bên bờ sông Bảo Định để phát triển kinh tế, du lịch cho TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang, sông Bảo Định có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn nếu khai thác đúng mức giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với dòng sông. Thời gian qua, Sở VH-TT&DL và các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã có những định hướng, giải pháp cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của sông Bảo Định.

Theo đó, dòng sông tạo nên cảnh quan sông nước đặc trưng của TP. Mỹ Tho, thúc đẩy du lịch cảnh quan ven sông. Hoạt động sản xuất hai bên bờ sông phát triển với nhiều loại cây trái phù hợp với phát triển du lịch miệt vườn, du lịch trải nghiệm gắn với đặc sản của TP. Mỹ Tho và sản phẩm OCOP của địa phương.

Cùng với đó, các địa phương bên dòng Bảo Định, đơn cử như TP. Mỹ Tho cũng đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và duy trì các hoạt động văn hóa ở các di tích gắn liền với lịch sử của sông Bảo Định, như ở Di tích lịch sử cấp Quốc gia đình Điều Hòa, để có thể phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách.

Sông Bảo Định là nguồn cung cấp nước tưới phát triển nông nghiệp khu vực TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo (Ảnh: Xã Phú Kiết chụp từ trên cao).
Sông Bảo Định là nguồn cung cấp nước tưới phát triển nông nghiệp khu vực TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo (Ảnh: Xã Phú Kiết chụp từ trên cao).

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Mỹ Tho Dương Thị Hương, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của đình Điều Hòa là hết sức cần thiết, nhằm gìn giữ di tích văn hóa và lịch sử lâu đời để thu hút du khách khi đến TP. Mỹ Tho. Phòng Văn hóa - Thông tin sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện các chương trình, đề án trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, trong đó có đình Điều Hòa; đồng thời, tham mưu đầu tư bảo quản, tu bổ di tích ngôi đình này để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của thành phố, góp phần tạo nên giá trị cho địa phương cả về vật chất và tinh thần.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Tiền Giang Võ Văn Chiến cho biết, Sở VH-TT&DL sẽ nghiên cứu các giải pháp hình thành và phát triển ổn định vùng hoa tươi và phát triển dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi hướng đô thị để thu hút khách du lịch theo tuyến sông Bảo Định. Bên cạnh đó, tổ chức du lịch gắn với giới thiệu các di tích, công trình lịch sử -  văn hóa mà dòng sông Bảo Định chảy qua ở TP. Mỹ Tho như: Bia lưu niệm Thành ủy Mỹ Tho, Bia lưu niệm Thành đội Mỹ Tho, Tượng đài Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Quảng trường Hùng Vương… để giới thiệu đất và người TP. Mỹ Tho đến du khách.

Mặt khác, những năm qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã có nhiều dự án chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông Bảo Định ở khu vực TP. Mỹ Tho, như: Các bờ kè với chiều dài hàng chục km đã được đầu tư xây dựng kiên cố, không chỉ phòng, chống sạt lở mà còn tạo cảnh quan khang trang, đẹp mắt phục vụ nhu cầu du khách và rèn luyện sức khỏe của người dân TP. Mỹ Tho…

NHÓM PHÓNG VIÊN - CTV

.
.
.