Thứ Ba, 31/07/2012, 08:02 (GMT+7)
.

Hai tấm gương thương binh tỏa sáng giữa đời thường

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, họ đã hy sinh một phần thân thể để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong cuộc sống mới hôm nay, những người lính cụ Hồ ở huyện Cai Lậy lại kiên cường trên trận tuyến mới: Vượt khó phát triển kinh tế gia đình và góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Dưới đây là hai tấm gương nói trên vừa được UBND huyện Cai Lậy tuyên dương, khen thưởng.

1. Năm 1968, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình với người cha là liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Lược (ấp 1, xã Cẩm Sơn) thoát ly theo cách mạng khi vừa tròn 16 tuổi. Tháng 11-1974, trong một trận tấn công đồn địch ở ấp 3 (xã Long Trung) ông bị thương nặng ở ngực và đầu, ảnh hưởng đến thị lực mắt trái. Sau 2 tháng điều trị, không còn có thể trực tiếp cùng đồng đội chiến đấu, ông Lược trở về đơn vị và làm nhiệm vụ tải đạn cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ông Nguyễn Văn Lược chăm sóc vườn mít đang cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Lược chăm sóc vườn mít đang cho thu hoạch.

Phục viên với tỷ lệ thương tật làm suy giảm 61% sức khỏe, để có cuộc sống ổn định như hiện nay, ông Lược đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Hơn ba mươi năm rời quân ngũ, tinh thần người lính đã giúp ông vững vàng đối diện với thử thách của cuộc sống. Khi ra riêng, vợ chồng ông chỉ có 200m2 vườn tạp trồng chuối, bạch đàn nên đời sống khá eo hẹp. Không có vốn cải tạo, ông bà phải đi làm thuê mới mưu sinh và lo cho 4 người con ăn học.

Sau nhiều năm tích lũy, ông có điều kiện mua thêm 7,5 công đất ruộng và luân canh lúa, màu. Quần quật hàng chục năm, làm ruộng không hiệu quả, ông chuyển 6 công ruộng lên vườn trồng bưởi da xanh và lấy ngắn nuôi dài bằng cách tiếp tục xen canh lúa - màu trên phần đất còn lại. Thế nhưng, vườn bưởi vừa cho trái chiến thì bệnh vàng lá Greening tấn công. Thành quả lao động miệt mài suốt mấy năm đổ sông đổ biển nhưng ông không nản chí.

Ông nghiệm ra rằng, phải chọn loại cây trồng phù hợp, cây giống rõ nguồn gốc và nắm vững kỹ thuật canh tác. Vì vậy, khi chuyển sang chuyên canh mít Thái siêu sớm, ông Lược đã cất công tìm nguồn giống tốt, học kinh nghiệm những người đi trước. Hiện nay, 6 công vườn chuyên canh mít Thái của ông có hơn 600 gốc, trong đó có 80 gốc đang cho thu hoạch. Gia đình ông đã có nguồn thu nhập ổn định và hứa hẹn khấm khá hơn trong tương lai gần khi vườn cây đồng loạt cho trái.

Không chỉ vượt lên chiến thắng thương tật, chiến thắng đói nghèo, ông Lược còn hoạt động xã hội. Từ năm 2005 đến nay, ông là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp 1, xã Cẩm Sơn. Với uy tín và trách nhiệm của mình, ông vận động hội viên tham gia xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng gia đình văn hóa, chấp hành pháp luật, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Hiện nay, 90% hội viên  của chi hội đã có cuộc sống ổn định, gương mẫu ở cộng đồng dân cư và là những nhân tố điển hình trong xây dựng gia đình văn hóa.

Đặc biệt, 3 năm nay, ông còn vận động thành lập đội dân phòng gồm 12 thành viên là hội viên cựu chiến binh để giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp. Với đồng đội còn khó khăn, ông Lược có cách giúp đỡ thiết thực là tháp tặng hàng trăm cây giống từ vườn nhà.

2. Là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, đảm nhiệm 4 vai trò: Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận, Trưởng Khối vận và Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp – Đó là “lý lịch trích ngang” của ông Trần Văn Bàng, thương binh 2/4 ở ấp Tân Luông B, xã Tân Phong.

Năm 1982, nối tiếp truyền thống cách mạng của một gia đình liệt sĩ, ông Bàng tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế tại tỉnh Pursat (Campuchia). Tháng 6 -1985, ông bị thương trong một trận truy kích tàn quân Pôn Pốt và được đưa về nước điều trị. Cuối năm 1985, ông phục viên với tỷ lệ thương tật 2/4, mất sức lao động 61%.

Nhắc đến những ngày đầu về lại quê nhà, ông Bàng bồi hồi: “Được tập phục hồi chức năng nhưng tôi vẫn chưa quen vận động với chiếc chân giả. Đi đứng còn khó nói chi đến lao động, sản xuất. Nhưng mình là con nhà nông, quyết vươn lên trong cuộc sống, không là gánh nặng cho người thân”. Vượt qua bi quan và trở ngại về thương tật, ông Bàng cần mẫn với mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình.

Mấy năm đầu, sản xuất không hiệu quả nên điều kiện kinh tế của ông rất khó khăn. Đến đầu những năm 1990, khi cù lao Tân Phong rộ lên phong trào trồng nhãn tiêu Huế, ông cải tạo 6 công đất vườn để chuyên canh. Thời hoàng kim của cây nhãn này đã cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định nhưng kéo dài chẳng bao lâu.

Ông Trần Văn Bàng tỉa kiểng trước sân nhà.
Ông Trần Văn Bàng tỉa kiểng trước sân nhà.

Năm 2002, sau khi sang cù lao Ngũ Hiệp tham quan mô hình trồng sầu riêng của một người quen, ông quyết định đốn 4 công nhãn đang cho thu hoạch để chuyên canh sầu riêng chất lượng cao. Ngày ông đem cây về trồng ở khu vực chưa ai trồng trước đó, không ai tin về hiệu quả kinh tế. Nhưng thành quả lao động hiện nay của ông đã minh chứng cho sự nhạy bén chuyển đổi cơ cấu cây trồng mười năm trước. Với 4 công sầu riêng Ri 6 và Monthong xử lý nghịch vụ, ông thu lợi nhuận trên 350 triệu đồng/năm.

Từ khi về xã nhà, ông Bàng luôn gắn bó với hoạt động của các đoàn thể và là một đảng viên gương mẫu. Qua 15 năm là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Tân Luông, ông tổ chức nhiều hoạt động gắn kết, chăm lo thiết thực cho hội viên.

Hiện nay, với vai trò Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ban công tác mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải, Trưởng Khối vận, ông đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, cùng các đoàn thể phát động người dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng tình đoàn kết xóm, ấp. Có uy tín tại cộng đồng nên các phong trào do ông vận động đều nhận được sự thống nhất cao.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều điển hình sống và cống hiến với tinh thần thương binh tàn nhưng không phế, tỏa sáng phẩm chất người lính cụ Hồ trong cuộc sống đời thường.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.