Thứ Tư, 24/04/2013, 16:58 (GMT+7)
.

Tư Non - bác sĩ có “đôi tay vàng” và có “tấm lòng vàng”

Đào Văn Non (Tư Non) sinh năm 1941 tại Nhị Bình (Châu Thành) trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng. Thông minh, học giỏi, tốt nghiệp trung học hạng ưu (năm 1960), Tư Non xếp bút nghiên xung phong vào du kích đánh giặc.

Năm 1962, Tư Non dự khóa đào tạo y tá cấp tốc, tốt nghiệp loại giỏi. Do yêu cầu khẩn cấp phục vụ kháng chiến, năm 1965 Tư Non được cử đi học tiếp và đậu bằng Quân Y sĩ hạng xuất sắc, được đề bạt làm Phó ban Quân y Châu Thành. Năm 1971, Tư Non được cử đi học Đại học Y khoa miền và nhận bằng Bác sĩ hạng ưu, được đề bạt làm Trưởng ban Quân y Châu Thành Nam.

Suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tận tụy, xả thân phục vụ quân và dân huyện nhà trong hoàn cảnh chiến tranh cực kỳ khốc liệt, bác sĩ Tư Non luôn trong tư thế thầy thuốc - chiến sĩ. Với tinh thần đầy nhiệt huyết cách mạng tiến công, dù gặp bao khó khăn, gian khổ anh cũng vượt qua, giành lại sự sống cho thương binh. Anh trực tiếp mổ thành công nhiều ca hiểm nghèo, đúc rút thành kinh nghiệm, được phổ biến trong ngành Y.

Anh đào tạo hàng chục y tá giỏi phục vụ kịp thời cho kháng chiến. Hơn 300 thương binh của địa phương và của các đơn vị do trên điều về chiến đấu tại Châu Thành được anh mổ và chăm sóc chu đáo, an toàn. Hàng chục đồng bào bị thương nặng được anh giành lại sự sống. Khi mổ ngoài mặt trận hoặc mổ trong căn cứ, anh luôn lấy thân mình che đạn cho thương binh.

Địch xối bom đạn khắp nơi không theo giờ giấc, quy luật nào. Nhiều ca mổ phải ngưng, đưa nhanh thương binh vào hầm trú ẩn vì bom, pháo địch càn quét. Tư Non cho di dời hàng chục điểm đóng quân để bảo vệ thương binh trong mọi hoàn cảnh, vừa di dời vừa điều trị, vừa chiến đấu bảo vệ thương binh.

Vừa di dời vừa dựng ngay những căn nhà lá không cao hơn đọt chuối, ngụy trang kỹ: Đi không dấu, nấu không khói, nói không nghe, thắp đèn dầu ánh sáng không chiếu quá 2 mét. Đắp bờ thành quanh nhà, đào giao thông hào, hầm trú ẩn, hầm bí mật để bảo vệ thương binh. Xây dựng rào, công sự, gài chông, mìn, lưu đạn để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đơn vị trong mọi tình huống. Tư Non còn bắn rơi 3 chiếc trực thăng và diệt 15 tên Mỹ - ngụy trong các trận càn ác liệt.

Cấp cứu thương binh đã khó, nuôi dưỡng thương binh càng khó hơn. Lo chống giặc bảo vệ thương binh. Lo từng viên thuốc, bữa ăn, giấc ngủ cho thương binh là công việc hàng ngày rất cấp bách của Tư Non và Quân y Châu Thành suốt nhiều tháng, nhiều năm. Tư Non dựa vào dân, nhờ dân bảo bọc giúp sức, che chở, nuôi dưỡng thương binh.

Người viết bài này bị thương nặng (năm 1971) được y sĩ Hai Tùng, y tá Tư Be, Tám Ráp, Bé Tư cấp dưỡng cứu và nuôi dưỡng hơn 4 tháng tại Đội Phẫu thuật dã chiến thuộc Quân y Châu Thành Nam, đóng sát hàng rào thứ nhất của căn cứ Bình Đức (phía Long Hưng) nên hiểu rõ sự kiên trung, dũng cảm tuyệt vời của các thầy thuốc Quân y Châu Thành thời chống Mỹ cứu nước.

Một đại tá thương binh được bác sĩ Tư Non cứu sống nói: “Bác sĩ Đào Văn Non có đầy đủ đức độ và tài năng”. Tư Non xúc động nhớ lại đã cứu sống một em bé 4 tuổi bị pháo Mỹ làm đứt lìa một cánh tay, nay em đã trưởng thành.

Sau khi nước nhà độc lập, thống nhất, bác sĩ Tư Non chưa được nghỉ ngơi. Anh đi làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia hơn 4 năm. Nhiều đồng đội, quân tình nguyện Việt Nam, quân nhân và đồng bào của bạn được anh cứu sống không bao giờ quên công đức của anh và khen anh có “đôi tay vàng”, có “tấm lòng vàng” của người mẹ diệu kỳ! Quân y Châu Thành và Thượng tá - Bác sĩ Tư Non rất xứng đáng là Anh hùng thời kỳ chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.

LÊ NGỌC HÂN

.
.
.