Thứ Hai, 07/04/2014, 20:49 (GMT+7)
.

KCN chậm triển khai dự án, người dân lấn chiếm đất để sản xuất

Các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện Gò Công Đông được quy hoạch ở nơi rất lý tưởng: “trên lộ, dưới biển” và gần TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, từ khi thực hiện quy hoạch đến nay, nhiều dự án chậm triển khai nên đã diễn ra tình trạng người dân lấn chiếm đất quy hoạch để sản xuất.

TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI DỰ ÁN “Ì ẠCH”

Chúng tôi trở lại tìm hiểu các dự án thuộc KCN của huyện Gò Công Đông thì tình hình vẫn chưa có gì mới. Nhiều dự án trong các KCN vẫn “án binh bất động”. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Công Đông, hiện nay KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp ngoài dự án nhà máy ống thép dầu khí đã đi vào hoạt động thì không có dự án nào triển khai mới.

Mới đây, UBND tỉnh thống nhất ý kiến của Tập đoàn dầu khí về việc chuyển giao KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp cho tỉnh Tiền Giang quản lý sử dụng. Dự án Tổng kho của Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt với khu tái định cư 3,6 ha và tổng kho xăng dầu của công ty 42 ha vẫn như trong tháng 8-2013, chưa có tiến triển mới.

Riêng việc nhà đầu tư xin mượn tạm đất bãi bồi ven sông Soài Rạp với khoảng 8 ha đất tự nhiên để dự trữ đất vẫn chưa được các ngành thống nhất đề xuất UBND tỉnh. Dự án Tổng kho của Công ty cổ phần Hiệp Phước cơ bản đã hoàn thành 4 bồn chứa, cầu cảng, khu điều hành; tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng và đã đưa vào hoạt động.

Nhiều diện tích thuộc Dự án KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp bị người dân lấn chiếm trồng dưa (ảnh  chụp ngày 3-4-2014).
Nhiều diện tích thuộc Dự án KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp bị người dân lấn chiếm trồng dưa (ảnh chụp ngày 3-4-2014).

Ngoài ra, Dự án cảng biển Năng lượng tổng hợp của Công ty cổ phần Năng lượng Tiền Giang đã hoàn thành phần đo đạc và lập bản đồ hiện trạng, huyện đã nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư để cùng phối hợp và thông báo ra dân chủ trương này, nhưng nhà đầu tư dây dưa kéo dài trong khi thời hạn cho phép nghiên cứu, lập hồ sơ đến tháng 10-2012 là hết hạn cho phép. Nhà đầu tư xin gia hạn thêm nhưng chưa được tỉnh cho phép.

Dự án Khu du lịch biển Tân Thành của Công ty TNHH Vạn Bình An cơ bản hoàn thành các hạng mục chính trong giai đoạn I và đã đưa vào hoạt động, thu hút khá nhiều lượt khách đến tham quan. Riêng việc đầu tư đường dẫn vào khu du lịch đã được triển khai.

Dự án Kho, cảng của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu và thực hiện các bước thủ tục. Dự án Cảng quốc tế Nam Sài Gòn của Công ty cổ phần quốc tế Nam Sài Gòn đến nay vẫn đang “án binh bất động”.

Trao đổi với chúng tôi về tiến độ xây dựng các KCN trên địa bàn huyện, lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Công Đông cho biết: Các dự án này đang gặp nhiều khó khăn, những nhà đầu tư chỉ “xí phần” rồi bỏ đó. Hàng tháng, hàng quý, chúng tôi cũng không biết phải báo cáo sao về tiến độ của các dự án này.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Công Đông, hiện nay huyện chỉ có 3 dự án quy mô nhỏ được triển khai xây dựng, còn các dự án lớn, nhất là KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp, mặc dù mặt bằng đã hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa triển khai đầu tư hạ tầng. “Quá trình thực hiện, các chủ đầu tư thường bỏ qua việc báo cáo kết quả thực hiện cũng như tiến độ triển khai hàng tháng, quý.

KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp mặc dù mặt bằng đã hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa triển khai đầu tư hạ tầng nên không biết bao giờ mới đủ điều kiện kêu gọi đầu tư thứ cấp trong khi thời gian cho dự án này đã 7 năm. Tiến độ triển khai chậm đã làm ảnh hưởng khá nhiều đến lòng tin của nhân dân, tác động không nhỏ đến đời sống của các hộ dân trông chờ vào giải tỏa, người dân thì không có kế hoạch làm ăn lâu dài trên mảnh đất của mình” - ông Nguyễn Văn Nói, Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Công Đông cho biết.

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Công Đông, trong thời gian tới, huyện Gò Công Đông sẽ tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu vực Soài Rạp.

Trước mắt, huyện sẽ đôn đốc các nhà đầu tư được tỉnh cho phép nghiên cứu dự án như: Công ty cổ phần năng lượng Tiền Giang với Dự án Cảng biển tổng hợp; Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh với Dự án kho cảng và nhà máy lọc dầu… đẩy nhanh tiến độ các dự án đã giao mặt bằng như KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp.

Thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ đầu mối, bến bãi các loại, mạng lưới chợ nông thôn, tạo ra thị trường thông thoáng, ổn định. Kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh Khu du lịch Tân Thành (theo quy hoạch được phê duyệt)…

NGƯỜI DÂN LẤN CHIẾM ĐẤT QUY HOẠCH ĐỂ SẢN XUẤT

Cũng chính vì các dự án đang “án binh bất động” nên nhiều người dân vào các khu đã quy hoạch để chiếm đất canh tác.

Mới đây, UBND huyện Gò Công Đông đã gửi công văn đến Ban Quản lý các KCN tỉnh về việc 28 hộ dân lấn chiếm đất KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp để trồng hoa màu, khai thác tôm, cá tự nhiên.

Ban Quản lý các KCN phối hợp Sở Tài nguyên & Môi trường, Phòng An ninh Kinh tế (Công an Tiền Giang), Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Gò Công Đông, UBND xã Gia Thuận, chủ đầu tư KCN Dịch vụ đầu khí Soài Rạp khảo sát thực địa hiện trạng dân lấn chiếm đất KCN để sản xuất. Sau khi khảo sát, ngày 26-3, Ban Quản lý các KCN đã có công văn gửi UBND tỉnh về việc người dân lấn chiếm đất để trồng hoa màu tại KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp.

Theo công văn, khu vực trên có khoảng 80 ha đất quy hoạch bị dân lấn chiếm. Trong đó, diện tích trồng dưa khoảng 32 ha (đã thu hoạch khoảng 18 ha), diện tích dân chiếm để khai thác tôm, cá tự nhiên khoảng 31 ha (13 hộ); diện tích đất đã cày để chuẩn bị trồng mì khoảng 17 ha. Ngoài ra, các hộ dân còn đào thân đê biển để lắp đặt đường ống tưới tiêu.

Trước đó, UBND xã Gia Thuận đã mời các hộ dân lấn chiếm đất lên cam kết di dời, trả lại phần đất lấn chiếm cho chủ đầu tư KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp. Tuy nhiên, ngày 3-4-2014, chúng tôi trở lại khảo sát các địa điểm này thì tình trạng vẫn không thay đổi, nhiều hộ dân vẫn canh tác trên phần đất đã quy hoạch.

S.N

.
.
.