Thứ Sáu, 25/07/2014, 19:25 (GMT+7)
.

Những người sáng tác Bằng Tổ quốc ghi công và Huy hiệu Thương binh

NGƯỜI SÁNG TÁC BẰNG TỔ QUỐC GHI CÔNG

Người sáng tác Bằng Tổ quốc ghi công của Chính phủ tặng liệt sĩ là ông Nguyễn Tiến Lợi. Ông Lợi sinh năm 1902, nguyên quán xã Quỳnh Đô, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Ông tham gia cách mạng năm 1942, nhập ngũ năm 1945. Ông Lợi có năng khiếu về vẽ và chịu khó học hỏi, ông đã trở thành họa sĩ và làm công tác tuyên truyền giáo dục trong quân đội.

Cuối năm 1955, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Thương binh & Cựu binh mở cuộc vận động sáng tác bằng “Tổ quốc ghi công”. Ông Nguyễn Tiến Lợi đã tham gia cuộc vận động này. Mẫu bằng do ông sáng tác được Bộ trưởng Bộ Thương binh và Cựu binh, bác sĩ Vũ Đình Tụng chọn, trình Thủ tướng Chính phủ và được Phó Thủ tướng thời kỳ này là ông Trường Chinh chính thức phê chuẩn.

Tại Nghị định số 899/TTg ngày 25-5-1956, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định: Mẫu bằng “Tổ quốc ghi công” do ông Nguyễn Tiến Lợi sáng tác được dùng để “tặng thưởng những gia đình liệt sĩ, để ghi nhớ công lao to lớn và tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ”.

NGƯỜI VẼ HUY HIỆU THƯƠNG BINH

Đó là ông Nguyễn Văn Vĩnh, sinh ngày 28-3-1928, quê xã Kim Hoa, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, nay là xã Việt Hồng, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nhập ngũ ngày 19-12-1945 và bị thương trong chiến đấu. Sau khi giải ngũ, ông trú tại số nhà 62, phố Khâm Thiên, Hà Nội, làm nghề vẽ, kẻ sơn quảng cáo

Cuối năm 1956, Bộ Thương binh và Cựu binh tổ chức cuộc thi sáng tác Huy hiệu Thương binh, có rất nhiều mẫu tham gia dự thi nhưng mẫu Huy hiệu Thương binh do ông Nguyễn Văn Vĩnh sáng tác được Bác Hồ chọn vì đạt hai yêu cầu: đơn giản và ý nghĩa.

Từ đó, mẫu Huy hiệu Thương binh của ông Nguyễn Văn Vĩnh được dùng "tặng cấp cho những người được công nhận là thương binh" để “nhắc nhở anh em luôn nhớ đến vinh dự và trách nhiệm của mình, nỗ lực làm tròn nhiệm vụ của người quân nhân cách mạng dù đã bị thương tật".

TẤN ĐỜI

.
.
.