Thứ Hai, 08/09/2014, 14:22 (GMT+7)
.

Những lá thư xin lỗi và quyết tâm quay về nẻo thiện

Tháng 4-2014, Ban Giám đốc Công an tỉnh có chủ trương phát động viết thư xin lỗi trong phạm nhân. Đến nay, tại Trại Tạm giam Công an tỉnh, có 80 bức thư xin lỗi được phạm nhân viết và gửi đi.

Phạm nhân Nguyễn Hoàng Thảo đã viết: “Con đã làm cô chú mất đi người con mà cô chú thương yêu nhất. 3 năm qua lương tâm con lúc nào cũng dằn vặt, mất mát lớn lao đó con không sao bù đắp được!”.
Mất mát lớn lao mà Thảo viết trong thư là 1 người đã tử vong vì một phần lỗi lầm của Thảo. 3 năm trước, trong bữa tiệc rượu, giữa Thảo và anh Nguyễn Văn Vuông (ngụ xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) xảy ra cự cãi, dẫn đến đánh nhau. Thảo và 1 đối tượng khác đã đánh anh Vuông tử vong.

Nguyễn Hoàng Thảo cho biết: Sau 4 năm tù, tôi còn có thể quay về với gia đình; còn Vuông thì vĩnh viễn không thể. Vì vậy trong lòng tôi rất ăn năn và ray rứt. Lúc mới vào trại, tôi nghĩ sẽ không có điều kiện viết thư. Chính vì vậy tôi nghĩ sau khi chấp hành xong án phạt tù, tôi sẽ đến tận nhà Vuông để xin lỗi gia đình. Khi cán bộ trại triển khai chủ trương phát động viết thư xin lỗi trong phạm nhân của Ban Giám đốc Công an tỉnh, tôi rất mừng, vì đây là cơ hội để tôi hoàn thành ước nguyện sớm hơn.

Đối với gia đình bị hại Nguyễn Văn Vuông, lúc đầu rất bức xúc, nhưng khi nhận được những lời hối lỗi chân thành của phạm nhân Nguyễn Hoàng Thảo trong thư, gia đình đã có sự cảm thông. Bà Lê Thị Loan, mẹ anh Vuông cho biết: “Mất đi 1 đứa con tôi rất đau buồn. Lúc trước tôi không thông cảm được, giờ nó biết ăn năn hối hận thì tôi tha thứ cho nó để nó về làm lại cuộc đời!” 

Phạm nhân Võ Thương Thích chấp hành án phạt tù vì tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Thích cho biết, chưa bao giờ quên được nỗi ám ảnh về hành vi của mình. Thích viết thư gửi cho gia đình người bị hại, không chỉ để nói lời xin lỗi mà còn để giãi bày nỗi ân hận khôn nguôi.

Võ Thương Thích đã nhận được sự cảm thông của gia đình bị hại. Điều quan trọng là thành ý hối lỗi được thể hiện ngay sau khi Thích phạm tội, vợ Thích đã đến xin lỗi gia đình bị hại Nguyễn Văn Meo. Sau đó gia đình nhận được thư của phạm nhân Thích, biết Thích đã thật sự ăn năn, gia đình ông Meo nguôi giận và tha thứ.

Một phạm nhân khác là Tăng Múi chấp hành bản án 5 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đây, Múi là chủ hụi. Gom hết số tiền 300 triệu đồng của nhiều người, Múi đã làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Trong đợt phát động này, Múi cũng đã viết thư xin lỗi bị hại.

Những lời ăn năn của người trót lầm lỗi muốn quay về nẻo thiện đã làm cảm động nhiều người bị hại. Bà Nguyễn Thị Luận, ngụ phường 7, TP. Mỹ Tho, người trước đây bị Tăng Múi lừa mất số tiền gần 50 triệu đồng đã có sự cảm thông khi đọc thư của Múi. Bà Luận cho biết, đọc thư của Tăng Múi, biết Múi đã ăn năn hối lỗi nên tôi thông cảm và tôi đã viết thư trả lời cho Múi.

Phạm nhân Tăng Múi xúc động kể: Khi nhận được thư chị Luận, tôi rất xúc động và tôi đã khóc.

Tôi không dám đọc lại vì cảm xúc buồn - vui cứ xáo trộn, buồn vì mình đã gây ra lỗi lầm, vui vì được tha thứ. Chị Luận đã rộng lượng, tôi rất mang ơn!

Không được may mắn như các phạm nhân Nguyễn Hoàng Thảo, Võ Thương Thích hay Tăng Múi, phạm nhân Lê Văn Minh Nhựt gửi thư đi đã lâu mà vẫn chưa nhận được sự hồi âm. Nhựt tâm sự: “Khi viết thư, tôi cũng không biết mình có được tha thứ hay không. Dù có hay không thì tôi vẫn viết thư để bày tỏ sự ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình. Nếu như tôi không được tha thứ thì tôi sẽ rất buồn, cũng vì mình đã gây nên tội rất lớn nên không được tha thứ”.

Thấp thỏm, chờ đợi, mong thư hồi âm là tâm trạng chung của những phạm nhân khi gửi thư đi. Đối với họ, “bản án” thứ nhất là lương tâm của chính họ, bản án thứ 2 là phán quyết của tòa, còn “bản án” thứ 3 là không được bị hại tha thứ. Trong đó, có lẽ hình phạt nặng nề nhất là sự trừng phạt của lương tâm. Vì vậy, người trót phạm lỗi luôn muốn làm lại cuộc đời.

Đã có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Lòng vị tha, sự bao dung của gia đình bị hại nói riêng và của xã hội nói chung là nguồn động viên rất lớn giúp người lầm lỗi vượt qua tự ti, mặc cảm, có được niềm tin hướng thiện. Khi người phạm lỗi vươn lên sống tốt, đây sẽ là điều kiện tốt nhất để phòng tránh tái phạm tội, góp phần giữ bình yên xã hội.

HỒ SƯƠNG

.
.
.