Thứ Tư, 20/04/2016, 14:31 (GMT+7)
.

Xây dựng xã hội học tập hiệu quả và thách thức

Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người dân luôn được học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng và xây dựng được một xã hội học tập (XHHT) với nhiều hoạt động thiết thực.

Sau 3 năm thực hiện Đề án, việc xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần có nhiều giải pháp để tháo gỡ...

Đóng góp để giúp bạn có hoàn cảnh khó khăn là một hoạt động thiết thực để xây dựng XHHT.
Đóng góp để giúp bạn có hoàn cảnh khó khăn là một hoạt động thiết thực để xây dựng XHHT.

HIỆU QUẢ THIẾT THỰC

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), thời gian qua Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” đã được ngành cùng các đơn vị liên quan triển khai thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực như:

Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng XHHT từ tỉnh đến xã và xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT”; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người về mục đích, ý nghĩa của việc học tập suốt đời; tổ chức thực hiện “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”; vận động hỗ trợ, trao học bổng và phần thưởng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi; tổ chức khảo sát tình hình hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm…

Kết quả, trong 3 năm (từ 2012 - 2015), 11/11 huyện, thành, thị tiếp tục đạt chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học, PCGD tiểu học đúng độ tuổi và PCGD trung học cơ sở; tỉnh được Bộ GD-ĐT công nhận PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi (vào tháng 12-2014); 22,4% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có trình độ ngoại ngữ bậc 2;

6,6% CBCCVC có trình độ ngoại ngữ bậc 3; 51,2% công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu công việc; 97% CBCC từ tỉnh đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định;

71,1% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành theo vị trí công việc (trong đó có 72,8% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định và 70,2% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm);

77,1% công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương; 45% công nhân đã qua đào tạo nghề; 45,6% học sinh, sinh viên và người lao động được tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng sống…

Một trong những hoạt động nòng cốt trong xây dựng XHHT là phát triển các TTHTCĐ. Hiện tại, hầu hết các xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có TTHTCĐ và các nơi này hoạt động ngày càng khởi sắc. Trong thời gian qua, tại các trung tâm này đã có 56,8% người lao động nông thôn tham gia học tập, cập nhật kiến thức, kỹ năng và chuyển giao khoa học - công nghệ sản xuất.

Ngoài ra, một số  TTHTCĐ còn tổ chức các lớp sau xóa mù chữ; tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh… thu hút được nhiều người tham gia khiến vai trò của các trung tâm ngày càng trở nên quan trọng đối với người dân.

Nhằm đẩy mạnh xây dựng XHHT, tỉnh cũng đã cho triển khai đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, Bà Văn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội khuyến học (HKH) tỉnh cho biết: “Việc tổ chức các hoạt động nhằm đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng cũng là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần vào sự thành công của việc xây dựng XHHT.

Các mô hình “Gia đình học tập” (GĐHT), “Dòng họ học tập” (DHHT), “Cộng đồng học tập” (CĐHT) và “Đơn vị học tập” (ĐVHT) đã được triển khai thí điểm tại TP. Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông và huyện Cái Bè. Sau một thời gian triển khai thực hiện, những nơi này đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu với những hình thức hoạt động hay, thiết thực và những mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra toàn tỉnh trong thời gian tới”.

SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO: Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm (2013 - 2015) thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012 - 2020. Đến dự có ông Trần Thanh  Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Hội nghị thông qua báo cáo sơ kết 3 năm (2013 - 2015) thực hiện Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020. Theo đó, công tác triển khai thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020 được thực hiện hiệu quả với các hoạt động: Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng XHHT các huyện, thành phố, thị xã; đẩy mạnh hoạt động các TTHTCĐ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về lợi ích, ý nghĩa của việc xây dựng XHHT; tổ chức hưởng ứng tuần lễ “Học tập suốt đời”… Kết quả, trong 3 năm, tỷ lệ người biết chữ 15 - 60 tuổi đạt 98,46%; tỷ lệ người biết chữ 15 - 35 tuổi đạt 99,99%; có 97% cán bộ, công chức từ tỉnh đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 72,8% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn đào tạo; 58,6% lao động nông thôn được cập nhật kiến thức, kỹ năng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật…

Dịp này, UBND tỉnh đã trao Bằng khen cho 11 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong  triển khai thực hiện Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2015.

THANH VÂN

CẦN THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Tuy đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng việc xây dựng XHHT vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn như: 

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị  ở một số cơ sở giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân;

Năng lực của một số cơ sở còn hạn chế, công tác khảo sát, điều tra nắm bắt nhu cầu của người học chưa thường xuyên, nội dung giáo dục chưa đa dạng nên huy động được ít người ra học;

Việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng XHHT còn hạn chế; nhiều huyện chưa bố trí kinh phí thực hiện Đề án, hoạt động chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, dự án nên việc triển khai các biện pháp hỗ trợ người học chưa đạt chất lượng và hiệu quả như mong muốn;

Nhiều xã chưa bố trí được phòng, phương tiện làm việc cho các TTHTCĐ; một số TTHTCĐ hoạt  động chưa hiệu quả, các chuyên đề chưa thiết thực, hiệu quả nên chưa đáp ứng được hết yêu cầu của người dân;

Công tác tuyên truyền về xây dựng XHHT chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức; một bộ phận người lao động chưa thấy được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời nên chưa quan tâm đến việc học và nâng cao trình độ…

Chính vì vậy, để việc xây dựng XHHT đạt hiệu quả như mong muốn, các ngành, các cấp cũng như các đơn vị liên quan phải có những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn.

Bà Văn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch HKH tỉnh cho rằng: “Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo xây dựng XHHT các cấp phải tiếp tục được kiện toàn, nâng chất để có thể phát huy được sức mạnh trong việc huy động mọi người tham gia xây dựng XHHT; đồng thời các nơi cũng cần triển khai tích cực các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc học tập suốt đời”.

Ông Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng XHHT cũng cho biết: Thời gian tới, việc nâng cao nhận thức người dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng XHHT sẽ tiếp tục được triển khai với nhiều hình thức:

Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên dương, khen thưởng định kỳ và đột xuất những cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng XHHT; tổ chức các hoạt động học tập suốt đời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ…

Đặc biệt, mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên, TTHTCĐ tiếp tục được củng cố, nâng chất; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các cán bộ quản lý, giáo viên tại các TTHTCĐ về nghiệp vụ xây dựng kế hoạch hoạt động, điều tra nhu cầu người học, phát triển các câu lạc bộ cộng đồng;

Tăng cường các lớp bổ túc văn hóa cho công nhân, các lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh - sinh viên và người lao động; củng cố, phát triển các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ - tin học nhằm đáp ứng nhu cầu người học; đa dạng hóa các hình thức đào tạo trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân…

MINH CHÂU

.
.
.