Thứ Hai, 06/06/2016, 10:58 (GMT+7)
.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ở huyện Tân Phú Đông

Với địa hình cù lao ven biển, về cơ bản huyện Tân Phú Đông có môi trường sống trong lành, nhờ hệ thực vật phong phú, đa dạng của vùng sông nước Cửu Long. Huyện có trên 900 ha rừng phòng hộ gồm bần, đước, mắm, dừa nước, cùng nhiều loài cây hoang dã khác, tạo thành những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn giữa biển nước mênh mông, vừa có tác dụng phòng tránh sạt lở, bảo vệ môi trường, vừa  thuận lợi cho việc khai thác phát triển ngành du lịch sinh thái. Không những thế, môi trường của huyện còn rất thích hợp cho việc nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản, bởi có 100% diện tích nằm giữa 2 nhánh sông Cửa Đại và Cửa Tiểu đổ vào Biển Đông.

Đoàn Thanh niên huyện Tân Phú Đông ra quân lao động vệ sinh môi trường, khai thông dòng chảy kinh rạch tại xã  Phú Thạnh.
Đoàn Thanh niên huyện Tân Phú Đông ra quân lao động vệ sinh môi trường, khai thông dòng chảy kinh rạch tại xã Phú Thạnh.

Đặc biệt là thủy sản nước lợ, gồm con giống và con non sinh sản di chuyển vào sâu trong bờ. Trữ lượng hàng năm ước tính về tôm, cua, cá các loại…, đặc biệt là sò, nghêu giống ước đạt hàng ngàn tấn, đem lại nguồn lợi đáng kể cho kinh tế địa phương. Ngoài ra, các xã của huyện được bao bọc bởi thảm thực vật đặc thù như bần, quao, dừa nước, cộng với các bãi bồi và hệ thống kinh rạch chằng chịt đã tạo nên môi trường thuận lợi cho các giống loài thủy sản phát triển, đều là nguồn lợi đáng kể cho nhân dân địa phương.

Chính các yếu tố môi trường thuận lợi nêu trên đã tạo điều kiện cho huyện Tân Phú Đông khai thác triệt để tiềm năng kinh tế biển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà ngày càng phát triển. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan, hạn, mặn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của cư dân cù lao. Bên cạnh đó, do ý thức của con người trong bảo vệ môi trường còn hạn chế, cũng như chưa có quy hoạch phát triển, bảo vệ môi trường một cách cụ thể, thiết thực nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Gần đây nhất là đợt hạn, mặn kéo dài trong mùa khô năm 2016 không những gây nên hiện tượng thiếu nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất trầm trọng mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Theo ghi nhận thực tế thì các hiện tượng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường thường xảy ra trên địa bàn huyện trong thời gian qua là do người dân vứt rác bừa bãi nơi công cộng, nhất là khu vực chợ, kinh rạch; vệ sinh chuồng trại chăn nuôi chưa bảo đảm, xổ xả nước mang mầm bệnh ra môi trường nuôi tôm, ảnh hưởng đến môi trường nuôi của cộng đồng…

Để khắc phục những tình trạng trên, các ngành chức năng phối hợp với chính quyền cơ sở đã có những động thái tích cực nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường như vận động người dân không xả rác bừa bãi ra nơi công cộng, thu gom rác về nơi tập trung; vận động, hướng dẫn các hộ nuôi tôm tích cực tham gia bảo vệ môi trường nuôi, không tự ý xổ xả nguồn nước mang mầm bệnh ra môi trường nuôi công cộng, tổ chức các đợt cao điểm tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi…

Tuy bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra, gây bức xúc cho người dân. Việc thu gom rác về nơi công cộng có lúc chưa được thường xuyên, tình trạng người nuôi tự gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm vẫn còn xảy ra, không ít diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện đã bị nhiễm bệnh do nguyên nhân này.

Để khắc phục các hiện tượng nêu trên cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, không thể khoán gọn cho ngành Tài nguyên - Môi trường mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mặt trận, các đoàn thể cần đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. UBND huyện Tân Phú Đông đã phát động các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (NS và VSMT năm 2016 trên địa bàn huyện, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tuần lễ hoạt động này với chủ đề “NS và VSMT với thích ứng biến đổi khí hậu”, nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về tầm quan trọng của việc sử dụng NS và VSMT góp phần thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn.

Theo đó, các cấp, các ngành và đoàn thể ở huyện tổ chức các chiến dịch truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về NS và VSMT bằng các hình thức như tọa đàm, trao đổi, bàn bạc các giải pháp thiết thực để thực hiện trong cộng đồng dân cư; vận động các đơn vị cấp thoát nước ra quân tổng vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình cấp nước; vận động tập hợp người dân, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị tham gia lao động vệ sinh môi trường tại hộ gia đình, trụ sở, cơ quan làm việc… Đặc biệt là huy động toàn dân tham gia lao động tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, xây dựng nếp sống vệ sinh, gia đình văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” là nhóm giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Tân Phú Đông hiện nay.

HỮU DƯ

.
.
.