Thứ Sáu, 10/06/2016, 11:11 (GMT+7)
.
Nở rộ những tấm lòng "thương người như thể thương thân"

Bài 1: Lung linh những giọt máu hồng

Bài 2: San sẻ khó khăn với người nghèo
Bài cuối: Làm việc thiện ngày càng lan tỏa

Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao về mọi mặt đã tác động tích cực đến việc thực hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”… ngày càng phát huy, nở rộ, giúp một bộ phận người nghèo vượt qua nghịch cảnh.
 

Với 60 lần hiến máu, anh Võ Minh Hiếu được bạn bè gọi là “Quán quân hiến máu”.
Với 60 lần hiến máu, anh Võ Minh Hiếu được bạn bè gọi là “Quán quân hiến máu”.

Với tâm nguyện “một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, nhiều người đã sẵn sàng chia sẻ một phần “nhựa sống” của mình cho người bệnh mà không chút đắn đo. Bởi với họ, một cuộc sống được giữ lại là niềm hạnh phúc lớn lao của chính mình...

76 LẦN HIẾN MÁU

Tốt nghiệp Dược tá năm 1982, chú Phan Văn Đông về nhận công tác ở Ban Thể thao huyện Cai Lậy. Năm sau chú được phân công giữ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Cai Lậy. 23 năm tiếp xúc với nhiều mảnh đời bất hạnh, chú thấu hiểu và luôn cố gắng hoàn thành tốt chức trách được giao.

Năm 1997, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam phát động phong trào “Hiến máu tình nguyện”, chú nhiệt tình hưởng ứng và vận động nhiều người tham gia. Chú Đông chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp ngành Dược nên biết máu là loại dược liệu quý, không có gì có thể thay thế được. Có những bệnh nhân nếu không được truyền máu kịp thời sẽ tử vong, nên khi Hội CTĐ phát động phong trào “Hiến máu nhân đạo”, tôi lập tức tham gia và vận động nhiều người hưởng ứng”.

Từ mỗi năm chỉ hiến máu 3 lần, rồi tăng dần lên 4 - 6 lần, đến nay chú đã 76 lần tham gia hiến máu, trong đó có 1 lần tham gia hiến máu khẩn cấp, kịp thời cứu sống bệnh nhân. Chú Đông bồi hồi nhớ lại: “Năm 2013, nhận được thông báo của Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy có 1 bệnh nhân cần được truyền máu gấp, tôi liền vận động thêm 3 người nữa cùng đến bệnh viện cho máu.

Khi nghe bác sĩ thông báo nhờ truyền máu kịp thời mà bệnh nhân đã được cứu sống, chúng tôi rất vui vì đã giúp một cuộc đời được giữ lại!”. Chú còn vận động vợ mình là cô Huỳnh Thị Thêm cùng tham gia, đến nay cô đã hiến máu 52 lần. Hành động hiến máu đầy ý nghĩa của vợ chồng chú Đông đã nhanh chóng lan tỏa đến nhiều người.

Chú Phan Văn Đông đã 76 lần hiến máu.
Chú Phan Văn Đông đã 76 lần hiến máu.

Không những vậy, năm 1994 chú tham mưu với Huyện ủy thành lập “Phòng thuốc Nhân đạo”, khám bệnh, bốc thuốc Nam miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Năm 2000, chú thành lập Tổ Từ thiện 19-5, phát cháo và nước sôi miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy…

Sự tận tụy, nhiệt tâm thực hiện chức trách được giao bằng cả tấm lòng “thương người như thể thương thân” của chú đã được tập thể cử tham dự Hội nghị Tuyên dương điển hình tiêu biểu trong phong trào “Hiến máu nhân đạo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào năm 2013.

Chú còn được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội CTĐ tỉnh… về thành tích tích cực tham gia hiến máu tình nguyện và nhiều Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhân đạo, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc…
 

Theo thống kê của Hội CTĐ tỉnh, trung bình mỗi năm có 9.000 người tham gia hiến máu, cung cấp hàng ngàn đơn vị máu cho các bệnh viện trong tỉnh. Cụ thể, năm 2014 thu được 8.003 đơn vị máu, năm 2015: 7.424 đơn vị máu, 5 tháng đầu năm nay: 3.000 đơn vị máu. Tham gia hiến máu là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, sinh viên và nhân dân trong toàn tỉnh.

“QUÁN QUÂN HIẾN MÁU”

Có những người đã từng trải qua hoạn nạn hoặc chứng kiến bạn mình hoạn nạn nhưng không vượt qua được nghịch cảnh nên càng thấu hiểu và sẵn lòng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, như câu chuyện của anh Võ Minh Hiếu (ngụ xã Phú An, huyện Cai Lậy) đang công tác ở Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Cái Bè.

Năm 1993, sinh viên Võ Minh Hiếu đang học tập ở thủ đô Hà Nội, đã tận mắt chứng kiến người bạn học cùng lớp của mình qua đời vì mất nhiều máu mà không có máu để truyền kịp thời. Cái chết của người bạn học cứ ám ảnh Hiếu mãi.

“Cái chết của người bạn giúp tôi ý thức được rằng, hiến máu cứu người là việc làm thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc. Hưởng ứng Lời kêu gọi hiến máu tình nguyện của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, tôi liền hưởng ứng, đến nay có 60  lần tôi lặng lẽ cho máu (được bạn bè gọi là “Quán quân hiến máu”), trong đó có nhiều lần tham gia hiến máu khẩn cấp, cứu sống nhiều bệnh nhân …” - anh Hiếu chia sẻ. 

Sau khi lập gia đình, anh Hiếu còn vận động vợ tham gia hiến máu 12 lần và vận động nhiều người khác cùng tham gia. Việc làm ý nghĩa của anh đã được nhận nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương của Trung ương Hội CTĐ, UBND tỉnh, Hội CTĐ tỉnh...

PHAN THẮNG (còn tiếp)

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, nhu cầu sử dụng máu trung bình hàng tháng từ 600 - 700 đơn vị, trong đó lượng máu cung cấp cho bệnh viện chủ yếu từ phong trào “Hiến máu tình nguyện” chiếm 98,79%, còn lại từ nguồn hiến máu chuyên nghiệp.

Tỷ lệ của các nhóm máu từ hiến máu tình nguyện như sau: Nhóm máu A: 16%, nhóm máu B: 30%, nhóm máu O: 46% và nhóm máu hiếm AB: 8%.

 

.
.
.