Thứ Hai, 13/06/2016, 14:08 (GMT+7)
.
Nở rộ những tấm lòng "thương người như thể thương thân"

San sẻ khó khăn với người nghèo

Bài 1: Lung linh những giọt máu hồng
Bài cuối: Làm việc thiện ngày càng lan tỏa

Họ từng sống trong cảnh nghèo khó nên thấu hiểu sự vất vả, nỗi lo toan của những hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy, khi cuộc sống ổn định, khá giả, họ đã “tri ân cuộc đời”, tích cực đóng góp cho cộng đồng bằng những việc làm cụ thể mang đậm tính nhân văn.

Cô Nguyễn Thị Hồng thăm hỏi bệnh nhân trước khi khám mắt.
Cô Nguyễn Thị Hồng thăm hỏi bệnh nhân trước khi khám mắt.

“ĂN CƠM NHÀ VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG”

Hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng (sinh năm 1956, ngụ ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) được nhiều bệnh nhân nghèo trong tỉnh biết đến với cái tên thân thương: Cô Bảy Hồng!

Theo thống kê của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh, năm 2015 Tỉnh hội đã vận động tiền mặt và hiện vật với tổng trị giá 21,75 tỷ đồng và được Trung ương Hội hỗ trợ 30 triệu đồng.

Từ nguồn vận động trên, Hội đã tổ chức nhiều hoạt động bảo trợ cho 884.194 lượt bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi; trong đó các chi hội, hội viên đã hỗ trợ 941.814 suất ăn cho bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi, người cơ nhỡ… trị giá gần 9,5 tỷ đồng.

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, toàn tỉnh có 1.622 chi hội với 80.930 hội viên và 2.219 tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ làm công tác từ thiện - xã hội.

Năm 2015, Tỉnh hội đã vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh được 48,67 tỷ đồng, giúp đỡ cho 525.455 lượt hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh.

Chồng mất sớm, cô Bảy Hồng ở vậy nuôi 3 con thơ trong cảnh túng thiếu. Bươn chải với nghề buôn bán vải vụn, cô Bảy Hồng nuôi các con khôn lớn, thành đạt và cuộc sống gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả, nên cô thấu hiểu nỗi cơ cực, lo toan của người nghèo.

Vì thế, khi đã “đủ ăn đủ mặc”, cô Bảy Hồng muốn đóng góp một phần công sức giúp đỡ người nghèo để vơi đi phần nào khó khăn, buồn tủi trong cuộc sống.

Cô chia sẻ: “Tôi đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều gia đình nghèo khó cần sự giúp đỡ, trong đó nhiều người bị mù lòa vì không có tiền mổ mắt hoặc gia cảnh thiếu trước hụt sau… khiến tôi xót xa và tìm cách giúp đỡ…”.

Năm 2005, một người bạn Việt kiều ngỏ ý với cô Bảy muốn xây bệnh viện mắt để chữa bệnh cho người nghèo. Cô khuyên người bạn đừng xây bệnh viện sẽ rất tốn kém, nếu trực tiếp hỗ trợ người bệnh sẽ giúp được nhiều người hơn.

Được sự đồng tình của bạn, cô Bảy nhờ người quen thông báo cho những người nghèo bị bệnh mắt trong tỉnh đăng ký, rồi tổ chức đưa các bệnh nhân lên TP. Hồ Chí Minh điều trị. Năm 2007, cô Bảy đưa lượt bệnh nhân đầu tiên gồm 200 người đi mổ mắt ở Bệnh viện 115 - TP. Hồ Chí Minh. Mọi chi phí đi lại, ăn uống, viện phí được bạn lo, nếu không đủ cô vận động người thân trong gia đình hỗ trợ thêm. Tính đến nay, cô Bảy đã đưa 467 bệnh nhân mổ mắt miễn phí.

Không dừng lại ở đó, cô Bảy còn vận động các tổ chức, nhà hảo tâm giúp mổ tim miễn phí cho 91 bệnh nhân, xây tặng 20 căn nhà tình thương, 2 “Mái ấm khuyến học”, 2 cầu giao thông nông thôn, 160 xe lăn và hàng ngàn món quà cho người nghèo.

Có người nói vui: “Cô Hồng thích “ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng”. Cô lại nghĩ khác: “Được mang đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người thì mình càng có nhiều niềm vui, hạnh phúc!”.

“NỒI CHÁO TÌNH THƯƠNG”

Đối với bệnh nhân nghèo, việc trang trải viện phí còn lo không nổi, huống chi lo những bữa ăn trong thời gian nằm viện. Hiểu được điều đó, ông Lê Tấn Đức (tên thường gọi là ông Tám), dù đã ở tuổi lục tuần, vẫn cùng vợ là bà Nguyễn Thanh Vân (ngụ ấp Rẫy, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành) thực hiện nấu cháo từ thiện tặng bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành.

Ông Lê Tấn Đức phát cháo miễn phí ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành từ hơn 13 năm nay.
Ông Lê Tấn Đức phát cháo miễn phí ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành từ hơn 13 năm nay.

Ông Tám cho biết: “Tôi đi nhiều nơi thấy nhiều bệnh viện có bếp ăn từ thiện hỗ trợ bệnh nhân nghèo, trong khi ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành chưa có nên tôi bàn với vợ liên hệ với Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho phép chúng tôi nấu cháo từ thiện hỗ trợ bệnh nhân nghèo…”.

6 giờ sáng 1-7-2003, những bát cháo nóng hổi được vợ chồng ông Tám chuyển đến bệnh nhân và thân nhân bệnh nghèo trong bệnh viện. Lúc đầu ông bà chỉ nấu mỗi tuần 1 nồi. Biết được việc làm đầy tính nhân văn của ông bà, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ để những bát cháo ấm áp nghĩa tình đến với bệnh nhân mỗi ngày.

Vậy là suốt 13 năm qua bếp cháo từ thiện của vợ chồng ông Tám luôn đỏ lửa. Vợ chồng ông còn nấu thêm nồi sữa đậu nành và nấu cơm chay phát vào trưa những ngày cuối tháng âm lịch. Tính đến nay, ông bà đã phát hàng ngàn phần cơm, cháo, sữa cho bệnh nhân nghèo.

Ngoài ra, sau khi tổng kết cuối năm, ông Tám trích chi phí còn dư để mua quà tết tặng người nghèo và vận động thêm bạn bè xây tặng nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho hộ chính sách, hộ nghèo gặp khó khăn về chỗ ở.

PHAN THẮNG (còn tiếp)

.
.
.