Thứ Hai, 20/06/2016, 15:55 (GMT+7)
.

Phòng Biên tập phát thanh: Sản xuất và phát sóng những gì người dân cần

Dù thời đại công nghiệp phát triển, bùng nổ mạng công nghệ thông tin, song sóng phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh vẫn luôn là lựa chọn của công chúng, vì độ tin cậy, trung thực, nhanh nhạy, sinh động, có thể nghe được mọi lúc mọi nơi…

Chuyên mục “Lắng nghe trò chuyện” được phát trực tiếp từ 20 giờ 5 phút đến 21 giờ ngày thứ năm hàng tuần trên sóng phát thanh. 		                  Ảnh: Hạnh Nga
Chuyên mục “Lắng nghe trò chuyện” được phát trực tiếp từ 20 giờ 5 phút đến 21 giờ ngày thứ năm hàng tuần trên sóng phát thanh. Ảnh: Hạnh Nga

PHÁT THANH VẪN PHÁT HUY GIÁ TRỊ

“Phát thanh luôn có vị trí quan trọng của nó, rất khó thay thế”. Bây giờ, quan điểm này vẫn đúng, vì so với các loại hình truyền thông mới thì phát thanh có những thế mạnh không thua kém, đó là có thể đưa thông tin tức thì.

Dù đang làm bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu (không cần phải nhìn như truyền hình, hay dùng tay để lật trang xem báo in hoặc nhìn vào báo điện tử), người dân cũng có thể nghe được phát thanh. Cứ 5 giờ 30 phút mỗi ngày, các đài truyền thanh -truyền hình cơ sở tiếp sóng chương trình phát thanh của Đài PT-TH tỉnh.

Ông Bùi Thanh Đạm, Trưởng phòng Biên tập phát thanh, Đài PT-TH tỉnh cho biết: “Năm 2011, Phòng Biên tập phát thanh được thành lập, phụ trách Thời sự - Chính luận - Khoa giáo, phát trên tần số 96,2 MHZ, từ 5 giờ đến 23 giờ hàng ngày. 18 giờ phát sóng với nhiều chương trình, chuyên mục hấp dẫn.

Ở thành thị hay vùng nông thôn, người dân chủ yếu nghe đài tỉnh, đài cấp huyện qua loa truyền thanh. Đặc biệt, đối với người dân vùng sâu, vùng xa, phát thanh càng phát huy giá trị. Mạng lưới phát thanh không chỉ tuyên truyền chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, mà còn là công cụ hữu hiệu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành…”.

Thế mạnh của phát thanh không chỉ ở tin tức nhanh, trực tiếp, đa dạng và phong phú, mà bằng lời nói, âm nhạc và tiếng động, đưa người nghe tới gần hơn sự kiện, nhân vật, như được hòa mình, được cảm nhận đầy đủ sự kiện, nhân vật đó. Bên cạnh đó, nhu cầu tiếp nhận thông tin trên hệ thống phát thanh cũng khác trước rất nhiều. Công nghệ thay đổi, phát thanh cũng ngày càng thay đổi để khẳng định vị thế của mình. Ngày nay, công chúng tiếp cận thông tin ở đâu thì phát thanh có mặt ở đó…

Ngoài chiếc radio truyền thống, phát thanh đã có mặt trên Internet, mobile phone, đặc biệt là phát thanh số có nhiều kênh sóng để lựa chọn. Cách thức nghe đài, chọn chương trình của người dân cũng khác trước rất nhiều, số người nghe đài bằng radio truyền thống trong các gia đình không tăng, nhưng lại gia tăng số người nghe đài trên ô tô, trên mobile và các trang web. Nghe đài, bà con được mở mang kiến thức, nắm bắt thông tin trên mọi lĩnh vực, đời sống tinh thần được nâng lên rõ rệt.

ĐỔI MỚI PHÁT THANH ĐỂ THU HÚT NGƯỜI NGHE

Ông Bùi Thanh Đạm cho rằng: “Bất cứ loại hình báo chí nào muốn thu hút bạn đọc, bạn xem đài, nghe đài… thì phải có tính hấp dẫn, trong đó nội dung và hình thức đều quan trọng. Nội dung ngày càng không đơn thuần là nhanh và đúng, mà còn là độc đáo, tạo được cảm xúc và sức lôi cuốn người nghe.

Người làm phát thanh phải luôn luôn mang tới cho công chúng những thông tin mới lạ, hấp dẫn. Phải tìm được góc tiếp cận mới trong những vấn đề đang được nhiều báo đề cập (báo in, báo hình…) và phát thanh phải tạo điều kiện để công chúng nói lên tiếng nói của họ trên sóng…

Về hình thức, phát thanh ngoài là lời nói, còn phải làm sinh động hơn bằng âm nhạc, bằng tiếng động hiện trường. Chỉ khi nào nghe phát thanh mà như được sống, được thở trong cuộc sống thực thì lúc đó phát thanh mới có được sự chú ý, sự ủng hộ, sự đón đợi của công chúng”.

Ngoài ra, để thu hút thính giả, người làm phát thanh phải có được những câu chuyện, những chi tiết, những nhân vật điển hình trong cuộc sống đời thường; phải kể sao để người nghe không những hiểu, mà còn được cảm, được vui, được buồn, được động viên, được chia sẻ…

Ông Bùi Thanh Đạm cho biết thêm: “Chúng tôi đã và đang hướng tới phát thanh tương tác, sản xuất và phát sóng những gì người dân cần chứ không phải những gì đài có. Trên thực tế, phát thanh đã và đang có nhiều chuyên mục hấp dẫn như: Nông thôn ngày nay, Bác sĩ gia đình, Lắng nghe trò chuyện, Tọa đàm phát thanh trực tiếp tại cơ sở, Phóng sự phát thanh trực tiếp… mang tính tương tác và hiệu quả cao”.

Để phát thanh luôn là tiếng nói phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, là kênh thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất, có tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương, ông Bùi Thanh Đạm khẳng định:

“Lãnh đạo Đài, Phòng Biên tập phát thanh thường xuyên đổi mới các chuyên mục phát thanh để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn; duy trì phát thanh tương tác trực tiếp; liên kết tổ chức các cầu phát thanh với các đài tỉnh bạn.

Bên cạnh đó, tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; tập trung đổi mới toàn diện nội dung đối với các khối biên tập; xây dựng những con người làm phát thanh là những con người năng động, đa năng; đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hệ thống phát thanh….”.

P. MAI

.
.
.