Thứ Sáu, 22/07/2016, 18:03 (GMT+7)
.
Chị NGUYỄN THỊ UYÊN TRANG, Bí thư Tỉnh đoàn:

Tìm giải pháp giúp giới trẻ chấp hành tốt quy định về trật tự ATGT

Tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) là một trong những việc làm được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quan tâm nhằm góp phần giảm tỷ lệ thanh thiếu niên vi phạm quy định về trật tự ATGT. Xung quanh vấn đề này, chị Nguyễn Thị Uyên Trang, Bí thư Tỉnh đoàn trao đổi

Thời gian qua, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh các cấp luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi và tổ chức các hoạt động tham gia đảm bảo trật tự ATGT.

Tỉnh đoàn đã ban hành Đề án “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự ATGT giai đoạn 2013 - 2017” với nhiều nội dung thiết thực.

Đặc biệt, đã phát động và triển khai sâu rộng trong toàn thể đoàn viên và thanh thiếu nhi toàn tỉnh Cuộc vận động “Đoàn viên, thanh niên gương mẫu chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ”, “Thanh niên với văn hóa giao thông” với phương châm mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên về ATGT, cam kết gương mẫu thực hiện và vận động gia đình, xã hội chấp hành các quy định về trật tự ATGT.

Tỉnh đoàn đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông; tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thi tuyên truyền, các diễn đàn “Hiểm họa rượu, bia và tai nạn giao thông”; liên hoan tuyên dương các gương điển hình tình nguyện trong công tác giữ gìn trật tự ATGT…

Các cuộc vận động, mô hình đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật của thanh niên khi tham gia giao thông được cải thiện đáng kể. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã chú trọng nhân rộng các mô hình, tổ, đội nhóm thanh niên tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự ATGT. Các mô hình “Cổng trường ATGT”, “Đoạn đường thanh niên tự quản”,“Đội thanh niên xung kích” đang được nhân rộng và phát huy hiệu quả.. Từ khi triển khai mô hình này, tình trạng ùn tắc, va chạm trong giờ cao điểm giảm hẳn, ý thức của học sinh, phụ huynh khi tham gia giao thông được nâng lên.

* Phóng viên (PV):  Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, tỷ lệ người ở lứa tuổi từ 18 - 25 tuổi vi phạm trật tự ATGT rất cao (tổng số người vi phạm ở lứa tuổi từ 18 - 25 tuổi trong 6 tháng đầu năm là 2.478 người), chị lý giải điều này như thế nào?

Công tác tuyên truyền, giáo dục thanh niên ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cũng gặp không ít khó khăn:

Hiệu quả tuyên truyền giáo dục thanh niên ý thức chấp hành pháp luật về ATGT ở một số nơi vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu thực tế.

Công tác phối kết hợp giữa các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở có nơi vẫn chưa đồng bộ, công tác tuyên truyền chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và chưa đến được thanh niên vùng sâu, vùng xa và vùng có thanh niên tôn giáo.

Một số đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục thanh niên ý thức chấp hành pháp luật về ATGT cho đoàn viên, thanh thiếu nhi nên chưa định hướng đúng, công tác chỉ đạo điều hành chưa kịp thời.

Kỹ năng tuyên truyền của một số cán bộ Đoàn - Hội mới bổ sung còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền giáo dục thanh niên ý thức chấp hành pháp luật về ATGT ở cơ sở.

Kinh phí hoạt động Đoàn của cơ sở hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, do vậy không có khoản kinh phí riêng để phục vụ cho giáo dục thanh niên ý thức chấp hành pháp luật về ATGT nên chủ yếu lồng ghép vào hoạt động của Đoàn, do vậy hình thức tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn, chưa thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia và hiểu biết luật một cách sâu rộng.

* Chị Nguyễn Thị Uyên Trang: Thực tế cho thấy, ở lứa tuổi thanh niên, tâm lý hiếu thắng phát triển mạnh mẽ; ý thức tự chủ, độc lập ngày càng mạnh mẽ và muốn tự khẳng định cá nhân mình, chính vì vậy khi tham gia giao thông thanh niên thiếu kiềm chế, muốn khẳng định bản thân mình một cách tiêu cực.

Bên cạnh đó, một phần không nhỏ giới trẻ hiện nay đang sống thực dụng (sống ảo), ham chơi, chưa có ý thức, trách nhiệm trong cuộc sống. Vì thế, một điều nghịch lý chúng ta vẫn thường thấy đó là:

Thanh niên là lực lượng xung kích tham gia bảo đảm trật tự ATGT, nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, thanh niên cũng chính là đối tượng vi phạm và gây tai nạn giao thông (TNGT) nhiều nhất và chỉ chấp hành tốt khi có lực lượng Cảnh sát giao thông.

 Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, uống rượu bia khi lái xe, thậm chí có nhiều nơi tình trạng thanh niên đua xe trái phép, chạy xe lạng lách, đánh võng vẫn còn diễn ra gây bức xúc trong nhân dân.

Mặc dù đã có nhiều hội thi, nhiều mô hình, nhiều hoạt động của tuổi trẻ Tiền Giang nhằm cải thiện văn hóa giao thông trong giới trẻ, góp phần làm giảm thiểu số vụ TNGT trên địa bàn trong thời gian qua, nhưng thực tế hiệu quả mang lại từ công tác tuyên truyền chưa đạt được như mong muốn. Nhiều đoàn viên thanh niên vẫn thiếu hiểu biết khi tham gia giao thông.

Việc giáo dục ATGT trong trường học chưa bền vững, học sinh, sinh viên càng lớn thì tình trạng vi phạm giao thông càng tăng.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông ngày càng tăng như việc giáo dục về ATGT trong các trường chưa được quan tâm đúng mức. Hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên chủ yếu diễn ra ở ngoài trường, do đó khó kiểm soát, giám sát, trong khi phụ huynh lại chưa quan tâm, vô tư để con đi xe phân khối lớn mà không có các biện pháp ngăn cản, nhắc nhở.

* PV: Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ có những biện pháp nào để giải quyết và hạn chế tình trạng vi phạm trật tự ATGT ở tuổi trẻ tỉnh nhà?

* Chị Nguyễn Thị Uyên Trang:

Giải pháp để hạn chế vi phạm trật tự ATGT và TNGT trong giới trẻ chính là xây dựng văn hóa giao thông cho chính giới trẻ. Tuy nhiên, việc tuyên truyền về ATGT cho đoàn viên thanh niên, học sinh hiện nay được thực hiện rải rác, chưa có chiều sâu nên hiệu quả còn hạn chế.

Những giải pháp mà các tổ chức Đoàn đã và đang triển khai đối với giới trẻ mới chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết được phần “ngọn”. Để giải quyết tận “gốc” của vấn đề đòi hỏi tổ chức Đoàn phải cố gắng hơn nữa trong việc tìm giải pháp căn cơ cho giới trẻ chấp hành tốt quy định về ATGT. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

Chị Nguyễn Thị Uyên Trang, Bí thư Tỉnh đoàn tuyên dương giới trẻ tại liên hoan “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông”.                                     Ảnh: Phương Mai
Chị Nguyễn Thị Uyên Trang, Bí thư Tỉnh đoàn tuyên dương giới trẻ tại liên hoan “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông”. Ảnh: Phương Mai

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT: Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông và xây dựng văn hóa giao thông vào các kỳ sinh hoạt chi đoàn, chi hội định kỳ hàng tháng, quý và năm.

Xác định nội dung Đoàn - Hội tham gia đảm bảo trật tự ATGT là tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp bộ Đoàn - Hội; hành vi vi phạm trật tự ATGT của đoàn viên, hội viên được đưa vào đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm.

Đoàn thanh niên các cấp có giải pháp để quản lý, giáo dục đối với thanh thiếu niên vi phạm trật tự ATGT. Đổi mới phương thức và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ATGT phù hợp với từng đối tượng thanh niên, xây dựng và nhân rộng các mô hình đoàn viên thanh niên giữ gìn trật tự ATGT.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Thanh niên Tiền Giang với văn hóa giao thông”. Tổ chức các chương trình truyền thông thực tế, kịch tương tác về văn hóa giao thông tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về cuộc vận động trên các trang báo, tạp chí, chương trình truyền thanh, truyền hình của Đoàn, Hội. Tổ chức “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông” từ cấp huyện và tương đương trở lên, trong đó tập trung trong đợt hoạt động Tháng Thanh niên năm 2016, Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2016, tháng ATGT…

Củng cố, duy trì, nâng chất hoạt động của các đội Thanh niên tình nguyện, Thanh niên xung kích tham gia đảm bảo trật tự ATGT; thành lập mới và nhân rộng các mô hình, công trình, phần việc của thanh thiếu nhi tham gia bảo đảm trật tự ATGT:

Tập trung thực hiện có hiệu quả mô hình “Cổng trường ATGT” tại các trường học trong tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm tổ chức các buổi tuyên truyền trực quan về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, về nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên.

Tổ chức đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm. Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT. Vận động học sinh không điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định, đội mũ bảo hiểm và đăng ký xe máy điện khi tham gia giao thông.

Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các đội hình thanh niên tình nguyện tại các bến đò ngang an toàn (bến khách ngang sông), tuyến đường thanh niên tự quản “Sáng, xanh, sạch và an ninh”…

Đào tạo nâng cao kỹ năng cho thanh thiếu niên khi tham gia giao thông, nhất là thanh niên vùng nông thôn: 100% Đoàn thanh niên cấp huyện, thành, thị phối hợp các ngành tổ chức các hoạt động giúp thanh niên hoàn thiện các kỹ năng khi tham gia giao thông như :

Kỹ năng lái xe khoa học và an toàn; cách lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy định; cách xử lý các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tổ chức tuyên dương các điển hình thanh niên tham gia bảo đảm ATGT: Đoàn thanh niên các cấp phối hợp các ngành biểu dương, khen thưởng các điển hình tiêu biểu với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và Ban ATGT các cấp.

* Phóng viên: Xin cảm ơn  chị!

NGUYỄN TÂM (thực hiện)

.
.
.